New York, những ngày mưa nặng hạt
Tôi lại lần nữa để mình chìm vào những suy nghĩ vu vơ mỗi khi đêm về, khi từng cơn gió lạnh lần lượt thổi vào tầng gác mái trống trải của khu trọ tồi tàn. Làn khói thuốc cũng theo đó mà toả ra khắp căn phòng, khiến đôi mắt tôi bắt đầu nhoè đi.
Tôi là một nghệ sĩ cello, nói là nghệ sĩ nhưng thật ra tôi chỉ chơi cello tại một quán pub nằm sâu trong con hẻm cuối đường của khu phố đèn đỏ khét tiếng ở cái New York này. Nơi mà người ngoài sẽ cho là nhơ nhuốc, bẩn thỉu, nhưng đối với người ở đây, thì con phố này chính là biểu tượng của "cuộc sống về đêm" mà người dân ở đây hay ca ngợi.
Quán pub tôi làm khá nổi tiếng, mặc dù là một nơi rất nhỏ nhưng lại là nơi chỉ có giới thượng lưu mới cỏ thể lui tới. Nhiệm vụ của tôi chính là đệm đàn cho các vũ công, góp phần làm nóng không khí, phục vụ thính giác của những người mà ông chủ ở đây xem là khách quý.
Những người tới đây, mỗi đêm sẽ chơi trò đấu giá, ai trả cao hơn, người đó sẽ giành được một đêm với người vũ công trình diễn hôm đó, cả nam lẫn nữ, được tặng kèm cả rượu và một phòng riêng xa hoa để tiện làm những gì họ muốn.
11 giờ đêm, tôi lại khoác lên mình chiếc áo sơ mi bằng lụa cùng chiếc quần âu đen quen thuộc. Có điều áo của tôi hôm nay màu rượu vang, không phải là màu trắng như mọi ngày. Vì hôm nay ông chủ của tôi tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm của quán. Màu đỏ trầm sẽ là chủ đề cho ngày hôm nay. Vừa bước tới quán, tôi nghĩ mắt mình sẽ hỏng mất nếu phải ngồi kéo đàn trong vòng 3 tiếng đồng hồ tới. Cậu bartender thấy tôi liền nhếch miệng chào, tay đẩy ly nước ép dưa hấu về phía tôi. Trước giờ mở cửa, tôi thường hay ngồi ở quầy, trò chuyện cùng cậu, và vũ công của ngày hôm đó. Hôm nay là Cecilia, ông chủ cũng thật biết lựa người, ngày đặc biệt liền cho ngay nàng thơ nổi tiếng nhất của quán lên trình diễn. Tôi rất thân với cô ấy, lần đầu tiên tôi đến đây làm, cô ấy luôn miệng khen tôi rằng rất có tố chất. Cô bảo rằng cách tôi chơi đàn có gì đó thật mãnh liệt, khiến cô ấy thả mình vào những điệu múa nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút.
Ba chúng tôi cứ thế ngồi trò chuyện vui vẻ, cho đến khi ông chủ bước vào. Joshua Hong, người này ở độ tuổi 30 vẫn có một phong thái đầy trẻ trung và lịch lãm. Hắn chính là người đã chiêu mộ tôi đến nơi này.
Lần đầu tiên tôi gặp hắn là vào năm cuối đại học, khi học viện âm nhạc tổ chức buổi hoà nhạc lớn nhất thành phố, để mừng lễ ra mắt nhà hát mới thành lập. Tôi hôm đó may mắn được đưa giáo sư ưu ái cho diễn độc lập, đó là khi tôi lọt vào mắt xanh của hắn. Hắn ấy vậy mà quen biết giáo sư mà tôi kính trọng, sau đó liền tìm mọi cách để lôi kéo tôi về đây.
Thành thật mà nói, tôi luôn coi nơi này là chỗ mà những phú ông, phú bà cao quý đó, sống thật với bản chất ô uế của mình. Tôi căm ghét mùi của những điếu xì gà, những lời nói thô tục, và đặc biệt là mùi hoa hồng sấy khô quanh quẩn nơi đầu mũi. Cái mùi mà Joshua luôn cho là thuần khiết nhất.
Hắn bảo sẽ đảm bảo an toàn cho tôi, và cũng sẽ trả cho tôi một khoản kếch xù, chỉ cần khiến khách của hắn chìm đắm trong những âm thanh ngọt ngào, như lúc tôi biểu diễn ở nhà hát. Và hắn đã làm thật. Số tiền tôi nhận được mỗi đêm cũng không ít, mặc dù làm ở những nơi như thế này chỉ khiến tôi có cảm giác buồn nôn trong cổ họng. Cecilia từng nói khu phố đèn đỏ này, chỉ có nơi này mà cô có thể thoải mái gọi là ngôi nhà thứ hai của mình.
