7. Xuất gia

2 1 0
                                    

(Lấy ý trong Pháp Cú truyện tích)

Sumangala, là một nông dân nghèo khổ cô độc. Tài sản của chàng chỉ là cây cuốc mòn, manh áo và chiếc chòi với ít vật dụng sơ sài. Có những lần trông thấy các Tỳ Kheo đi khất thực được sự đối xử ưu ái của các cư sĩ, chàng có ý định đổi nghề, bèn gần gũi tìm hiểu và xin xuất gia. Chàng được Trưởng lão chấp nhận cho vào Tăng đoàn và được thọ giới. Nhưng không ngờ đời sống xuất gia quá nhiều giới luật ràng buộc, vật thực xin được bữa nhiều bữa ít thất thường, những cơn tọa thiền đằng đẵng đau chân quá độ. Sau nhiều lần chán nản, chàng hoàn tục.

Đời sống cư sĩ nghèo khổ trở lại với chàng cũng những nỗi lo âu tính toán bất an khiến chàng nhớ đến đời sống xuất gia tuy thanh bần nhưng mà thư thái. Chàng xin xuất gia như trước.

Các tâm trạng mâu thuẫn cứ kéo chàng vào rồi lại kéo chàng ra đến lần thứ sáu. Sau khi nhận thức nỗi khổ của trần gian, tính cách vô thường của dục lạc, chàng tìm trở lại Tinh Xá, vừa đi vừa tư duy về giáo lý. Vừa đến cổng Tinh xá thì chàng đắc Pháp nhãn thanh tịnh, chứng quả Dự Lưu. Trong lần xuất gia thứ sáu này, chàng chuyên cần tinh tấn tọa thiền, nương theo sức ngộ, chàng đạt được tam thiền. Thích thú với thánh quả, chàng thường xen vào lý luận về sự tu tập với các vị trưởng lão. Các trưởng lão có ý trách chàng thì các Tỳ Kheo trẻ khác bênh vực.

"Tôn giả Sumangala có quyền trình bày những kinh nghiệm đã có."

Một trưởng lão lên tiếng:

"Những sở đắc của Sumangala chưa hẳn đã giữ người này ở lại đây lâu."

Quả nhiên trong một lần biến động, Tôn Giả Sumangala lại hoàn tục. Nhưng rồi Tôn Giả cũng trở

lại Tăng đoàn đến lần thứ bảy, và nơi lần cuối cùng này, Tôn Giả chứng quả Alahán. Khi Thế Tôn xác nhận về thắng trí của Tôn Giả, các Tỳ Kheo khác ngạc nhiên hỏi Phật về nguyên cớ. Đức Phật cho biết, đời Đức Phật Kassapa, Sumangala cũng đã là người xuất gia. Một huynh đệ chán nản muốn hoàn tục đến tâm sự, Tôn Giả đã đồng ý khuyến khích cho người kia hoàn tục. Vì thế trong đời sống cuối cùng này, trước khi chứng đạt Niết Bàn, Tôn Giả phải chịu hơn sáu lần hoàn tục.

NHẬN XÉT:

Theo lời Phật, đời sống xuất gia là điều kiện thù thắng nhất để một người có thể chứng đạt quả vị Alahán. Đời sống các Tỳ Kheo thời Đức Phật tại thế rất là đơn giản và thánh thiện, đẹp như chuyện thần thoại và cao cả như trăng mùa thu. Những giới luật được giữ gìn chu đáo đã bảo vệ các Tôn Giả ra ngoài những bận tâm lo lắng. Điều kiện vô tư lý tưởng đó không làm cho những kiết sử trổi dậy và phát triển. Kiết sử đã thúc đẩy chi phối chúng sinh tạo nghiệp, nhưng cũng chính những tác nghiệp trở lại củng cố và phát triển cho kiết sử. Đời sống gia đình với vô số ràng buộc về ái trước, với vô số trách nhiệm phải lo âu, với vô số bất an và phiền muộn, khiến cho kiết sử một người có điều kiện khởi lên và phát triển. Còn đời sống xuất gia thời Đức Phật được qui định sắp xếp cặn kẻ để giữ một vị Tỳ Kheo trong thênh thang trơ trọi với tấm y hoại sắc phất phơ bay theo gió sớm, với đôi tay ôm bình bát nhỏ bé đơn sơ, với bước đi giữa trần gian ung dung phơi phới. Kiết sử của vị này không bị khơi động, trái lại, công năng của thiền quán sâu xa từng bước phá tan những rớt rơi còn lại.

Luận về Nhân Quả - Thích Chân QuangNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ