CHƯƠNG 4: NHỮNG LẬP LUẬN VÀ NHỮNG NGỤY BIỆN LOGIC

148 2 0
                                    

Những chương trước đã mô tả những lỗi sai mà não mắc phải vì bản chất của chúng. Tuy nhiên, có một vài công cụ chúng ta có thể dùng để tránh những lỗi sai này. Thùy trán, phát triển khi chúng ta lớn lên, giúp chúng ta đưa ra những quyết định hợp lý (đây là lý do tại sao lứa tuổi thanh thiếu niên nổi tiếng là bốc đồng). Phần này của não giúp tạo ra những tranh luận logic, cũng như những lỗi sai thường gặp trong logic được gọi là ngụy biện, chương này sẽ làm rõ những nội dung này.

Những lập luận vững chắc sẽ giúp bạn chứng minh được luận điểm của mình, đồng thời giúp bạn giao tiếp tốt hơn với người khác. Hãy nhớ rằng, tư duy phản biện không xoay quanh việc giành chiến thắng – nó xoay quanh việc theo sát quá trình phát triển luận điểm để đi đến kết luận. Với những kỹ năng tranh biện hiệu quả, bạn sẽ có thể xác định kết luận nào là đúng, cũng như những điểm hợp lý trong luận điểm của người khác. Tranh luận lành mạnh sẽ giúp bạn học hỏi, và từ đó trau chuốt những đức tin và ý tưởng của bạn.Những kỹ năng tranh luận cũng sẽ giúp bạn quen với việc lý luận những ý tưởng của mình, thay vì hợp lý hóa chúng. Hãy nghĩ về hợp lý hóa như là thứ tạo ra thiên kiến xác nhận; đây thường là lúc bạn đưa ra kết luận trước, sau đó mới đưa ra luận điểm để biện hộ cho kết luận đó. Trong khi quá trình lý luận lại hoàn toàn khác. Quá trình lý luận đòi hỏi chúng ta phải thu thập dữ liệu, quan sát và có đủ chứng cứ để đưa ra kết luận.

Trùng hợp thay, đây cũng là cách các học giả trong mọi ngành tạo ra công trình học thuật của mình, hoặc ít ra là nên như thế. Từ bỏ việc hợp lý hóa rất khó, bởi vì chúng giúp chúng ta giải thích những quyết định mà chúng ta đã đưa ra (khi không nghĩ kỹ), điều này thường khiến chúng ta yên lòng. Não không thích bị sai, và mỗi lần ta hợp lý hóa, phần nhận thưởng trong não được truyền cho một liều dopamine để có thể hợp lệ hóa "tính chính xác" của não. Tuy nhiên, việc cởi mở với tiềm năng của tư duy phản biện và tranh luận logic sẽ giúp giải quyết bất cứ sự khó chịu mà não cảm thấy khi nhận ra nó đã sai. Một khi xây dựng được quá trình đánh giá lại những luận điểm, bộ não sẽ trở nên thoải mái hơn với tiềm năng thay đổi quan điểm.

CÁCH XÂY DỰNG MỘT LUẬN ĐIỂM

Theo góc nhìn logic, luận điểm là một chuỗi những khẳng định bạn dùng để bổ trợ cho kết luận của bạn. Việc nói rằng một thứ gì đó là chính xác,hoặc giải thích tại sao nó đúng, không thể cấu tạo nên một luận điểm.

Khi chúng ta xây dựng luận điểm, chúng ta phải bắt đầu với những tiền đề cụ thể có thể giúp chúng ta đi đến kết luận. Chúng ta coi những tiền đề đó là đúng; những tiền đề này có thể là một sự thật hoặc là nhận định. Giả sử, khi kiểm tra những tiền đề, chúng ta phát hiện ra một tiền đề là sai, chúng ta có thể kết luận rằng luận điểm đó là không hợp lý. Tìm ra những tiền đề này là một trong những khía cạnh khó nhất của việc đánh giá một luận điểm, nhưng đây là một việc rất quan trọng. Khi mọi người không đồng ý với bạn, đó thường là do họ đang có những tiền đề khác, và trừ khi họ tìm được tiền đề phù hợp, nếu không sẽ rất khó để hòa giải sự bất đồng của hai bên.

Nếu bạn dùng những nhận định làm tiền đề cũng không sao cả; điều quan trọng là bạn nhận ra rằng nhận định không phải là sự thật. Điều này không có nghĩa là chúng sai, chỉ là chúng không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng có thể sẽ không hoàn chỉnh hoặc thống nhất về mặt logic. Do đó, bạn không nên mặc nhiên dùng nhận định khi đang tranh luận, bởi vì chúng có xu hướng làm yếu luận điểm của bạn và dẫn đến những kết luận không chính xác. Hãy luôn cố gắng sử dụng nhiều dẫn chứng nhất có thể.

RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ