Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trướcĐất Nước-hai tiếng gọi thiêng liêng mà rung động đến tận sâu thẳm bao tâm hồn. Nó không chỉ là mảnh đất đã ấp ủ, chắt chiu, nuôi ta lớn mà hơn thế Đất Nước Việt Nam đã trở thành một phần hoà chảy cùng dòng máu nóng trong cơ thể, thành những nhịp đập trong trái tim và từ đó trong mỗi chúng ta đều có một phần Đất Nước. Hình tượng Đất Nước tươi đẹp tự bao giờ đã nghiêng mình vào thơ ca và trở thành suối nguồn sáng tạo cho những người nghệ sĩ. Như một mảng màu làm phong phú thêm hình tượng Đất Nước trong dòng chảy văn học Việt, đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến cho chúng ta một Đất Nước toàn vẹn trong cái nhìn tổng hợp theo chiều dài lịch sử, văn hóa, cũng như cuộc sống đời thường gần gũi, yêu thương, mà thiêng liêng, cao đẹp. Điều đó được thể hiện bằng những vần thơ giàu chất trữ tình chính luận trong đoạn thơ sau:
"Trong anh và em hôm nay
...............
Làm nên Đất Nước muôn đời..."Có người đã từng nói: “Nếu mỗi người không thuộc về một Đất Nước, một quê hương thì sẽ giống như con chim không có tổ, cái cây không có rễ”. Thật vậy, Đất Nước từ lâu đã hòa mình vào cuộc sống và trong mỗi con người, là máu thịt trong mỗi chúng ta mà cả anh và em đều có:
"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước"Từ khái niệm, ý niệm “Mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của Đất Nước” được diễn đạt một cách mềm hóa qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi “anh và em” đã cho thấy dù chỉ “một phần” nhỏ bé thôi nhưng chứa đựng biết bao gắn bó, yêu thương và tự hào. Trong chúng ta có một phần Đất Nước bởi mỗi người đều được thừa hưởng những di sản vật chất, tinh thần quý báu của bao thế hệ đi trước, từ huyết thống đến truyền thống đến những phong tục tập quán. Đất Nước đã trở thành một phần cơ thể không thể tách rời của mỗi người, khẳng định điều này nhà thơ muốn nhấn mạnh sự sống của mỗi một cá nhân không chỉ thuộc về bản thân mà còn thuộc về Đất Nước, cộng đồng.
Quan hệ giữa Đất Nước với mỗi cá nhân, sự gắn bó mật thiết ấy còn được thể hiện một cách thật sâu sắc:
"Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn"Hình ảnh “hai đứa cầm tay” là biểu hiện đẹp đẽ của sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn, hai nhịp đập trái tim. Đặc biệt hai đại từ "anh" và "em" ở hai câu thơ trên đến đây đã chuyển thành "hai đứa" làm nổi bật được sự gắn bó hòa hợp về tâm hồn. Song, điều quan trọng mà nhà thơ muốn nói là khi hai tâm hồn đồng điệu, hài hòa với nhau thì Đất Nước trong chúng ta hài hòa, nồng thắm hơn bởi trong mỗi chúng ta, trong anh, trong em, trong cả hai đứa đều mang một phần Đất Nước. Đất Nước trong cảm nhận của nhà thơ là khối đại đoàn kết dân tộc, chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và “người trong một nước phải thương nhau cùng” thì Đất Nước trong chúng ta mới: “vẹn tròn to lớn”
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng tâm sự: "Tôi cố gắng thể hiện một đất nước giản dị và gần gũi nhất. Đó là cách đi vào lòng người đồng thời cũng là cách tôi đi con đường của riêng tôi không lặp lại người khác". Bằng lời tự nhủ tâm tình, bằng những dòng thơ tự ý thức sâu sắc Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận Đất Nước trong mối quan hệ với từng cá nhân. Có thể thấy thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến đó chính là tình yêu lứa đôi, tình yêu đồng bào hòa quyện với tình yêu tổ quốc và đó là cơ sở nền tảng để hình thành và xây dựng Đất Nước, đây cũng là tư tưởng chung của thời đại lúc bấy giờ.
Gắn thanh niên với vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh, trong nhiều bài nói và viết của mình đã luận giải một cách thuyết phục rằng: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Tiếp nối Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Khoa Điềm cũng thể hiện niềm tin vào thế hệ con cháu mai sau với tương lai của Đất Nước:
"Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những ngày tháng mơ mộng"Nổi bật trong câu thơ thứ bảy là hình ảnh "mai này" chỉ khoảng thời gian của tương lai. Còn hai chữ "con ta" là chỉ các thế hệ con cháu của đất nước sẽ ra đời trưởng thành, lớn lên và chính các thế hệ con cháu sẽ tiếp nối nhau đưa Đất Nước đi xa hơn đến với những ngày tháng chỉ có "mơ" và "mộng" tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Có thể nói cả ba câu thơ đều là những dự cảm tốt đẹp với niềm tin các thế hệ tương lai sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông. Ba dòng thơ thực chất là một cuộc bàn giao Đất Nước cho thế hệ trẻ mai sau và trong cuộc bàn giao này tác giả đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt, một khát vọng lớn lao về tương lai rộng mở của đất nước với sự hợp sức công hiến của thế hệ mai sau.
"Mỗi tác phẩm văn học là một bức thông điệp của người nghệ sĩ gửi đến cho bạn đọc". Như vậy, có thể thấy thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến chính là:
"Đất Nước là máu xương của mình"
Câu thơ với ngôn từ cô đọng, hàm xúc đã mở ra nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trước hết nhà thơ muốn khẳng định Đất Nước là một phần cơ thể, là máu xương không thể tách rời của mỗi người. Có lẽ nhà thơ còn muốn thể hiện có biết bao máu xương của bao thế hệ cha ông đã đổ xuống để làm nên dáng hình xứ sở hôm nay bởi: “Nếu không có máu, mồ hôi và nước mắt thì không có lịch sử dân tộc”(Triết gia người Đức Engels). Có thể nói thông điệp này chính là một lời lẽ sắc bén, giàu sức thuyết phục để từ đó nhà thơ có thể đưa ra lời kêu gọi của mình:
"Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời"Sự lặp lại hai lần từ "phải biết" đặt ở vị trí đầu câu đã chỉ rõ “gắn bó, san sẻ, hóa thân” cho Đất Nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, là sự bắt buộc không thể khác của mỗi người. Đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với máu xương của mình. Ý thức trách nhiệm với Đất Nước được thể hiện ở sự cô đọng, súc tích trong các động từ "gắn bó", "san sẻ" và "hóa thân" để “làm nên Đất Nước muôn đời”. Mỗi từ mang một ý nghĩa sắc khác nhau và dường như từ sau càng thể hiện một trách nhiệm lớn lao, sâu sắc hơn từ trước. Nếu "gắn bó" thuộc về ý thức tâm tưởng thì "san sẻ" đã bộc lộ thành những hành động cụ thể và cuối cùng "hóa thân" chính là hi sinh cho Tổ quốc. Đặc biệt trong những câu thơ này Nguyễn Khoa Điềm còn dùng khái niệm hóa thân của nhà Phật để khẳng định, để làm nên dáng hình xứ sở của đất nước muôn đời sau.
**********K.O*********
BẠN ĐANG ĐỌC
Văn Học Nghệ Thuật
PoesieTopic về văn học, thơ ca, nghệ thuật. Mình sưu tầm, tích góp ở rất nhiều chỗ, mạng có, sách có, tự nghĩ cũng có, vì vậy mọi người vui lòng không bình luận tiêu cực về công sức mình bỏ ra. Cảm ơn. Tịch Thiên Dy ♥️ #Bìa ở Min of Vague team nhé mn