Chiếc thuyền ngoài xa

1.4K 9 0
                                    


Trước cái chết của một nhà văn người ta thường nghĩ về sự bất tử của người cầm bút. Ôi, thời gian sẽ vùi lấp tất cả nếu như người nằm xuống không để lại chút gì trong lòng người đọc. Mà có được chút gì thì khó vậy thay. Và Nguyễn Minh Châu với thiên chức của người cầm bút mà trong đời viết của mình ông đã cố gắng đi tìm cái "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Những hạt ngọc như thế không chỉ ông tìm thấy trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước mà ông còn tìm thấy trong những năm tháng thời hậu chiến. Những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu lại một lần nữa mở ra cánh cửa văn chương của mình khi ông chính là người đã tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, nhà văn đã nhìn cuộc đời bằng cái nhìn khác, bằng đôi mắt khác và bắt đầu cho mình cảm hứng mới về đạo đức, thế sự mà phản ánh chính bằng con người. Dù ở hoàn cảnh nào thì Nguyễn Minh Châu cũng có cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và mối âu lo với con người, bởi vậy trong Trăng sáng, Nam Cao đã nêu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình: nhà văn phải thấy rằng dưới cõi nhân gian mà ảnh trăng đang bao phủ ruột nà, nơi người nghệ sĩ mặc sức cho trí tưởng tượng của mình bay bổng là bao cuộc đời cực nhục, vất vả. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có thể coi như là một sự minh họa tiếp tục cho quan điểm ấy.

I. Phân tích cụ thể

1. Nhan đề tác phẩm
- Đầu tiên đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, nơi có đôi vợ chồng nghèo, vất vả, lam lũ quanh năm nhưng không nuôi nổi đám con đông đúc. Chiếc thuyền khi vào gần nó cũng là hiện thân của cuộc đời khó nhọc, thậm chí của những éo le, trái ngang và nghịch lí trong cuộc sống. Khát vọng lớn của người đàn bà là có  chiếc thuyền lớn, rộng rãi và đủ gạo để nuôi đàn con.

- Chiếc thuyền ngoài xa còn là biểu tượng ẩn dụ cho nghệ thuật trên đại dương của cuộc sống, đó là thứ nghệ thuật đạt tới sự toàn mĩ và thánh thiện đến mức mà chiêm ngưỡng nó, người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình được thanh lọc.
- Như vậy, chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa nhưng cuộc đời thì lại rất gần. Người nghệ sĩ cần có một khoảng cách nhất định để khám phá và thưởng thức vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật nhưng lại cũng cần bám sát cuộc đời để phát hiện ra những sự thật của cuộc sống. Nhan đề là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. 

2. Tình huống truyện trong tác phẩm: (Tình huống truyện nhận thức)
→ Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân. Từ cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Hai tập truyện ngắn "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" (1983) và "Bến quê" (1985) đã đưa Nguyễn Minh Châu lên vị trí "Người mở đường tinh anh và tài năng" (Nguyên Ngọc) của văn học nước ta từ sau năm 1975.
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được in lần đầu tiên trong tập "Bến quê", sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một tình huống truyện vô cùng đặc sắc.

Văn 12Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ