CÁC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG RA MẮT Ở HÀ NỘI TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

1 0 0
                                    

I. GIẢI TỎA QUÂN NHẬT BAO VÂY TRẠI BẢO AN BINH HÀNG BÀI

Trưa ngày 19/8, ngay sau khi có hiệu lệnh của ủy ban Quân sự cách mạng (tức ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội), các chiến sĩ Việt Minh, Tuyên truyền Xung phong, đội Danh dự, tự vệ, cùng với đông đảo quần chúng đã ào lên bao vây và xông vào chiếm phủ Khâm sai và tiếp sau đó chiếm Tòa Thị chính...

Đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình và tôi - Lê Trọng Nghĩa - đã vào trong phủ Khâm sai. Đồng chí* Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) chiếm Tòa Thị chính...

Ở hướng trại Bảo an binh, phố Hàng Bài, đồng chí Nguyễn Quyết cũng đã vào trại, thu phục người chỉ huy Bảo an, cho chiếm và phân phát kho súng. Đến lúc đó mới thấy quân đội Nhật cho một đơn vị có xe tăng, súng máy, rầm rầm kéo ra bao vây và kiểm soát các phố bao quanh trại. Anh Nguyễn Quyết từ trong trại gọi dây nói yêu cầu giúp giải quyết.

Tinh hình trở nên nghiêm trọng. Trại Bảo an binh với độ 2.000 lính vũ trang và kho súng là một trong hai mục tiêu nhất thiết ta phải chiếm kỳ được ngay từ những giờ đầu. Nhưng người Nhật không thể để trại và kho súng rơi vào tay Việt Minh khi ấy còn đang trong tình thế đối đầu với họ, mặc dù có tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Tinh thế có thể dẫn đến đàn áp, xung đột vũ trang, điều mà ủy ban Khởi nghĩa lúc ấy không dự kiến chuẩn bị đối phó tích cực.

Trong tình huống cấp bách đó, các anh Khang, Bình và tôi đã nhanh chóng quyết định để tôi đi gặp chỉ huy quân Nhật. Tôi cho lấy một trong hai xe limuzin đen của phủ Khâm sai, cho cắm cờ đỏ sao vàng, cờ Việt Minh, rồi từ đó tiến ra Bờ Hổ, thẳng xuống đường Hàng Bài, vào khu vực Nhật kiểm soát, đến trước rạp chiếu bóng Mạịestic (rạp Tháng Tám bây giờ) và gặp người chỉ huy Nhật ở đó.

Thấy có xe cắm cờ Việt Minh tới, một số đông đồng bào trên phố lúc trước đã dãn ra, đến vây chung quanh hoan hô cổ vũ, khí thế đấu tranh mãnh liệt.

Sau phút tiếp xúc căng thẳng ban đầu, giữa những tiếng hô và hò la không ngớt của đồng bào, tôi nói với người sĩ quan Nhật: trại Bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai người Việt và người Nhật sắp về nước rồi, vậy không nên can thiệp vì chúng tôi không động chạm gì tới người Nhật.

Viên sĩ quan không hung hăng sừng sổ như trước đấy họ thường làm, anh ta phàn nàn bị dân chúng ném đá nhưng cuối cùng đã chấp nhận cho rút quân về doanh trại. Nhưng nói thêm:

- Các ông phải nói chuyện với cấp trên của chúng tôi!

Tôi chợt hiểu: "À, họ muốn nói chuyện!"

Như thế là vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều, trại Bảo an binh Hàng Bài đã được giải tỏa. Các mục tiêu đề ra: Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính và trại Bảo an binh đã được chiếm xong. Những người cầm đầu chủ chốt cơ quan chính trị, hành chính và quân sự chính quyền cũ (các ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai, quan ba Thụ) đã được tạm giữ hoặc được thu phục.

Cuộc giành chính quyền đã diễn ra nhanh chóng, tương đối gọn và không nổ ra xung đột, không đổ máu. Qua điều đình thương lượng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của đồng bào dân phố, ta đã giải tỏa một cách êm thấm cuộc bao vây trại Bảo an binh của quân đội Nhật, ngăn chặn được cuộc can thiệp vũ trang mới chớm khởi đầu và có cơ nổ ra xung đột, sẽ tạo ra một tình huống phức tạp, cực kỳ nguy hại cho cuộc nổi dậy lúc ấy.

Sau này chúng tôi mới biết là đến ngày 21, tập đoàn quân 38 của Nhật với hơn một vạn quân đóng giữ vùng quanh Hà Nội, mới nhận được lệnh ngừng bắn. Vì vậy, trước đó, trong những ngày 17, 18, 19 quân đội Nhật vẫn có đủ lý do để nổ súng can thiệp, hoặc để tự vệ, hoặc để giữ an ninh, trật tự công cộng ở địa phương mà họ chịu trách nhiệm cho đến khi quân đội Đồng minh đến tiếp quản.

Việc ngăn chặn được cuộc can thiệp của quân đội Nhật, đã giúp thêm cho ta "chinh phục" được một cách êm thấm, lực lượng Bảo an binh, công cụ đàn áp vũ trang duy nhất còn lại lúc đó của chính quyền cũ ở Hà Nội. Còn lực lượng cảnh sát thì đã bị ta khống chế và chi phối qua viên giám đốc, anh Lê Văn Lăng, đã bí mật đi theo Việt Minh từ trước.

Cuộc nổi dậy của nhân dân Hà Nội về cơ bản đã giành được thắng lợi. Và điều đáng ghi nhận là không qua đụng độ bạo lực vũ trang với chính quyền "bù nhìn" và quân đội Nhật.

Qua kinh nghiệm giải quyết tốt được sự kiện ở trại Bảo an binh; lại thấy đến lúc ấy, quân Nhật vẫn giữ một thái độ chập chờn, có phản ứng nhưng không quyết liệt và có khả năng điều đình, thương lượng nên Thường vụ Xứ ủy, các đồng chí Trần Tử Binh, Nguyễn Khang đã nhanh chóng quyết định cử tôi và anh Trần Đình Long phải tìm gặp ngay các nhà chức trách cao cấp chính trị, quân sự Nhật. Chỉ có một việc là chính thức nói được cho họ biết rõ chủ trương của ta không đụng đến người Nhật, để họ yên tâm và không cản trở hoạt động của ta.

Bấy giờ không ai nói đến các chủ trương như "vô hiệu hóa, cô lập hay trung lập hóa" cũng như đường lối "thương lượng" hay "đối thoại" và chúng tôi cũng chẳng có ý muốn điều đình với Nhật để kiếm vũ khí.

Cũng trong đêm đó, theo trình tự công việc đã được chỉ dẫn cụ thể trong chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương, sau khi đã giải phóng một địa phương thì cho lập ngay ủy ban nhân dân Cách mạng, cơ cấu chính quyền mới của dân, Thường vụ Xứ cũng xúc tiến bàn việc lập Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội.

Từ Hỏa Lò đến phủ Khâm Sai Bắc BộNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ