1. Nguyên nhân của đau khổ

5 1 0
                                    

(Trích Tương Ưng Bộ kinh 4, tr 328)

Bhadra.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

"Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và chấm dứt của khổ."

"Này thôn trưởng, nếu y cứ vào quá khứ hay vị lai để nói về nguyên nhân (Sự tập khởi) và sự chấm dứt của đau khổ, ông sẽ có phân vân nghi ngờ. Nhưng ngay chính tại đây, với sự có mặt của ông, ta sẽ thuyết về nguyên nhân và sự chấm dứt của đau khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm, ta sẽ nói."

"Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu ở tại Uruvelakapapa này có những người bị giết, hoặc bị tù, bị thiệt hại, bị chỉ trích, ông có khởi lên lo lắng buồn khổ không?"

"Bạch Thế Tôn, với những người này con có khởi lên lo lắng buồn khổ và với những người khác con không có khởi lên lo lắng buồn khổ."

"Vì sao có sự sai khác như vậy?"

"Bạch Thế Tôn, với những người mà con không có thương mến thì dù họ có bị giết... con không có khởi lên lo lắng sầu muộn. Nếu với người mà con có thương mến thì khi họ bị giết... con có khởi lên lo lắng sầu muộn."

"Như vậy, chính ông đã xác định do có thương mến mới có lo lắng sầu muộn. Cũng vậy, dù quá khứ hay vị lai, nếu có khổ não khởi lên, đều từ ái dục làm căn bản, từ ái dục làm sở nhân. Ái dục là căn bản của khổ."

NHẬN XÉT:

Bài kinh này có vẻ triết lý hơn là Nghiệp báo. Tuy nhiên nó cũng là chuỗi Nhân Quả có liên quan với nhau. Thay vì giảng Tứ Diệu Đế cho thôn trưởng Bhadraka, Đức Phật đặt vấn đề thực tế hiện tại để ông tự xác nhận bằng suy nghiệm của chính mình rằng vì có ái dục nên có đau khổ. Phật đã hệ thống điều này trong giáo lý Tứ Diệu Đế – Bốn sự thật mầu nhiệm – rằng có khổ với tám loại và ái là nguyên nhân của khổ, có Niết Bàn chấm dứt khổ và ái, và có con đường đưa đến Niết Bàn đó. Trong giáo lý Mười hai nhân duyên, ái là một mắc xích quan trọng tác động đến vòng luân hồi vô tận.

Vì thương con mà cha mẹ phải lo lắng đủ cách cho đời sống và tương lai của nó. Nếu sau này nó tỏ vẻ ruồng rẫy sơ sài, cha mẹ sẽ thất vọng đau khổ vô cùng.

Ai cũng biết tình yêu đưa đến hôn nhân và hôn nhân đưa đến vô số trách nhiệm, bất an và phiền muộn.

Thật ra, ái dục không đơn giản là tình thương yêu giữa người này với người kia, nó còn là lòng ham muốn đối với ngũ dục người tham sắc, kẻ ham danh, người ưa ăn, kẻ thích ngủ, người tham tiền, kẻ lụy tình... Nếu có thương yêu ai, tất cả đều bắt nguồn từ ham muốn khoái lạc của chính mình.

Luận về Nhân Quả - Thích Chân QuangNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ