Chương bốn.

96 17 8
                                    

Chân nó không nhanh không chậm bước đi, được mấy thước thì bỗng ngoái đầu nhìn lại. Bóng dáng nhỏ bé vẫn đang tiến về phía trước, nơi bến đò dẫn qua khúc sông con đi về đình. Tim nó lại bắt đầu đập loạn xạ, nó đưa tay áp vào bên ngực trái, không nói gì chỉ phá lên cười rồi nhanh chóng quay đầu chạy vù đi mất. Lòng nó xốn xang lạ thường, có cái gì đó vấn vương. Mặt nó đỏ hực chắc chắn chẳng phải vì nắng trưa oi bức chiếu xuống đầu. Cảm giác mềm mại, giống như một tấm vải lụa, nó thích lắm. Lần đầu tiên nó gan dạ đến mức này, nó thề luôn, thật đó. Nó thét lớn lên, giống như một chú cá heo giữa lòng biển đón nắng mai.

Sau khi tìm được một đoạn sông nó đoán là sẽ có nhiều tép, cá, nhanh chống kéo quần lên hơi cao một chút, nó cầm cái lờ từ tốn thò chân xuống bãi bùn. Một chân rồi hai chân, nó cố không làm kinh động miếng mồi ngon. Cái cũng được thắt dây kĩ càng hòng không cho nước sông cuốn đi. Bày binh bố trận vừa xong, nó cười khì một cái, lại từ tốn rút chân ra khỏi bãi bùn trèo lên bờ. Ánh mắt kiêu ngạo, đắc thắng bị dặp tắt ngay khi thằng Nam từ đâu chạy đến nhảy ùm xuống sông với cái nòm trên tay. Mặt nó méo đi, khóe miệng giật giật và đôi mắt trừng lên như sắp ăn tươi nuốt sống thằng nhỏ.

- Mày...Mày có tin là tao lấy dép tán đầu mày không hả thằng kia?

- Dạ? - Thằng Nam ngây ngô nhìn nó, đáp lại bằng cái giọng lơ đễnh.

- Tao đặt lờ, sao mày nhảy xuống?

- Ủa vậy hả? Em không biết, xin lỗi, xin lỗi nhiều nha.

- Mày ở đó còn cười?

- Xíu em mò nhiều tép, nhiều cá em lại trả chị mồi mà, nha, đừng giận em nha.

- Há, nể tình mày cho tao hai con cá, tao không tranh địa bàn với mày. Lo bắt cho nhiều đi, chị mày ăn cá, khỏi tép cũng được.

- Chị hào phóng quá.

Nó lấy tay vuốt mặt gạt mồ hôi đi, lấy dép lót bên dưới rồi ngồi lên. Nó bắt đầu thả hồn đi nơi khác, chẳng thèm dòm cái thằng đang ì ạch bắt cá dưới sông. Gió thổi mang theo mùi đất mẹ xông mũi nó nồng. Nước sông cũng vì cơn gió mà khẽ động đậy. Lúc bấy giờ nó mới chợt ngẫm nghĩ: hóa ra soi mình dưới sông lâu cũng không soi rõ trong lòng người nông sâu bao nhiêu. Ngày trước từng có lần chết hụt, cũng nhờ có thằng Nam mà sống tới giờ này. Dù không phải cùng cha mẹ nhưng nó vẫn xem thằng nhỏ như người một nhà. Thấy cái dáng vẻ trầm tư của nó, Nam từ từ bước lên khỏi vũng nước cạn, tiến dần đến. Chân dính bùn đất nguậy nguậy làm cho nước sông chốc trở nên đục ngầu. Tiếng ành ạch của lũ cá trong rổ vang lên đánh động đến tâm hồn mơ mộng của nó, nó chợt giật mình.

- Chị Tố đang mơ bắt cá mập dưới sông hả?

- Tao đánh mày một cái chết tươi, cá mập nào dưới này?

- Chứ em thấy chị thơ thơ thẩn thẩn, bộ...chị Tố để ý ông nào làng mình rồi hay sao?

- Để ý cái đầu mày. Tao chỉ đang tranh thủ ôn lại kỉ niệm hồi nhỏ xíu để thôi sau này quên thì uổng lắm.

- Kỉ niệm hả?

- Ừ, cái hồi tao lọt đìa, mày với thằng Ba Tửng vớt tao lên đó.

- Ủa chị nhớ luôn á hả?

- Nhớ chứ sau không mày, ơn cứu mạng đời đời kiếp kiếp không quên.

Rồi hai đứa ôm bụng cười ha hả, dưới bóng cây rợp mát một góc bờ. Kế đó lại nói đến chuyện thằng Ba Tửng sang nhà bác Tuấn trộm rau, bị phát hiện, chạy đi trốn sau cái lu nước nhà nó. Nó cũng một mực che giấu bảo rằng chả có thấy thằng nào đi qua đây. Làm bác Tuấn cuống cuồng hết cả lên, đi từ đầu làng xuống cuối làng lục tìm cho bằng được. Chuyện ngày nhỏ nhiều thú vui để kể lắm, nhắc lại, tuy không còn đủ ba đứa như trước nhưng vẫn cảm thấy đủ đầy.

Chợt thằng Nam chuyển chủ đề sau khi nghe giọng hò của một ông đan rổ lục bình trên chõng tre gần đó. Nó đột nhiên quay sang, mắt ánh lên cái gì đó long lanh, nó hỏi:

- Chị Tố này, chị hôm qua có đi coi hát không?

- Ừ, có. Thế có sao?

- Dạ, chị có biết đào chánh hôm qua không?

- Kh-không, không có, chị mày không biết.

- Không biết không sao, nhưng mà, đẹp lắm.

- Hả?

- Cô đào hôm qua đẹp lắm.

- Ý là mày đang khen người ta hả?

- Dạ.

- Ừ, đẹp, như tiên luôn. Rồi có sao không? Tự dưng nói vậy, có chuyện gì hả?

- Em sau khi gửi cá nhà bác Tuấn xong có vòng ngược ra bên đò qua bên đình xin măng về, có gặp cái cô đó từ trong đình đi ra.

- Sao nữa?

- Nghe nói là gánh hát ở lại hơn tháng mới đi.

- Thiệt hả?

- Thiệt luôn á, em nói xạo là cá mập dưới sông trồi lên đớp em cái rọp cho chị coi liền.

- Khùng quá, bắt cá đi, tao đi về.

- Dạ, cái lờ chiều lấy hay sao chị?

- Ừ, chiều tao trở ra.

- Dạ, chị về.

Nó lo chạy đi về nhà thật nhanh mà bỏ quên luôn đôi dép cao su ở ngoài bờ sông. Vừa chạy nó vừa cười tủm tỉm, coi bộ kì này nó bị người ta dụ lấy mất hồn thật rồi. Vừa về tới nhà, nó chưa kịp nói câu gì với mẹ đã vội ôm ngay cái nón cối chạy vụt ra bến đò. Chân nó nhanh nhanh, thoăn thoắt giẫm lên đám cỏ xanh mọc dại. Lối mòn dẫn đến bến đò, nó đi chậm dần rồi dừng hẳn ngay cạnh ngôi nhà tranh lợp ven sông.

- Làm ơn chở con qua bờ bên kia với.

Chẳng có tiếng hồi đáp, nó đứng một lúc lâu mới nhận ra gian nhà ấy trống không. Nó thở hắt ra một tiếng rồi ngồi bịch xuống bờ. Bờ bên này trông bờ bên nọ, chợt nó chẳng biết lí do tại sao mình muốn sang bên đó, nó tẩn ngẩn tần ngần nhìn con nước đưa đẩy nhau mà lòng không ngừng đau nhói.

Đến bây giờ, khi biết mình dường như đã phải lòng người mà mình chỉ vừa gặp tối qua, nó chỉ biết thẫn thờ. Trên tất cả, nó dẫu biết đường lui đã không còn, vẫn anh dũng mà lao mình vào biển lửa. Nó là con gái, đương nhiên kết thúc cho chuyện này là gì không rõ, nhưng nó chắc chắn chẳng phải đẹp đẽ.

Ngồi im lặng, gió muốn hát gì, gió muốn nói gì mặc gió. Lòng nó giờ trống không, chỉ biết ngóng trông chờ đợi. Bỗng cũng có người bước đến ngồi đối diện nó bên bờ sông kia. Chỉ là nó không ngờ lại trùng hợp đến vậy, Ngô Hải Nguyên.

Sân đình - BaewonNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ