i

252 44 1
                                    

     Hôm sau, Trọng cứ thế vác cặp mắt có một mảng thâm quầng dày cộp đi học.

     Thanh thiếu niên mới lớn choai choai lẽ dĩ nhiên phải có chút tự trọng, nhất là với đứa tự trọng ngất trời như nó. Nên sáng nay, nó đã cố tình đánh tiếng hỏi mượn bố cặp kính đen mà bố nó đeo đợt cả nhà đi du lịch hè vừa rồi. Nhưng ông hùng hổ quát rằng ông sẽ sẵn sàng cho nó mượn nếu nó đứng im để ông múa Thái Cực Quyền và giáng vào mỗi bên mắt nó một trượng. Và thằng Trọng xách ba lô chạy vội trong tiếng cười vang vọng tới sởn da gà của bố kèm tiếng gọi thất thanh của mẹ rằng nó để quên cơm trưa rồi đây này.

     Trường nó xa nhà, bình thường vẫn phải bắt xe buýt đi học, cũng hên là chỉ cần một chuyến thôi là đủ để nó tới ngay cổng trường. Và càng may là khi nó đi học thì chuyến này lại khá vắng, nên nó lựa được luôn một ghế ngon ơ ngay cạnh cửa kính, tha hồ ngắm phố. Nhưng với cặp mắt nặng trĩu như bây giờ, nó chỉ kịp giơ tấm vé tháng ra cho ông chú thu vé liếc, rồi ngồi phịch xuống ghế, dựa đầu vào một bên cửa sổ.

     Từng căn nhà, cửa tiệm, cành cây, ánh nắng cứ lướt qua, nhòe đi trước đôi mắt thiếu ngủ của nó. Bất giác nó cảm thấy phố phường nơi đây xa lạ, dẫu chuyến xe này đã bao lần đi qua đây rồi, và cũng chẳng phải lần đầu nó ngồi ở ghế này. Thậm chí, nó đã được sinh ra và lớn lên ở nơi đây, chí ít cũng mười sáu năm hơn nó sống "công tử" - là sống trong phố - chứ ít ỏi gì. 

     Nó tự nhiên nghĩ về cái cảnh thằng Luân lớ ngớ đi nhầm cả từ khu nhà học sang tận tòa của giáo viên, rồi lúc bị mắng té tát thì lại khì khì cười quay về. Từ buổi học đó, Trọng ghét Luân ra mặt, ghét theo cái kiểu nếu như Luân ở đâu, thằng Trọng sẽ tự né đi góc khác, dù rõ ràng hai đứa chẳng cự cãi, cũng chẳng căm thù nhau lấy một chút. Tự dưng Trọng nghĩ rằng nếu nó làm thế thì cảm giác bực tức trong lòng sẽ tự tiêu tan thôi.

     Hôm qua mới là thứ Năm của tuần đi học trở lại đầu tiên sau mùa hè. Thế mà thằng Luân trông rõ là khác so với trước mùa hè. Trọng còn nhớ ngày cuối cùng của năm lớp mười, Luân đen nhẻm còn hì hục vác đống đồ của nó ra cổng trường để bắt xe về nhà, do nó ở kí túc xá. Vẻ mặt thằng Luân lúc chiếc xe phóng tới đón nó trông đến đần, và đần gấp đôi khi nó tót lên xe và vẫn cố dán mắt vào, có vẻ như đang cố bắt hết mọi cảnh vật của trường vào đầu cho tới hết hè. Thậm chí ngày nó trở về còn hơn cả chữ đần ấy: Trông thằng Luân như đang đeo cả một quả núi trên lưng, tung tăng chạy về kí túc ngay trước mắt thằng Trọng. Thề là Trọng chỉ muốn đá đít nó một cái, coi nó ngã kềnh ra đất cho bõ ghét.

     Nhưng cũng là cái mặt đáng ghét ấy, mà hôm qua trông lại đẹp đẽ đến khó hiểu. 

     Nhưng cái khó hiểu, là về mối quan hệ của Trọng với Luân bây giờ ấy.

     Mối quan hệ của Trọng và Luân trước nay thường được diễn tả bằng một khoảng cách  - distance. Bởi lẽ, distance là một khoảng cách gì đó lạnh lẽo, khô cứng và như những bài tập Vật lý dở dang dạo nọ, họ hay dùng distance để nói về khoảng cách giữa những vật thể vô tri, xa xăm đến lạ. Như cái cách Trọng tìm cách tránh xa Luân, Luân biết điều và tự tránh xa Trọng. Cái vẻ khúm núm của Luân chiều hôm qua đấy. Nếu Luân cảm thấy an toàn, thoải mái hay đơn giản là nếu nó tin Trọng, có lẽ nó đã huých vai Trọng mấy cái, bá cổ hay đại loại thế, và rủ Trọng đi về cùng nó mới đúng. Nhưng trách được ai, chẳng phải chính Trọng vẫn hay đem cặp mắt chán ghét của nó ra dán lên người thằng Luân, xưng hô trống không và săm soi dò xét Luân từng tí một đó thôi?

[JAYJAKE] distanceNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ