Hồi thứ hai mươi: Tân tướng

294 5 0
                                    

Trên thế gian này có một cụm từ, gọi là "Thiên đạo nhân sự".

Thiên đạo nhân sự không thể trái lại, tức là phải thuận theo đại thế.

Nhìn lại quá khứ, chẳng qua cũng chỉ là một câu thành ngữ bình thường, hiểu nó rồi liền gác qua một bên. Có rất nhiều rất nhiều câu thành ngữ trên đời, nhưng trong đờỉ một con người có thể thực sự trải nghiệm, kỳ thực lại rất ít rất ít.

Nhưng khi Khương Trầm Ngư đọc được sớ từ quan đề tên "Khương Trọng" đó, thứ đầu tiên bật ra trong đầu là cụm từ – thiên đạo nhân sự.

Sau khi Họa Nguyệt thuận lợi sinh hạ Tân Dã, mẹ tròn con vuông, lại có một việc khó đã từng làm khó nàng từ lâu bỗng tự động được giải quyết, không còn tồn tại nữa.

Nhưng so với Họa Nguyệt, trên thực tế, Khương Trọng mới là vướng mắc của nàng. Bởi vì, đối với Khương Họa Nguyệt, Khương Trầm Ngư chỉ có thương xót và trân trọng, cho dù Họa Nguyệt có đố kỵ nàng, oán hận nàng đến đâu, đó đều là tình cảm của một mình Họa Nguyệt, Khương Trọng lại không giống vậy. Đối với phụ thân sinh ra nàng nuôi nấng nàng dạy dỗ nàng, dốc vô số tâm huyết cũng gửi gắm rất nhiều hy vọng vào nàng, tình cảm của Khương Trầm Ngư cực kỳ phức tạp.

Một mặt, nàng chán ghét nhân cách của ông, chính là "đạo bất đồng bất tương vi mưu"[1], Khương Trầm Ngư nàng không thể mù quáng nghe theo, tức đã định họ không thể là người đi chung đường.

[1] Nghĩa là quan điểm không giống nhau không thể hợp tác.

Nhưng mặt khác, cốt nhục chí thân, rốt cuộc không thể nói cắt đứt là cắt đứt, nói mỗi người một ngả là có thể mỗi người một ngả được.

Vì thế, xử lý cha của mình như thế nào đã trở thành việc khiến nàng đau đầu nhất. Tuy nàng cũng từng nói hết thảy đều làm theo phép công, nhưng sự thực khi bắt tay vào, lại vô cùng khó khăn, huống hồ có một số chuyện không phải xảy ra rồi thì có thể bỏ qua hoàn toàn, ví dụ như Đỗ Quyên.

Chuyện ở Hồi thành kết thúc, tuy Khương Trọng đã tìm được một cơ hội để triệu Vệ Ngọc Hành về đế đô và Đỗ Quyên cũng cùng hắn quay về, nhưng Khương Trọng vẫn không nhận đứa con gái này, thân phận của Đỗ Quyên vẫn không được thừa nhận. Khương Trầm Ngư vỗn dĩ còn phiền não vì chuyện này, nhưng khi nàng đến Vệ phủ thăm Đỗ Quyên, lại phát hiện đương sự là Đỗ Quyên trái lại nghĩ rất thoáng, lý do là "Chuyện đau khổ như thế, thêm một người biết là thêm một người chịu tội. Tỉ đã rất bất hạnh rồi, nhưng chí ít tỉ còn có thể giúp mẫu thân, người bị che mắt bịt tai, không hề có lỗi lầm gì trong chuyện này có thể tránh được sự đau khổ này. Cho nên, tỉ không thể nhận tổ quy tông được, tỉ cũng không muốn nhận tổ quy tông".

"Thế sau này tỉ định thế nào? Lẽ nào cứ sống thế này?".

Đôi mắt không có chút ánh sáng của Đỗ Quyên chiếu thẳng nàng, cuối cùng mỉm cười: "Tỉ sẽ không ngừng báo thù. Tỉ ở đây, không đi đâu cả, sau đó, tìm từng cơ hội có thể để lật đổ Khương Trọng. Cho dù không báo được thù, tỉ cũng phải căm ghét ông ta, để ông ta cắn rứt, để ông ta đau đầu, để ông ta lúc nào cũng nhớ – ông ta đã từng làm bao nhiêu chuyện bỉ ổi như thế".

Đó chính là lựa chọn của Đỗ Quyên.

Khương Trầm Ngư cảm thấy kỳ thực Đỗ Quyên không nói thực lòng, nhưng hỏi thêm cũng không ra được nguyên cớ, nên đành từ bỏ.

Có lẽ, so với bản thân nàng, tình cảm Đỗ Quyên dành cho phụ thân còn phức tạp hơn nhiều.

Bây giờ, Khương Trầm Ngư ngồi dưới đèn, cầm quyển tấu sớ này, đọc rất lâu rất lâu, cuối cùng ngẩng đầu, hạ lệnh:

"Tuyên hữu tướng".

La Hoành lập tức đi ra tuyên chỉ: "Hoàng hậu tuyên hữu tướng yết kiến".

Lát sau, Khương Trọng chậm rãi đi vào thư phòng: "Lão thần tham kiến hoàng hậu, thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế".

"Thừa tướng có thể nói rõ lý do từ quan không?". Khương Trầm Ngư đưa quyển tấu sớ lại cho ông.

Khương Trọng không đưa tay ra nhận, vẫn khom lưng nói: "Tất cả đều đã nói trong tấu sớ".

"Thừa tướng đang tuổi tráng niên, lại là lúc cống hiến tốt nhất cho đất nước, sao có thể nói là chán ghét phân tranh, xin được quy ẩn chứ?".

Khương Trọng ngẩng đầu chăm chú nhìn nàng, lúc sau, nhẹ nhàng mỉm cười: "Hoàng hậu đang hoài nghi lão thần? Hoàng hậu cảm thấy lão thần đang lùi để tiến? Hoặc là có mưu đồ khác?".

Khương Trầm Ngư không nói gì, chỉ là ánh mắt trở nên sâu thẳm.

Khương Trọng ngưng cười, trên gương mặt hiện vẻ cô đơn, thở dài một tiếng: "Hoàng hậu, có thể cho người bên cạnh lui ra hết không?".

Khương Trầm Ngư im lặng một lát, hạ lệnh: "Ta và hữu tướng có chuyện cần bàn, các ngươi lui hết cả đi".

Cung nhân vâng dạ lui ra. Thư phòng rộng lớn, trong nháy mắt đã trở nên lạnh lẽo. Ánh sáng của cung đăng cũng không còn sáng rỡ như bình thường, nhìn chỉ cảm thấy âm u tối tăm.

Mà trong bóng tối trùng trùng ấy, tấm thân cao gầy của Khương Trọng nhìn hơi còng xuống, nhìn kỹ lại, tóc mai cũng đã bạc đi không ít.

Phụ thân già rồi...

Khương Trầm Ngư bỗng phát hiện ra, trong khoảng thời gian nàng đối xử lạnh nhạt với ông, phụ thân đã mau chóng già đi, mới chưa đầy một năm, mà dường như đã già đi mười tuổi.

"Trầm Ngư...". Trong lúc nàng im lặng dò xét, Khương Trọng từ tốn nói: "Mẫu thân của con, bà ấy... sắp không ổn rồi".

"Cái gì?". Khương Trầm Ngư chấn động đến mức lập tức đứng bật dậy.

"Con đừng vội, ngồi xuống, từ từ nghe ta nói".

Khương Trầm Ngư lại chầm chậm ngồi xuống, một cánh tay không kìm được ôm ngực, cảm thấy trái tim của mình, không chịu nghe lời, đập lên điên cuồng.

"Mẫu thân con vốn không khỏe mạnh. Từ năm ngoái, thường xuyên cảm thấy đau đầu, nhưng nghỉ ngơi một lúc là khỏi, vì thế không quá bận tâm. Nhưng tháng trước, bệnh đau đầu của bà ấy lại tái phát, rồi rơi vào trạng thái hôn mê, ta đã mời danh y ở kinh thành đến chữa trị cho bà ấy, họ đều nói bệnh đau đầu của bà ấy rất nghiêm trọng, cần phải uống thuốc gây mê, lại dùng dao sắc mổ đầu ra lấy máu đọng bên trong ra mới có thể chữa khỏi. Nhưng cách này cực kỳ mạo hiểm, nếu có chút sai sót là chết ngay tức khắc. Cho nên, mẫu thân con sao có thể chịu chữa trị".

"Sự việc nghiêm trọng như thế, tại sao giờ cha mới nói". Khương Trầm Ngư lại đứng bật dậy lần nữa.

Khương Trọng cười cười, trong nụ cười ấy chứa đựng sự chua xót, sự bối rối, sự ngậm ngùi, còn có cả bao dung: "Con nắm quyền chưa lâu, căn cơ chưa ổn định, một ngày phải xử lý trăm việc, mẫu thân sợ con phân tâm, cho nên, không chịu cho ta nói với con".

Lại là... lỗi của mình ư?

Khoảng thời gian này, nàng có quá nhiều việc, quá nhiều quyết sách, quá nhiều hành động... nhưng, nhiều việc như vậy, nhiều quyết sách như vậy, nhiều hành động như vậy đều không liên quan đến mẫu thân.

Hay nói cách khác, nàng chỉ để ý đến bản thân để ý đến tỉ tỉ để ý đến người trong lòng thậm chí để ý đến thiên hạ, nhưng lại bỏ sót mẫu thân của mình.

Trời ơi... trời ơi... trời ơi... cú sốc này quả thực không nhỏ, khiến cho toàn thân Khương Trầm Ngư run lên bần bật, buộc nàng phải bấu chặt vào thư án mới có thể chống đỡ cơ thể gắng gượng mà đứng được.

Mắt Khương Trọng loang loáng ánh lệ, ông thấp giọng nói: "Trầm Ngư, cha con đích thực không phải là người tốt, cả đời mê đắm quyền thế, vì lợi ích của cả gia tộc mà hy sinh cả con gái dứt ruột đẻ ra, nhưng., ta thật sự... yêu mẫu thân của con. Quyền thế có thể nói quan trọng hơn tất cả mọi thứ của ta; nhưng mẫu thân của con... lại là sinh mệnh của ta. Con có thể hiểu không?".

Khương Trầm Ngư ra sức lắc đầu nguầy nguậy. Đúng thế, cả đời của phụ thân làm sai rất nhiều rất nhiều việc, nhưng duy chỉ đối với mẫu thân là chung thủy nặng tình.

"Cho nên... chúng ta đều sai rồi, chẳng phải sao? Nếu sớm biết mẫu thân con gặp đại hạn, cùng lắm chỉ có thể sống thêm ba năm, trước đây ta huấn luyện tử sĩ, triệt hạ đối thủ, tranh đoạt lợi ích để làm gì? Tốn bao thời gian để làm những chuyện vô dụng đó, mà không ở nhà với bà ấy, còn nổi giận với con gái của mình, khiến mẫu thân con kẹt ở giữa khó xử, bạc thêm bao nhiêu tóc...".

Nước mắt Khương Trầm Ngư bỗng chốc lăn trào, xấu hổ bưng mặt.

"Cho nên, ta quyết định từ bỏ tất cả, ba năm còn lại đều ở bên cạnh mẫu thân con. Bình sinh chuyện bà ấy tiếc nuối nhất chính là vì thân phận nên không được ra ngoài, không thể ngao du danh sơn trong thiên hạ, nếm hết mỹ thực của nhân gian. Ta quyết định trong ba năm này sẽ bù đắp hết những điều bà ấy nuối tiếc".

Khương Trầm Ngư run giọng nói: "Phụ thân... cha muốn đi xa?".

"Ừ".

"Cha... muốn đưa mẫu thân cùng đi? Đi liền ba năm?". Khương Trầm Ngư cuống lên: "Phụ thân đưa mẫu thân đi, thế con, con phải làm thế nào?".

"Chúng ta thỉnh thoảng sẽ về thăm các con".

"Nhưng...".

Khương Trọng ngắt lời nàng: "Trầm Ngư, con... không còn là một đứa trẻ nữa".

Khương Trầm Ngư chấn động.

Khương Trọng chăm chú nhìn nàng, giọng nói dịu dàng mà đau buồn: "Trên người con mặc phượng bào của hoàng hậu; trên bàn con bày ngọc tỉ của Bích quốc... Con không còn là một đứa trẻ nữa".

"Cho nên, con không có quyền ở bên cạnh mẫu thân phải không?". Khương Trầm Ngư giàn giụa nước mắt hỏi.

"Trầm Ngư, hãy để mẫu thân con vui vẻ một chút đi. Bà ấy đã bên cạnh con mười lăm năm rồi, chẳng phải sao?".

Trái tim Khương Trầm Ngư chìm xuống. Cùng với đó là cảm giác bi thương sâu thăm thẳm ùa đến, là cảm giác chán ghét quen thuộc – chán ghét bản thân mình – Nàng... lại bắt đầu ích kỷ rồi. Vĩnh viễn chỉ nghĩ đến cảm giác của bản thân, cho nên, khi phụ thân nói muốn đưa mẫu thân đi du ngoạn, phản ứng đầu tiên chính là không được, như thế chẳng phải mình không được gặp mẫu thân sao, nhưng không hề đứng ở lập trường của mẫu thân mà suy nghĩ: Bà mong muốn có thể ngao du sơn thủy, mong muốn suốt cả một đời... Đến phụ thân, người chỉ chăm chăm đến quyền thế đến mức có thể hy sinh con gái của mình, không quan tâm đến hạnh phúc của cốt nhục, cũng bằng lòng từ bỏ quyền lực mà ông khổ tâm lăn lộn một đời mới có được vì mẫu thân, lẽ nào mình, kẻ được gọi là đứa con ngoan nhất, hiếu thuận nhất, chưa từng khiến mẫu thân phải nổi giận dù chỉ một lần, còn không bằng phụ thân sao?

Khương Trầm Ngư cắn chặt môi, nhìn phụ thân đứng cách nàng một trượng, không biết nói gì, chỉ cầm chiếc ấn ngọc tỉ trên thư án lên, chậm rãi, nặng nề, đóng lên trên tấu chương.

Bụi trần lắng đọng.

Vương ấn đỏ thắm.

Mùa thu năm Đồ Bích thứ sáu, hữu tướng cáo lão, từ quan về quê. Hoàng hậu khóc phê chuẩn.

Ngày hôm sau, tân tướng được lập, là Băng Ly công tử – Tiết Thái.

"Thư sinh gần đây rất không chịu an phận".

Trong Bách Ngôn đường, người áo xanh lục phe phẩy quạt thong thả nói.

Sáu người còn lại vừa nghe thấy đều bật cười, cười rất kỳ lạ.

Khương Trầm Ngư đang phê duyệt tấu chương nghe tiếng ngẩng đầu, không hiểu, hỏi: "Có chuyện gì?".

Người áo xanh lục cuối cùng đã gây được sự chú ý của hoàng hậu, liền vội vàng gấp quạt lại hồi bẩm: "Hoàng hậu nương nương có biết vì sao mấy ngày nay Tiết tướng đều không đến tham gia nghị sự với chúng ta không?".

Y nói thế, Khương Trầm Ngư mới nhớ ra. Tiết Thái đã bảy ngày liền không đến thư phòng, mỗi ngày chỉ vội vàng đến buổi chầu sớm, sau đó biến mất tăm mất tích, mà hôm nay lại càng quá đáng, đến chầu sớm cũng không xuất hiện.

"Hắn đang bận gì à? Có liên quan gì với thư sinh không chịu an phận? ".

"Hồi bẩm nương nương, là như thế này". Người áo vàng sẫm đáp: "Tiết tướng tuy thành danh từ sớm, bốn bể đều hay, nhưng trước đây trong nhà xảy ra biến cố lớn, sau lại bị biếm thành nô lệ. Đến nay được khôi phục quan tịch, nhưng tuổi hãy còn quá nhỏ đã làm thừa tướng dưới một người trên vạn người, dân gian nghị luận xôn xao, có hai thư sinh là Ngô Thuần và Trần Long công khai phản đối, dựng sân khấu trên phố phê phán chính sự, kích động bách tính, càng làm càng loạn, đến nay ngày ngày đều có hơn trăm người tụ tập đến nghe".

Đầu mày của Khương Trầm Ngư hơi nhíu lại; "Lại có chuyện này à? Tại sao không thông báo cho ta sớm?".

"À, cái này...". Giọng người áo vàng sẫm nhỏ dần đi: "Là Tiết tướng nói hoàng hậu bộn bề công việc, không được đem chuyện vặt này đến quấy nhiễu nương nương, tướng gia sẽ tự mình xử lý ổn thỏa...".

"Thế hắn có xử lý ổn thỏa không?".

Lời vừa thốt ra, bảy người nhìn nhau, rồi lại cười kỳ quặc như trước.

Bọn họ phản ứng như vậy, chắc chắn là sự tình đã được giải quyết, nếu không thần tình sẽ không nhẹ nhõm sảng khoái như thế. Khương Trầm Ngư thấy vậy trong lòng đã hiểu, nhưng mặt lại sầm xuống: "Hắn nói thế nào thì làm thế ấy, rốt cuộc hắn là chủ tử của các ngươi, hay ta là chủ tử của các ngươi?".

Thất tử vội vàng lũ lượt đứng dậy khỏi ghế quỳ xuống, đồng thanh nói: "Hoàng hậu xin thứ tội!".

Khương Trầm Ngư cảnh cáo xong, thấy thế liền thôi: "Đứng dậy đi. Nói cho ai gia nghe, rốt cuộc là chuyện gì? Hoa Tử, ngươi nói đi".

Đối tượng bị gọi tên vốn luôn ngồi trên ghế, ngủ gật gà gật gù, bị gọi đột ngột, cả người giật bắn, cực kỳ hoang mang đứng dậy: "A? Cái gì?".

Khương Trầm Ngư không nhịn được, bật cười một tiếng.

Thấy nàng cười, bọn Thất tử cũng trút được tảng đá đè trong lòng, cùng cười ầm lên.

Di Phi thấy mọi người cười, càng không hiểu, nhìn mọi người với vẻ cực kỳ nhếch nhác lẫn vô tội, thử thăm dò hỏi một câu: "Đến giờ ăn cơm rồi à?".

Cả sảnh đường cười vang.

Khương Trầm Ngư mỉm cười nói: "Được rồi, ngươi ngồi xuống đã. Tử Tử (người áo tím), ngươi giỏi ăn nói nhất, ngươi kể đi".

"Vâng". Người áo tím khom lưng hành lễ, cũng không rề rà: "Sau khi Tiết tướng hay chuyện, liền cải trang trà trộn vào giữa đám người nghe bọn Ngô Thuần, Trần Long đó nói một buổi. Ngày hôm sau, khi Ngô Thuần, Trần Long vừa mới dựng sân khấu định nói chuyện tiếp, thì mười hai thiết kỵ đột ngột xuất hiện, tất cả đều mặc áo trắng, hơn nữa, trên dây cương ngựa đều thêu đồ đằng Bạch Trạch. Bách tính xung quanh nhìn thấy cảnh tượng này, vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lũ lượt tản ra quỳ vái. Mười hai thiết kỵ đến trước sân khấu, xếp hàng như cánh quạt xòe ra, đi sau họ, chính là Tiết tướng đang cưỡi trên con Hãn Huyết bào mã".

"Lớn tiếng phủ đầu, chiêu ra oai này quả không tồi". Khương Trầm Ngư cười, tên tiểu tử Tiết Thái lại dám đem đồ đằng của công tử đi giễu khắp nơi, thật là ngày càng vô sỉ! Có điều, Bạch Trạch có địa vị rất cao trong lòng dân chúng Bích quốc, dùng nó để ra mắt, hiệu quả đúng thực rất tốt. Nàng hỏi tiếp: "Sau đó thì sao?".

"Tiết tướng quét mắt nhìn sân khấu của bọn Ngô Thuần Trần Long một lượt, cười lạnh lùng, rút một quyển trục từ trong lòng ra, thúc ngựa đi đến trước một tửu lâu bên đường, vỗ cổ ngựa một cái tung thân bay lên, mở quyển trục kia ra, treo lên trên tấm biển hiệu, rồi nhẹ nhàng hạ xuống, đứng vững trên mặt đất. Động tác như nước chảy mây trôi, tư thế linh động, chân tay nhanh nhạy, khiến người ta phải tấm tắc khen hay...".

Người áo tím còn định tán thưởng tiếp, Khương Trầm Ngư dở khóc dở cười nói: "Đủ rồi đủ rồi, ai gia khen ngươi giỏi ăn nói, ngươi lại thêm một tràng mỹ từ bóng bẩy, đâu phải bảo ngươi thuyết thư... Mau vào vấn đề chính đi!".

"Vâng vâng vâng. Vi thần lỡ lời. Vi thần xin sửa". Người áo tím cười cười khổ não: "Tất cả mọi người có mặt ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy trên quyển trục đó viết bốn chữ lớn 'Đỉnh phanh thuyết thang'".

"Gì?". Khương Trầm Ngư kinh ngạc, sau đó lại thở dài: "Lẽ nào hắn muốn làm vậy thật?".

"Tiết tướng treo xong quyển trục đó, quay người lại, lạnh lùng quét mắt nhìn một lượt, cao giọng nói: "Xưa Doãn tướng dùng cái vạc cái thớt nấu ăn cho vua Thang, lấy việc nấu ăn, ngũ vị để phân tích cục diện thiên hạ và đạo làm chính trị. Thang vương nhờ thế mà biết được ông có tài kinh thiên vĩ địa, xóa bỏ thân phận nô lệ, cất nhắc làm hữu tướng, từ đó khai sáng nên thịnh thế phồn hoa của triều Thương. Tiết Thái bất tài, mượn điển cố của cổ nhân, để làm chuyện ngày nay: Tại đây dựng lôi đài, trong bảy ngày, cho dù là ai, chỉ cần người đó cảm thấy có thực lực hơn ta, có thể làm thừa tướng của Bích quốc, đến đây khiêu chiến với ta, đánh bại ta, ta nguyện dâng tướng vị cho người đó, quyết không nuốt lời!".

Khương Trầm Ngư nghe những lời này, trong lòng không biết là buồn cười hay là chấn động. Tiết Thái năm sáu tuổi đã dám nói với Yên vương "Yên là ngọc trong các nước, còn ta là ngọc trong loài người, hai thứ hợp nhau, có gì không thỏa đáng". Tiết Thái năm bảy tuổi đã dám quát sủng phi của hoàng đế "Chim sẻ nhỏ nhoi, sao dám cản phượng giá"; Tiết Thái của hôm nay lại công khai tiếp nhận thư sinh thách đấu và dựng lôi đài trên phố, tự ví mình với Y Doãn... cho dù trải qua bao nhiêu trắc trở, Băng Ly vẫn là Băng Ly, ngạo cốt vẫn còn, không hề thay đổi một chút nào...

Người áo tím nói đến đây, mặt lộ vẻ khâm phục, cảm khái nói: "Hành động lần này của Tiết tướng mau chóng lan truyền ra ngoài, văn nhân các vùng lũ lượt đến đế đô, có người to gan thật sự lên thách đấu. Tiết tướng tuổi còn nhỏ nhưng kiến thức sâu rộng, trí nhớ tuyệt đỉnh, giỏi hùng biện, khẩu chiến nho sinh, đối diện với lời cật vấn của nhiều người vẫn ung dung ứng đối, thong thả đáp lời, khiến cho mọi người ai nếu đều thất sắc, đặc biệt là hai người Ngô Thuần Trần Long, đến phút cuối, phải hổ thẹn nói: "Cho dù ngươi tài hoa cái thế, kinh lược ngút trời thì sao? Chớ quên, cha ngươi và gia gia ngươi đều là nghịch thần! Là phản tặc! Là loạn thần tặc tử phạm thượng làm loạn! Là tội nhân thiên cổ mưu đồ lật đổ giang sơn Bích quốc! Ngươi thân là con cháu của họ, lại có thể đảm nhiệm chức thừa tướng của Bích quốc, há chẳng phải là cổ vũ người trong thiên hạ đều có thể thả sức tạo phản sao? Dẫu cho tạo phản không thành, con cháu của mình cũng vẫn có thể làm quan. Để mặc cho ngươi làm tướng, thì luật pháp thiên thu để vào đâu? Thể diện của hoàng tộc để vào đâu? Giang sơn xã tắc để vào đâu?".

Tràng chất vấn này đến Khương Trầm Ngư nghe xong mặt cũng biến sắc. Chiêu này quả thực quá độc, phơi bày ra chuyện cũ, lại dùng hai chữ "tạo phản" để chèn ép. Phải biết rằng đế vương từ thiên cổ đều kỵ nhất là tạo phản, không thể khoan dung nhất cũng là tạo phản, vì thế, đối với hậu quả của việc mưu nghịch làm loạn, cũng là cánh cáo kẻ khác: Kẻ làm phản, tru di cửu tộc, tất phải chết! Thế mới có thể cảnh cáo thiên hạ, phải ngoan ngoãn nghe lời, không được ngông cuồng dấy lòng mưu phản.

Có điều... tuy nàng kinh ngạc, nhưng không cảm thấy lo lắng. Bởi vì, nếu là Tiết Thái, chắc chắn có thể giải quyết vấn đề khó này... Trong lòng nàng đầy tin tưởng như thế.

Quả nhiên, câu tiếp theo của người áo tím đã chứng thực điểm này: "Tiết tướng nghe xong, mặt không đổi sắc, lạnh lùng cười nói: 'Việc sai lầm cha ta và gia gia ta làm, có liên can gì đến ta?'. Trần Long nói: 'Lẽ nào ngươi không biết cha nợ con trả sao?'. Tiết tướng nói: 'Nếu ngươi đã nói như thế, vậy thì tổ tiên của các ngươi cũng tạo phản, các ngươi sao có mặt mũi mà sống trên đời này?'".

Khương Trầm Ngư cả kinh: "Cái gì? Bọn họ cũng là con cái của phản tặc sao?".

"Hồi bẩm nương nương, lời này của Tiết tướng vừa nói ra, hết thảy người nghe đều ngạc nhiên, phản ứng đều giống như nương nương. Mà tên Trần Long đó lập tức nhảy dựng lên, giận dữ đùng đùng nói: 'Ngươi nói bậy! Tổ tiên ta ba đời đều là người đọc sách thanh bạch, làm gì có tạo phản? Đừng có ngậm máu phun người!'. Tiết tướng cười lạnh nói: 'Tổ tiên ba đời không có? Thế thì mười đời? Hai mươi đời thì sao? Đừng quên Trần Thắng Ngô Quảng năm xưa, Đại Tần chính là diệt vong trong tay bọn họ'".

Khương Trầm Ngư nhắm mắt – Nàng biết ngay mà... đến Trần Thắng Ngô Quảng cũng lôi ra được...

"Trần Long nghe đoạn càng nổi giận: 'Cái, cái gì? Trần Thắng Ngô Quảng với, với với bọn ta có liên quan gì?'. Tiết tướng đáp: 'Các ngươi cùng họ, truy ngược lên nghìn đời, tất là cùng gốc rễ mà ra'. Trần Long nói: 'Cho dù, dù là tổ tiên của bọn ta, họ họ đều là thay trời hành đạo! Tần Nhị Thế thi hành bạo chính, hình phạt hà khắc, khiến muôn dân không được yên ổn...'. Tiết tướng ngắt lời hắn: 'Ồ? Lúc này lại không đếm xỉa gì đến luật pháp thiên thu, thể diện hoàng tộc với giang sơn xã tắc nữa sao?'. Trần Long nói: 'Ngươi, ngươi, ngươi...'".

Trần thuật đến đây, Khương Trầm Ngư thở dài khe khẽ: "Tử Tử, ngươi cứ nói một mạch là được, không cần bắt chước cả điệu bộ nói lắp của họ đâu".

Cả Bách Ngôn đường lại vang lên một trận cười.

Có lẽ bình thường họ đã quen với việc chế nhạo nhau, cho nên người áo tím tuy lúng túng, nhưng không thấy xấu hổ, vẫn cười vui vẻ như trước, nói: "Vâng. Vi thần xin sửa. Tóm lại bọn Trần Long nói không lại Tiết tướng, tức muốn chết, cuối cùng Tiết tướng nhìn đám đông một lượt, chậm rãi nói: 'Trải qua nghìn năm, triều đại nào chẳng có phản thần, chẳng sinh nghịch tử, họ làm sai thì họ phải chịu phạt, nhưng vì thế mà tước đoạt công lao của con cháu họ, thì thực quá nực cười! Không sai, cha ta ông ta làm chuyện sai trái, nhưng rốt cuộc vì sao mà họ sai, trong lòng mọi người đều rõ. Trong triều đình, có thiên tử sao thần tử vậy, nếu phải nói Tiết gia nhà ta có tội, Tiết tộc nhà ta nợ Bích quốc, thế thì, để ta làm tướng quốc, há chẳng phải chính là cách chuộc tội tốt nhất sao? Nếu các ngươi cho rằng Tiết Thái ta năng lực không đủ, không thể làm tướng quốc, thì hãy dùng sự thực để chứng minh điểm này, chớ viện lý do nông cạn như xuất thân, tuổi tác gì đó, ta tuyệt đối không phục! Bảy ngày đã hết, các người đã thua. Nhưng ta biết các ngươi vẫn không phục, không sao cả, ta lại cho các ngươi thêm một cơ hội, ngày này hàng năm, ta đều đến đây dựng lôi đài, người trong thiên hạ đều có thể đến thử. Nhưng, chỉ là bảy ngày. Bất cứ thời gian bất cứ địa điểm khác nếu ta nghe thấy có người bàn láo chuyện triều chính, bôi nhọ danh dự của ta, chém!'. Tiếng chém cuối cùng chắc nịch đanh thép, lầu trên lầu dưới, không có ai dám ho he nữa, đều lặng ngắt như tờ".

Khương Trầm Ngư tưởng tượng khung cảnh khi đó, không kìm được nói: "Giá như ta cũng có mặt thì hay biết mấy, thật muốn xem phong thái áp đảo quần hùng của Tiết Thái khi ấy".

Người áo tím thở dài nói: "Trong Thất tử chỉ có vi thần hôm qua đích thân đi, nhìn thấy cảnh tượng quan trọng nhất đó, thật sự là cảm thấy... triều ta có thể có Tiết tướng, đúng là ông trời ban phúc".

Khương Trầm Ngư nhớ ra một vấn đề: "Đợi đã! Ngươi nói hôm qua đích thân ngươi đi xem, cũng tức là thời hạn bảy ngày đến ngày hôm qua đã kết thúc. Vậy tại sao hôm nay Tiết Thái không đến?".

Người áo xanh lục ở bên cạnh cười "phì" một tiếng, những người khác lại nở nụ cười kỳ quặc.

Nghe đến đây, Khương Trầm Ngư đã hiểu ra, bọn họ cười, không phải vì Tiết Thái khẩu chiến thắng bọn nho sinh, mà là đã phát sinh chuyện khác, hơn nữa, hẳn là chuyện này khiến Tiết Thái gặp xui xẻo. Nghĩ đến đây, không khỏi càng lúc càng tò mò: "Mau nói! Hắn làm sao?".

Người áo tím nói: "Hồi bẩm nương nương, là như thế này, khi dựng sân khấu Tiết tướng quy định là từ giờ Ngọ đến giờ Tuất. Ngày hôm qua đến giờ Tuất, vốn dĩ tất cả đã kết thúc, bọn Trần Long cũng á khẩu không biết nói gì, thì một tên ngọc diện thư sinh đột nhiên ôm một cây đàn tiến vào tửu lâu, ngang nhiên đòi thi đàn với Tiết tướng".

"Cái gì?". Khương Trầm Ngư ngẩn ra một lúc, nhớ ra một vấn đề: Tiết Thái có biết chơi đàn không?

Tuy Tiết Thái là thần đồng, văn võ song toàn, nhưng cũng không phải cái gì cũng tinh thông, ví như chơi đàn, nàng chưa bao giờ nhìn thấy hắn chơi.

"Tiết tướng ngài... không biết chơi đàn". Người áo tím nói ra đáp án.

Quả nhiên là thế... Khương Trầm Ngư đã lờ mờ đoán ra vì sao mọi người lại cười như thế.

"Vì vậy, thư sinh đó nói thi gảy đàn với ngài, không chỉ Tiết tướng ngẩn ra, mà những người xung quanh nghe thấy đều sững người. Tiết tướng chau mày nói; 'Ngươi nói cái gì?'. Thư sinh đáp: 'Ta muốn thi đánh đàn với ngài. Thừa tướng không phải nói, trong bảy ngày này bất luận là ai cũng có thể đến khiêu chiến ngài hay sao? Ta chính là đến khiêu chiến cầm nghệ của thừa tướng'".

Di Phi sau khi bị gọi dậy không còn gật gù nữa, vẫn đứng bên cạnh, nghe đến đây, mắt đảo một vòng, "ồ" lên một tiếng, cười trộm nói: "Hay, hay, cái này hay! Đường đường là thừa tướng Bích quốc mà đến đàn cũng không biết gảy, đúng là quá mất phong nhã...".

Khương Trầm Ngư lườm gã một cái: "Thứ lý lẽ ngụy biện này mà ngươi cũng nói ra được à? Ai gia muốn có một thừa tướng có thể xử lý chính sự chứ không cần một nhạc sư".

Người áo tím nói: "Trên thực tế, khi ấy mọi người đều nghĩ như thế, đều cảm thấy thư sinh đó thật kỳ quặc, lại nghĩ ra được yêu cầu vớ vẩn như thế, chắc chắn Tiết tướng không biết chơi đàn, nhưng Tiết tướng nhìn thư sinh đó một cái, cười lạnh nói: 'Được'".

"Hắn đồng ý à?". Điều này thực sự khiến Khương Trầm Ngư bất ngờ.

"Vâng. Tiết tướng nhận lời, không chỉ như thế, ngài còn nói: 'Ta biết trong lòng ngươi đang nghĩ gì, nếu ta không nhận lời ngươi, ngươi chắc chắn sẽ rêu rao với bên ngoài là lôi đài mà ta dựng có lỗ hổng, quy định thi đấu có lỗ hổng, cũng chỉ là hình thức, nếu có thi cũng không chính xác, từ đó mà tiến một bước xóa sạch toàn bộ thành tích huy hoàng trong bảy ngày qua của ta, đúng không?'. Thư sinh đó mỉm cười, không thừa nhận cũng chẳng phủ nhận. Tiết tướng tiếp tục nói: 'Cho nên, ta tuyệt đối không để ngươi được thỏa nguyện. Ngươi muốn thi đàn à? Đến đây! Thi thì thi!'".

Khương Trầm Ngư tuy biết sau cùng chắc chắn Tiết Thái sẽ thắng nhưng nghe đến đây, trong lòng cũng không khỏi lo lắng.

"Không phải hắn không biết chơi đàn sao?".

"Hồi bẩm nương nương, Tiết tướng đích thực là không biết chơi đàn, đối phương chắc chắn cũng đã tìm hiểu về điểm này, cho nên mới dám đến khiêu khích không hề e sợ như thế. Thế là, thư sinh đó ngồi xuống, đặt cây cổ cầm xuống nói: 'Trước tiên phải nói cho rõ, kỹ thuật đánh đàn, cao thấp khác biệt nếu như rất lớn, tự nhiên sẽ dễ phán đoán, nhưng nếu trình độ ngang ngang nhau, thì sẽ khó mà đoán định. Ta và ngươi phải phân giới hạn rõ ràng như thế nào?'. Tiết tướng đáp: 'Ngươi nói đi'. Thư sinh nói: 'Được. Ý của ta là, có mặt ở đây tổng cộng bảy mươi chín người, chúng ta đàn ra sao, hãy để bảy mươi chín người này chấm điểm, cuối cùng ai được ủng hộ nhiều nhất, người đó thắng. Thế nào?'. Tiết tướng nói: 'Được'".

Khương Trầm Ngư thở dài: "Thật là làm khó hắn rồi. Thế mà cũng nhận lời. Ai chẳng biết những người đi xem đó, kỳ thực đều là những người muốn nhìn thấy hắn thua cuộc, cho dù hắn có thể đàn hay như thư sinh kia, e là mọi người cũng mang tâm lý xấu xa muốn coi trò hay nên vẫn bỏ phiếu cho hắn thua thôi".

"Vâng, vi thần cũng nghĩ như vậy, vì thế vi thần đứng bên nhìn mà lo lắng hết đỗi, thần tiến lên phía trước khuyên can, trái lại Tiết tướng căn bản không để ý đến thần, bước tới ngồi đối diện với thư sinh, nói: 'Ở đây không có đàn, ta dùng đàn của ngươi có được không?'. Thư sinh nói: 'Được'. Tiết tướng nói: 'Thế thì ngươi là khách, ngươi đàn trước'. Thư sinh đồng ý, liền bắt đầu gảy đàn...".

"Chắc hắn đàn rất giỏi". Khương Trầm Ngư đoán.

Người áo tím lại lắc đầu.

"Sao? Lẽ nào hắn đàn cũng dở?".

Người áo tím vẫn lắc đầu.

Khương Trầm Ngư đang cảm thấy kỳ quái, thì người áo tím đã nói rõ chân tướng: "Kỳ thực thì... căn bản hắn không đàn nổi. Hắn vừa mới gảy hai âm, dây đàn đã đứt. Cho nên, hắn đành phải thay dây đàn, nhưng gảy thêm được mấy âm, dây đàn lại đứt. Hắn lại thay dây, dây đàn lại đứt nữa... Tóm lại hắn cứ đàn được ba bốn tiếng, lại bị đứt một dây, cuối cùng, hắn đập bàn đứng dậy quát: 'Tiết Thái, ngươi giở trò gì với đàn của ta phải không?'. Tiết tướng nói: 'Đây là đàn của ngươi, dây cũng là ngươi tự tay mang theo'. Thư sinh nói: 'Nhưng lúc ta gảy đàn ngươi lén lút dùng nội lực làm đứt dây đàn, đúng không?'. Tiết tướng mỉm cười: 'Tỉ thí thôi mà. Nếu ngươi không phục, khi ta gảy đàn ngươi cũng thoải mái làm đứt dây đàn của ta'. Thư sinh giận dữ nói: 'Ta không biết võ công!'. Tiết tướng nói: 'Rất tốt, ta cũng không biết chơi đàn'. Thư sinh nói: 'Thế thì ngươi thua rồi!'. Tiết tướng nói: 'Dựa vào cái gì? Cầm nghệ đến đàn cũng không đàn nổi của ngươi cũng có thể coi là thắng sao?'. Thư sinh nói: 'Đó là vì ngươi đứng bên cạnh phá hoại!'. Tiết tướng nói: 'Ta có thể khiến ngươi không đàn nổi, thì ta thắng'. Thư sinh kêu lên: 'Thế mà gọi là thắng à?'. Tiết tướng bỗng nói thật chậm, từng tiếng từng tiếng rành rọt: 'Đây chính là chiến thắng của sức mạnh'. Thư sinh sững ra, không nói gì nữa".

Khương Trầm Ngư nhắc lại: "Chiến thắng của sức mạnh?".

"Vâng. Tiết tướng nói: 'Trên thế giới này có rất nhiều kỹ nghệ, duy chỉ có sức mạnh là có thể trấn áp tất cả. Cầm nghệ của ngươi có cao hơn nữa, nhưng ta có thể khiến ngươi không đàn nổi, đây chính là biểu hiện của việc ta vượt trội hơn ngươi'. Nói đến đây, ngài xoay người, nhìn mọi người, cất cao giọng nói: 'Các ngươi nghe rõ cho ta, những người khác muốn lợi dụng kiếm chác, muốn xuyên tạc lời ta, thì cũng phóng ngựa đến hết cả đây, nhưng trước khi đến, các ngươi phải chuẩn bị tâm lý cho tốt – Có lẽ các ngươi có thể thắng ta về một kỹ năng nào đó, nhưng, nếu võ công không thể thắng ta, đều là vô ích. Nếu võ công hơn ra, chớ quên sau lưng ta còn có mười hai thiết kỵ, ba vạn binh mã, quyền hành cả nước, các ngươi cứ khiêu chiến thử xem!'. Thư sinh thét lên: 'Thế thi đấu còn gì là công bằng?'. Tiết tướng nhìn hắn khinh miệt, lạnh lùng cười: 'Quyền thế cũng là một loại thực lực. Nếu ngươi không có thực lực vượt hơn ta, dựa vào cái gì mà đòi thay thế ta?'".

Khương Trầm Ngư ngẫm nghĩ câu "Quyền thế cũng là một loại thực lực", không khỏi có phần ngây ngốc.

Tiết Thái... Tiết Thái... xuất sắc như thế, kiêu ngạo như thế, lại bá đạo như thế!

Có lúc không khỏi hoài nghi hắn có thực sự là con người không? Một đứa trẻ tám tuổi, sao có thể có trí tuệ như thế? Hơn nữa, ngoài trí tuệ ra, hắn còn xuất thân cao quý, vì thế đã bồi dưỡng nên tính cách cao ngạo ngút trời, cậy tài khinh người, ngoài tính cách ra, hắn lại trải qua chuyển biến lớn kinh thiên động địa của đời người – từ trời cao rớt xuống bùn lầy, lại từ bùn lầy trở lại trời cao như thế, khiến hắn ngoài ngạo mạn, còn rèn luyện được tính thận trọng và chu toàn hơn người thường. Hành vi nhìn có vẻ như huênh hoang to gan, được ăn cả ngã về không của hắn vừa hay là biểu hiện của việc hắn chuẩn bị đầy đủ, không hề sơ sót.

Người bình thường, cho dù có được khả năng bẩm sinh như hắn cũng không thể có tính cách như hắn; cho dù có tính cách giống như hắn, cũng không thể có cảnh ngộ giống hắn... Hàng loạt các loại yếu tố này đã tạo thành thái độ ngang ngược coi thường hết thảy của hắn lúc này, mà thái độ ngang ngược ấy chính là điều không thể thiếu của một người làm chính trị thành công.

Có lẽ bản thân thật sự may mắn, may mà hắn đứng về phía nàng.

Nếu có một đối thủ như thế này, thực sự quá đáng sợ...

Họa quốc: Đồ BíchNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ