Ngày 19 tháng 2 năm 1939, cái Tết đầu tiên kể từ khi quân Nhật chiếm Quảng Châu.
Mặc kệ thời thế ra sao, năm mới vẫn phải tới. Giống như đặt một dấu chấm kết câu, chẳng cần biết có còn viết tiếp nhiều câu nữa hay không, dù sao câu này cũng đã trọn. Viết hay thì là kỷ niệm, viết dở thì ta bỏ lại, hướng tới tương lai.
Lễ mừng năm mới của Đường gia không hề xuề xòa chút nào, sự gì cần xa xỉ luôn được làm rất xa xỉ, các ông chủ ở thương hội nườm nượp đến chúc Tết khiến Đường gia vốn neo người trở nên náo nhiệt hẳn. Tối mùng một, Đường Thập Nhất bao trọn Bách Nhạc Môn, bày tiệc chiêu đãi toàn thể đại gia Quảng Châu, đương nhiên những nhân vật có vai vế trong quân đội Nhật là khách mời không thể thiếu. Lại những buổi tiệc tùng linh đình, ngựa xe như nước, dường như Quảng Châu đã trở lại những ngày xưa cũ, tráng lệ và xa hoa.
Thời điểm quân Nhật tràn vào Quảng Châu, Tanaka Takao cũng cướp đoạt được một số của cải, nhưng từ khi Đường Thập Nhất bắt tay vào kinh doanh đến nay mới được nửa năm, số thuế quân Nhật thu được ở đây đã tăng gấp bốn lần, vì thế đương nhiên Tanaka Takao rất sung sướng được làm thượng khách trong buổi tiệc này. Đường Thập Nhất còn cố tình bày các loại kịch ca múa, diễn tấu đàn shamisen đặc sắc của Nhật Bản, hắn nói, "Dù ăn Tết ở Trung Quốc cũng mong đại tá Tanaka cảm thấy như đang ở nhà, sang năm mới chúc mọi người hợp tác suôn sẻ, cùng nhau phát tài."
Tanaka Takao rất hài lòng với câu chúc của Đường Thập Nhất, sau ba lượt chúc rượu Đường Thập Nhất liền vỗ vỗ tay, sau đó đoàn vũ nữ đỏm dáng trên đài đồng loạt lui xuống, tiếp theo là hai ba chục đứa bé mặc kimono xuất hiện, tuổi chừng từ sáu, bảy đến mười hai mười ba, bọn trẻ đứng xếp thành đội hình rồi một cô gái cũng mặc kimono đi ra đứng đằng trước, cô ta cúi mình chào khán giả và quay lại chỉ huy lũ trẻ bắt đầu hát.
Giọng trẻ con non nớt nhưng ca rất đồng đều, đúng nhịp bài dân ca "Bốn mùa" của Nhật Bản. Âm điệu thê lương lạnh lẽo cố hữu của nhạc Nhật Bản như tưới lạnh bầu không khí vốn đang sôi nổi vì hơi men, vẻ hạnh phúc hoan hỉ giả tạo cũng bị lột trần trong phút chốc.
Khác rồi, đã hoàn toàn khác xưa rồi. Cả khúc ca mừng năm mới cũng không còn là ngôn ngữ quen thuộc nữa, tất cả sao có thể vẫn như xưa đây?
Thái độ mọi người đều trầm xuống, kể cả Tanaka Takao và mấy tên lính Nhật, nhưng nỗi buồn của chúng không giống những người ở đây. Chúng đang nhớ nhà, nhớ những đứa con xa tại Nhật Bản có lẽ cũng sàn sàn tuổi như những đứa trẻ nơi đây.
Hết bài "Bốn mùa", cô gái dẫn đầu quay lại, nói mấy câu, "Cảm ơn quý vị đã ủng hộ, chúc mừng năm mới." bằng tiếng Nhật rồi cúi chào lần nữa. Tanaka Takao chậm rãi vỗ tay, mấy tên lính Nhật còn lại cũng nhiệt liệt hoan hô theo.
Đường Thập Nhất giơ tay ra hiệu cho cô gái kia, cô ta liền dẫn bọn trẻ xuống khỏi sân khấu, mỗi đứa trẻ đều cầm một cành hoa đến tặng cho những tên lính Nhật, chúng còn nói chúc mừng năm mới bằng tiếng Nhật rồi lại cúi chào rồi mới cùng chạy vào hậu trường.
Tanaka Takao cầm cành hoa trên tay, gương mặt ông ta lộ vẻ ưu sầu hiếm thấy, ông ta quay sang bảo Đường Thập Nhất, "Đường lão gia, tôi đến Trung Quốc hai năm rồi, cũng được nhận vô số món quà nhưng món quà này của anh là tôi hài lòng nhất."
BẠN ĐANG ĐỌC
[đam mỹ] [edit hoàn] Vô Thanh Hí 1938
Teen FictionVô thanh hí 1938 Tác giả: Phong Hoa Tuyết Duyệt Dịch: QT ca ca Edit: Minh Du (với một niềm yêu thương đầy khói lửa) Thể loại: đam mỹ, cường cường, Trung Hoa Dân Quốc, chiến tranh Trung-Nhật. Tình trạng bản gốc: 34 chương (hoàn). Note: Bản dịch này...