I. MỞ ĐẦU

14 1 0
                                    

Nói đến đạo Phật là nói đến luật Nhân Quả Nghiệp báo, một nguyên lý mà con người phải chịu lấy trách nhiệm hành động của mình. Không phải thần linh nào khác đã qui định thưởng phạt kiếp sống của con người, chính con người thật sự là Thượng đế tối cao của họ, họ muốn làm chủ đời sống hay muốn mất quyền làm chủ, họ muốn khổ hay muốn vui, hoàn toàn bởi họ, không do một ai khác. Luật Nhân Quả là nền Đạo Đức nhân bản cao cả hơn mọi nền Đạo Đức nào khác, trong đó giá trị con người được nâng cao không còn giới hạn. Câu chuyện về ông già chồn được truyền mãi trong nhà thiền như sau.

" Thoáng nhìn Tổ Bá Trượng đã biết đây không phải là người bình thường trong khi ông già chầm chậm tiến về phía tổ. Những đệ tử khác đều ra ngoài khi buổi giảng đã xong.

– Ông là ai? Tổ hỏi.

– Bạch Hòa Thượng, con không phải là người. Nguyên đời Đức Phật Ca Diếp con là tăng. Có một đệ tử hỏi con "Bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?"

– Con đáp: "không bị Nhân Quả chi phối!" (Bất lạc Nhân Quả)

– Thế là từ đó con đọa làm thân chồn đến nay đã năm trăm đời. Không biết chỗ sai ở đâu, con xin Hòa Thượng đáp lại cho đúng, để con thoát được thân chồn.

Tổ Bá Trượng bảo:

– Bây giờ ông hỏi lại ta.

– Bạch Hòa Thượng, bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?

Tổ bảo:

– Không còn mơ hồ về Nhân Quả! (Bất muội Nhân Quả)

Ngay câu nói ông già liền đại ngộ, thưa:

– Thế là từ nay con thoát được thân chồn, dám xin Hòa Thượng lấy theo lễ Tăng chết tống táng cho con.

Nói rồi ông già biến mất. Tổ Bá Trượng sai bạch kiền chùy bảo chúng sau giờ ngọ trai sẽ đưa đám một vị tăng. Tăng chúng đều ngạc nhiên vì thấy không ai chết, nhà bệnh không ai nằm.

Sau giờ thọ trai, Tổ dẫn chúng tăng vòng qua sau núi đến một chiếc hang, lấy gậy bới ra xác một con chồn đem về làm lễ trà tỳ."

Lúc được hỏi câu đó, ông già đang làm một vị tăng thời Đức Phật Ca Diếp, có được định lực khá vững, nhưng trong cái định đó ông chưa thấy được đường đi của Nhân Quả nên trả lời theo chỗ thấy của mình, không ngờ phạm một sai lầm quá nặng. Toàn bộ giáo lý của Phật đều dựng trên nền tảng Nhân Quả, dù là thế gian, hay bồ tát đạo. Phủ nhận Nhân Quả tức là phủ nhận toàn bộ Phật pháp, và quả báo của tội lỗi đó là bị đọa làm thân chồn năm trăm đời. Đến lúc tội đã mỏng, phước làm Tăng lúc trước khởi dậy, ông găp Tổ Bá Trượng hạ một chuyển ngữ phá tan cái định không ngơ của ông từ năm trăm đời trước, khiến ông nhận ra Bản thể trí tuệ sáng suốt hằng hiện hữu. Trí tuệ sẵn có này tuy rất thanh tịnh, nhưng chẳng phải là hư vô, trái lại rất tinh tế nhỏ nhiệm, bao hàm trùm khắp, biết rõ từng tác động và hậu quả của nghiệp không chút lầm lẫn. Nếu cứu cánh cùng tột của sự tu hành chỉ đưa đến không ngơ như cây đá thì đạo Phật quả là tai hại! Nhưng sự thật không phải thế, cứu cánh cùng tột của đạo Phật là nhận ra Bản thể sẵn có, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ từ bi, đầy đủ hoạt dụng, nhưng vắng bóng phiền não khổ đau, không một sự trói buộc nào còn tồn tại. Đó đích thật là sự làm chủ cho chính mình, không bị tham sân si chi phối thúc đẩy tạo nghiệp khổ đau, chỉ sống và làm vì lợi ích cho những chúng sinh khác.

Luận về Nhân Quả - Thích Chân QuangNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ