1.

7 1 0
                                    

Người nhà quyết định kí giấy xin xuất viện, từ bỏ việc điều trị cho em, vậy là bệnh nhân giường số 2 phòng 201 ở lâu nhất khoa cũng phải rời đi. Em là người truyền động lực cho các bệnh nhân khác, là niềm vui mỗi ngày của họ, cũng là một người tinh nghịch, ỷ mình  thân thiết ở lâu, thân thiết với cả khoa mà hay làm càn. Mỗi lần tôi đi buồng ra khỏi phòng em, em đều đi theo sau, mặc vội theo một chiếc áo blouse, giả làm một bác sĩ thực tập để đi cùng đoàn. Để làm gì? Chính là để động viên tinh thần và hỗ trợ các bệnh nhân khác trong điều trị căn bệnh mà họ mắc phải giống mình. Nhìn qua chẳng ai nghĩ em bị bệnh cả, em bình thường, đôi mắt linh động, nụ cười tươi trên môi đầy ngọt ngào, đi lại nhanh nhẹn, không có cử chỉ bất thường, lời nói tư duy không hề rối loạn. Nhưng em vẫn bị người nhà đưa vào đây, sau nhiều lần cắt tay tu.tu không thành. Tôi mường tượng không biết rốt cuộc áp lực như thế nào mà có thể khiến một người như em quyết định kết liễu sinh mạng mình.

Em đứng sau người nhà, khuôn mặt căng ra, môi mím chặt, đôi mắt không có chút linh động nào, cúi gằm xuống đất. Hai tay ôm bọc quần áo ghì chặt, cả người bắt đầu xuất hiện từng cơn run rẩy.

Tôi kê cho em đơn thuốc cùng liều lượng sử dụng điều trị tại nhà. Người thân nhận gói thuốc với thái độ hời hợt, bà ta chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng rời khỏi nơi này. Trước đây trong thời gian điều trị, tôi chưa bao giờ thấy người nhà đến thăm, không ai đến chu cấp đóng tiền viện phí, em hoàn toàn được bệnh viện nuôi bằng tiền tài trợ từ thiện của các nhà hảo tâm. Lần đầu gặp người nhà, tôi đã không có thiện cảm, bà ta bước vào, mắt nhìn nơi này như một thứ gì đó ghê tởm mà bà ta đang bị ép vào, đưa khăn lên che mũi, nhăn mày miễn cưỡng ngồi xuống để nghe giải thích tình hình bệnh tật của em. Bà ta còn chẳng để tâm nghe nội dung tôi nói, ngó quanh dò xét phòng giao ban, môi dày bĩu lên bĩu xuống. Em đi vào sau cũng chẳng đi đến lại gần bà, mối quan hệ giữa 2 người xem chừng không quá tốt.

- Về thôi. Đừng có không hiểu chuyện nữa. Bố mày bệnh nặng rồi. Không chịu nổi bất cứ cơn sốc nào nữa đâu.

Em không trả lời, lẽo đẽo theo sau bà ta, giữa chừng quay lại nhìn tôi, sự bất đắc dĩ trong đôi mắt em, đôi môi mấp máy như muốn nói lại bị người đàn bà thô lỗ kia túm tay kéo xệch lôi đi.

Vậy là chúng tôi sẽ không còn gặp lại nhau nữa ư. Chắc là vậy. Trong mắt tôi bỗng hiện ra người con gái lần đầu vào đây, cổ tay cổ chân bị bầm tím hằn xoắn vặn dây thừng như bị trói lâu ngày, trên người không ít những vết thường cũ mới. Đôi mắt dại ra như con thú hoang sợ sệt, hỏi gì cũng lắc đầu không biết, tinh thần hoảng loạn, miệng lặp đi lặp lại:"Con không có bệnh! Con không bị bệnh! Thả con ra!!!"

Đóng hồ sơ của em, liếc nhìn dòng địa chỉ và số điện thoại liên lạc, tôi lưu tâm lại.

Sau đó 1 tuần, tôi có việc đi ngang qua phường em, bằng một sự khó hiểu mãnh liệt, tôi hỏi thăm tận nhà. Tôi không đến tận nơi, mà tạt qua quán trà gần đấy, ngồi xuống gọi một cốc mía, lân la hỏi chuyện chủ quán.

- Bác có biết Nhung con nhà bác Loan ở đây không?
- Cái con Nhung bị bê đê đó hả? Biết chứ! Cả làng này ai chẳng biết đến nó. Làm hổ mặt cha mẹ, lên thành phố đi học tự nhiên học đòi bị bệnh bê đê, bố mẹ nó đánh đập dã man lắm. Coi nó không còn là con người nữa. Nghe đâu ai mách cách trị bệnh, đem nhốt nó vào cũi, này, còn nghe kể bố mẹ nó tìm người đến hiếp nó luôn đấy. Khổ lắm. Đợt trước đi tâm thần điều trị một thời gian rồi về, trông mặt mũi sáng sủa hơn rồi. Nghe đâu nhà đang làm đám cưới cho nó với cái thằng hiếp nó đấy. Đúng là nghiệp mà...

Tôi sững sờ, một bàn tay vô hình bóp nghẹt trái tim. Tôi từng khai thác bệnh em như em ương ngạnh không bao giờ chịu nói. Có lúc lảng sang chuyện khác. Lúc im lặng từ chối nói chuyện. Từng rất nhiều lần gọi điện cho người nhà hỏi thăm tình trạng căn nguyên nhưng cũng không được cung cấp. Tôi tức điên xong cũng không truy cứu nữa. Người nhà vứt em vào đây như vứt một con chó. Không chăm. Không quan tâm. Tôi đứng ra giúp em thanh toán chi phí. Tôi có một khoản tiền do các bệnh nhân cũ đóng góp, tài trợ cho các bệnh nhân không có điều kiện điều trị mà. Toàn là nhà giàu cả đấy.

Không ngờ em lại trải qua cuộc sống như vậy. Hình ảnh em lần đầu tôi gặp lần nữa hiện ra, nhưng giờ tôi đã hiểu nguyên nhân, vỡ ra được tất cả. Tôi muốn làm gì đó cho em, nhưng tôi hiện tại có tư cách gì để làm điều đó? Tôi chỉ là 1 bác sĩ, cũng không phải là bạn bè thân thiết gì cho cam.

- Khi nào thì rước dâu vậy bác?

- Khoảng 2h chiều nay.

Tôi đứng dậy trả tiền nước, vội bước nhanh về phía nhà em. Càng đến gần, tiếng nhạc đám cưới càng to dần khẳng định tôi đi đúng đường. Thế nhưng vừa đi tới nơi, một tiếng thét chói tai làm chân tôi khựng lại. Kéo theo đó, những tiếng hét khác vang lên, thôi thúc tôi chạy nhanh đến xem. Trước sân, cô dâu mặc váy cưới trắng muốt nằm dài trên đất, cổ cắt một đường gọn gàng, máu thấm vào váy cưới đỏ tươi như hoa hồng đua nở. Mọi người vây quanh không ai dám lại gần. Tôi nhào tới, ấn chặt miệng vết thương đang trào máu ồ ạt.

- Bác sĩ... Sao chị lại ở đây?
- Đừng nói gì. Tôi sẽ cứu em.
- Muộn rồi chị. Đừng... - Em cười gượng gạo, tay gỡ tay tôi đang ngăn máu chảy ra - ... Hãy cho em được giải thoát. Bác sĩ, em đau lắm. Rất đau...

Em nằm im trên tay tôi. Ngừng thở. Một người đàn ông trung niên tách đám đông ra, đẩy tôi ngã ra sau, nhìn trân trân vào em, cả người cứng ngắc như khúc gỗ. Khuôn mặt 7 phần giống em. Đây chắc là bố em nhỉ. Haha, ông nhìn đi, nhìn thì có ích gì, em ấy đã chết rồi, chết tức tưởi trong tay các người. Các người là người thân, lại chính tay độc ác dồn em tìm cái chết, em ấy bị tổn thương bởi chính người thân.

- Nhanh chóng dọn dẹp đi. - Một lúc lâu, ông ta mới thốt một câu lạnh lùng - Không có đám cưới gì nữa, ai về nhà nấy đi.

Tôi sững sờ không nói nên lời.
Tôi không biết mình đã về bằng cách nào, chiếc áo bị thấm máu của em nằm lăn lóc trên sàn. Tôi mệt mỏi không nói được một lời khi ấy. Không phải lần đầu tiên nhìn bệnh nhân chết. Nhưng lần đầu thấy một người đến chết vẫn tức tưởi như vậy, tôi không thoải mái. Gia đình em vì giữ thể diện mặt mũi, sẵn sàng chẳng cần một đứa con như em.

Nhắm mắt lại, hình ảnh em lại hiện ra. Tôi biết mình đã phải lòng em. Nhưng tôi giấu trong lòng không nói, chủ có thể dùng sự dung túng nuông chiều em, biến em thành bệnh nhân được cưng chiều nhất khoa. Có gì ngon cũng không thiếu phần em. Để em tự do đi lại trong phạm vi cho phép. Nếu như tôi biết sớm hơn, liệu tôi sẽ tỏ tình với em, em sẽ đồng ý để tôi đưa đến một nơi không ai tìm thấy, đưa em ra khỏi căn nhà đó, sống một cuộc sống em muốn. Nếu tôi biết sớm hơn, có lẽ tôi có thể giúp em. Nhưng không, tôi đã buông tay để em về lại ngôi nhà đó, không cương quyết giữ em lại. Tôi đã gián tiếp đẩy em vào chỗ chết. Đôi mắt em ngoái lại nhìn tôi ở phòng giao ban trước khi đi ám ảnh lấy tôi. Đó không phải là ánh nhìn bất đắc dĩ, mà là một lời chào ly biệt miễn cưỡng. Lúc đó, em đã biết mình phải làm gì rồi sao.

- "Bác sĩ, chị đẹp lắm đó. Không son phấn gì, mặc mỗi áo blouse thôi mà ngầu đứt cần câu luôn."

Tôi ôm ngực nằm co cụm. Đau quá. Ngực tôi nhói lên, khó thở. Tôi bò dậy, lấy chai rượu trong tủ lạnh, tu một hơi nửa chai. Với tay cầm chiếc áo trên sàn, máu đã khô chuyển màu thẫm. Tôi ôm vào lòng hít một hơi.

Em yêu dấu...
Em bỏ lại tôi rồi.

1208T - 60sNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ