-Ta nợ người một mùa hoa mai nở-
Có người từng khen y có một con mắt rất đẹp. Đôi lúc, nó trong trẻo, ngây ngô chẳng khác gì ánh mắt thuộc về hài tử chưa trải sự đời; lúc khác, nó lại trầm ấm, tĩnh lặng hệt lão tiên gia đắc đạo, sống ẩn dật gần nửa đời người trên núi. Ngoài ra, y còn sở hữu nụ cười rất đẹp, tới mức dù là vô tình hay cố ý, đều làm cho người có cơ hội chiêm ngưỡng nó trót dại tương tư cả một thời gian dài. Đáng tiếc, một thiếu niên ngọc thụ lâm phong từ dáng vẻ đến cử chỉ ấy, lại là một kỹ nam - một kỹ nam cực kỳ có danh tiếng trong thành.
Không ai biết tên gọi của kỹ nam là gì, càng không biết rõ người đó xuất thân đến từ đâu. Họ chỉ biết, nam nhân này ngoài mặt lúc nào cũng cười nói dịu dàng, đôi mắt híp chặt tựa trăng đêm mọc trên đỉnh thành, đẹp đẽ đến độ khiến thần tiên say đắm. Bởi vì y đối với ai cũng đều hòa nhã, nên họ liền tự tiện gọi y hai tiếng "Thanh Nhã". Thanh trong thanh tao, Nhã trong nhã nhặn. Hai từ này vừa vặn ghép lại thành một hồi sóng to gió lớn trong chốn lầu xanh má hồng. Người ta nói một kỹ nam đê tiện như y thì làm gì có cái gọi là cốt cách tao nhã, xem chừng chỉ là vật để người đời bỡn cợt trong tay.
Tú bà nghe xong, uất ức đi tìm Thanh Nhã hỏi cho ra lẽ, hỏi y vì sao phải nghe họ sỉ nhục mình, phải bán mình vào chốn khuất người cởi áo để mặc thế nhân khinh khi rẻ mạt. Thanh Nhã nhìn ra ngoài, thấy rèm hồng buông lơi trên khung cửa chưa đóng kín, còn có hoa tươi cắm kín cả một bình hoa họa tranh thủy mặc. Đèn vàng yếm đỏ, cầm ca bài bạc, cái gọi là sỉ nhục, người nói hả dạ còn người nghe đau lòng. Họa may y quay về thời điểm mười năm trước, chắc chắn sẽ bị những lời này chọc giận, sừng sững đập bàn đập ghế đòi dạy dỗ tên kia một trận ra trò. Khi đó y chẳng lo ngại gì cả, cứ vô tư vui vẻ rong chơi suốt một ngày dài. Tết đến, lắm lúc từ cửa chính ngó ra ngoài, thấy lão bản bày bán kẹo đường, treo giấy đỏ hoặc gắn lồng đèn đủ màu, y sẽ nằng nặc níu tay áo đòi mẹ dẫn ra chợ chơi cho bằng được.
"Nương ơi nương..." Dẫu cho bình thường người phụ nữ ấy có cứng rắn với y đến độ nào đi nữa, hai tiếng "nương ơi" vừa thoát ra khỏi miệng, tâm bà cũng bị tiếng gọi ngọt ngào đó đun thành hồng chín. Thành ra chỉ có thể phàn nàn đôi ba câu, rồi dắt tay thằng nhãi nghịch ngợm đi trẩy hội.
Buồn thay, năm đó hoa đào nở rộ cả một góc trời nhiễu nắng, năm nay chẳng hiểu vì sao dù sắc hồng đã thấm đượm muôn nơi, thì khi nhìn vào, lại hệt như tàn tro xám xịt. Hóa ra, cố nhân đi rồi, cảnh vật năm xưa cũng theo đó mà chóng phai, chỉ có người sau ngồi đây một lòng tưởng nhớ về thời xưa cũ, một lòng chối bỏ những gì đẹp nhất hiện tại.
"Lưỡi không xương nhưng đủ làm lòng người vỡ nát....Nàng nghĩ ta thực sự sẽ quan tâm đến những việc nhỏ nhặt như vậy sao."
Nghe Thanh Nhã đáp lời, tú bà miễn cưỡng nguôi giận, tiếp tục đi làm việc của mình. Ừ thì họ đều lớn cả rồi, lắm lúc có tức giận, có phẫn uất...nhưng rồi giống như những cơn gió thoảng ngoài kia, gió nổi lên rồi gió tắt, người uất xong rồi người nguôi, chứ nào còn giữ lại chấp niệm một lòng thù hằn như trước; hoặc có khi chính họ biết rõ, họ đâu có tư cách gì để đối chọi với dân chúng.
YOU ARE READING
Phong hoa tuyết nguyệt
Short Story"Phong hoa tuyết nguyệt" "Phong" của gió, "Hoa" của hoa, "Tuyết" của tuyết và "Nguyệt" của trăng. Phong Hoa Tuyết Nguyệt, ngụ ý chỉ cảnh thiên nhiên, nhưng đối với tác giả, đó không chỉ là cảnh, mà còn là tình. Tình trong nhiều loại tình, mỗi loại t...