Chap 3:

281 51 5
                                    

Vốn là những kẻ tham muốn danh vọng muốn đạp đổ nhau, nhưng người thiệt hại lại là mẹ thiên nhiên, và những người bị hại, không ai có thể ngồi yên chịu trận. Cái ác của bọn đế quốc nó tàn nhẫn một thì cái ác của mẹ thiên nhiên tàn nhẫn mười. Giữa sự tranh đấu của thiên nhiên và kẻ độc tài, người phải chết là những chàng chiến sĩ tuổi đời chưa tròn hai lăm.

Ở cái đường lửa dọc hai bên là những hàng cây trải dài chưa được khai phá tử tế, bệnh sốt rét đã dường trở nên quen thuộc như mùi khói đạn, Trường Sơn cũng mang theo mình một cái tên rất kiêu "rốn sốt rét Đông Dương". Hiếm có người lính Trường Sơn nào mà không một lần dính phải cơn bệnh này. Sốt rét là thứ bệnh "gần gũi" và "quen thuộc" như những hố bom sâu hoắm, là kẻ thù của những đêm sương gió rét run nằm trên thùng xe. Giặc giết quân ta mười phần thì sốt rét giết quân ta bảy tám phần. Nhiều người chiến sĩ trẻ hừng hực sức sống chưa kịp cầm súng ra trận, sau một đêm hoàng hành đã phải ra đi trong sương gió lạnh buốt. Bệnh sốt rét cũng như chơi may rủi, có người may mắn dính phải sốt rét thông thường, uống thuốc ký sinh vào sẽ khỏi; nhưng cũng có người xui xẻo dính phải sốt rét ác tính, mồ hôi đổ như nước, toàn thân run bần bật, sống chết không rõ trời mây, mà nếu xúi quẩy hơn nữa là nếu đang làm nhiệm vụ mà gặp sốt rét không tìm được trạm xá thì chỉ có thể bắt võng ở rừng nằm đó chờ chết, hoàn toàn vô vọng và đau đớn.

Chí Thịnh và Thần Lạc suy đi tính lại cũng là những chàng trai mười tám trăng tròn, sức đề kháng ngời ngời vượt qua bao mùa sốt rét trên những cung đường rẽ bom rẽ khói mà chạy. Chí Thịnh bảo tại hai chúng nó khỏe mạnh dẻo dai chống lại được vi rút, còn các anh trong xe thì bảo tại ông bà chúng mày phù hộ cho qua cơn hiểm nguy. Nhưng mà xem ra, lần này ông bà Thần Lạc không phù hộ được cho nó rồi.





Hôm đó cả đoàn không có nhiệm vụ gì quá quan trọng nên chỉ phân ba xe trong sư đoàn đi vận chuyển lương thực đến bà con nuôi quân ở các khu vực dân tộc thiểu số. Đoạn đường đi bắt đầu từ Hà Tĩnh và chạy dọc khắp đoạn Quảng Bình để dừng lại ở vùng núi giữa ranh giới nước ta và nước bạn Lào.  Trước khi xuất phát, Thần Lạc và Chí Thịnh được tham mưu trưởng cho phép về quê thăm gia đình trong vòng nửa ngày, khi trời sẩm tối thì lập tức tập hợp lại và lên đường. Thần Lạc sau ba năm đi lính, nó cuối cùng đã có thể trở về mảnh đất Hà Tĩnh chôn nhau cắt rốn, trở về ôm lấy người mẹ già khắc khoải đơn độc ngóng tin con.

Khi ra đi con là loài chim nhỏ, lúc trở về con hóa đại bàng ưng.

Thần Lạc nó đã không còn là cậu con trai khóc nhè khi được đi lính, không còn là đứa nhóc phải run rẩy ôm mình dưới những trận mưa bom nữa, nó đã lớn hơn, đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cái gai góc và gian nan của chiến trường đã tôi luyện nó thành người chiến sĩ cầm súng không run tay, người bộ đội vượt làn mưa bom băng băng về phía trước. Nhưng cuộc sống vốn dĩ là những mối quan hệ đối nghịch nhau, Thần Lạc càng lớn thì mẹ nó càng yếu đi. Bà đã sống ba năm trong cảnh chăn đơn gối chiếc, sáng sớm trưa chiều chỉ có thể ăn khoai gặm sắn chờ đón tin con về. Mỗi lần có thư đến, hai tay bà run rẩy không thôi, vì bà sợ mình phải đối diện thêm một tờ giấy báo tử lạnh lẽo nữa, vì bà sợ hương khói nơi góc bếp lại thêm một di ảnh.  Thần Lạc siết chặt mẹ mình trong vòng tay, hai hốc mắt nó nóng hổi đỏ ửng lại, những giọt nước mắt xúc động bắt đầu thi nhau chảy dài trên khuôn mặt lấm lem bụi bẩn của nó. Thần Lạc thấy mình như trở về ngày xưa, khi nó và anh còn bận đùa nghịch chạy quanh sân nhỏ trước căn nhà rơm sập xệ, rồi nó vấp ngã khóc òa lên, lúc đó mẹ sẽ đến vỗ về và ôm nó vào lòng, đưa tay lau đi khuôn mặt lem nhem của nó rồi dỗ dành. Bây giờ Thần Lạc cũng đang được nằm vào trong lòng mẹ, cũng lem luốc nước mắt khắp mặt, chỉ là không có anh trai, chỉ là không có vui đùa, chỉ có sự xúc động và bồi hồi nhớ thương hóa tụ thành từng giọt lệ trong suốt ứ đọng ở hốc mắt.

[JICHEN | SHORTFIC] 559.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ