CHƯƠNG XXX
Trong cái mùa hè nóng nực sau khi hòa bình trở lại, ấp Tara đột nhiên mất hẳn vẻ biệt lập. Và hàng tháng liền sau đó, lũ lượt những hình nhân râu ria xồm xoàm, rách như tổ đỉa, chân không trày da tướp máu và bao giờ cũng đói, hì hụi leo lên con đồi đất đỏ ấp Tara và nghĩ đến nghỉ chân trên thềm trước đầy bóng râm, xin ăn và xin trú tạm một đêm. Đó là những chiến binh Liên bang cuốc bộ về nhà. Xe lửa chở đám tàn quân của tướng Johnston từ Bắc Carolina về Atlanta, quẳng họ ở đó và từ Atlanta, họ bắt đầu cuộc hành hương bằng chân của mình. Qua đợt tàn binh của tướng Johnston, lại đến các cựu binh mệt mỏi của đạo quân Virgina rồi đến đám miền Tây, tất cả đổ xuống phía Nam tìm đường về những mái nhà xưa có thể đã không còn nữa, về với gia đình có thể tan tác hoặc chết hết. Phần lớn đi bộ, một số ít may mắn hơn thì cưỡi những con la gầy giơ xương mà họ được phép giữ theo điều kiện cuả văn bản đầu hàng, những con vật thảm hại mà ngay cả một con mắt kém thành thạo cũng có thể thấy là chúng không bao giờ có thể tới được miền Florida xa xôi hay miền Nam Geogia.
Trở về nhà! Trở về nhà! Đó là ý nghĩ duy nhất trong đầu những người lính. Một số thì buồn rầu và lặng lẽ, nhiều ng khác lại vui vẻ và coi khinh gian khổ, song rút cục, ý nghĩ rằng mọi sự đã xong xuôi và họ đang trở về nhà, là điều duy nhất nâng đỡ tinh thần họ. Không có mấy người tỏ ra chua chát. Họ dành cái đó cho đám phụ nữ, người già của họ. Họ đã chiến đấu một cuộc chiến đấu không tồi, đã bị thua và bây giờ sãn sàng an phận cày cấy dưới lá cờ họ đã chống lại.
Trở về nhà! Trở về nhà! Họ không thể nói chuyện gì khác - Chiến trận và thuơng tích, những ngày bị bắt làm tù binh và thậm chí cả tuơng lai nữa, tất cả đều gạt ra ngoài, không bàn tới. Sau này, họ sẽ ôn lại chuyện chiến tận, kể cho con cháu nghe những vố chơi khăm bọn địch, những cuộc đột kích thọc sâu những đợt xung phong, những cuộc hành quân bắt buộc, cái đói và thuơng tích, nhưng bây giờ thì chưa phải lúc. Một số đã mất một cánh tay, một chân hoặc một mắt, bao ngưòi mang trên mình những vết sẹo sẽ còn hành hạ họ đau đớn những lúc trái nắng dở trời dù họ sống đến bảy muơi tuổi, nhưng mọi cái đó lúc này có vẻ như là chuyện vặt vãnh. Sau này tình thế sẽ khác đi.
Già cũng như trẻ, bẻm mép hay trầm lặng, điền chủ giàu có hay ngưòi nghèo rớt mồng tơi, tất cả đều có hai nét giống nhau: chấy rận và kiết lỵ. Nguời lính Liên bang đã quá quen với tình trạng chấy rận như sung của mình đến nỗi chẳng bao giờ nghĩ đến nó và cứ gãi sồn sột như không, ngay cả trước mặt phụ nữ. Còn bệnh kiết lỵ - mà các bà các cô gọi một cách tế nhị là chứng "xuất huyết" - duờng như nó không kiêng nể ai, từ anh binh nhì đến ông đại tướng. Bốn năm chết đói dở, bốn năm toàn ăn những thứ sống sít hoặc gần thối rữa đã tác động vào họ và tất cả những nguời lính dừng chân ở ấp Tara đều hoặc vừa mới qua khỏi một đợt kiết lỵ, hoặc đang bị cơn bệnh hành hạ.
- Trong cả quân đội Liên bang, chả ai có nấy một bộ duột nành nặn, Mammy lầm lầm nhận xét trong khi vã mồ hôi bên bếp lửa, sắc một thang thuốc đắng bằng rễ dâu tây, món thần duợc của bà Ellen để chữa bênh này. Tui đờ rằng không phải bọn Yankee đánh bại các cậu nhà ta, mà chính nà cái bộ nòng của các cậu ấy. Nàm sao mà đánh nhau được trong khi nòng duột nộn tùng phèo nhã ra thành nước.