Mưa to đúng hạn tới, việc xây dựng nhà đá tạm thời ngừng lại, phần lớn những người ở lại trong bộ lạc đều vào sơn động đục đá, cành cây, cỏ bị cắt xuống cũng có thể đặt trong động phơi khô, đợi mưa tạnh liền dồn sức đem che lên nhà ở cho xong. Còn một ít người thì ở lại trong nhà đá của mình, người thì mài dụng cụ, người thì dệt vải. Khổ nhất là người ra ngoài săn bắt, phải dầm mưa cả ngày. Cơ thể thú nhân cường tráng thì không cần lo, mà họ cũng đã quen, thế nhưng á thú lại không chịu được, rất dễ bị cảm lạnh. Nhưng thời tiết lúc này lại là lúc hái trái cây tốt nhất, chờ khi mưa tạnh, trái cây cũng đều bị rụng nát, nên không thể không đi.
Bách Nhĩ nghĩ một lát, liền gọi lão Thác và A Chức vào, mô tả hình dáng và tác dụng của nón và áo mưa. Hai người hiểu ý, chỉ cần hình dạng, bảo họ làm ra là không khó. Lão Thác dùng nan trúc và lá trúc đan thành cái nón, bởi vì nghĩ tới đi qua rừng núi không dễ, nên ông sửa mái nón lại cho nhỏ, ở dưới lại làm thêm một đoạn tua rua, để choàng lên hai vai và sau lưng, ngừa mưa rơi vào trong cổ. A Chức dùng một loại cỏ phơi khô có tính chắc, bền làm áo mưa theo hình thức quần áo, đan rất dày, vừa phòng mưa vừa giữ ấm, mùa tuyết rơi cũng có thể dùng. Sau khi làm xong, A Chức liền thử mặc áo mưa, đội nón đi trong mưa một vòng, lúc trở về y liền mỉm cười. Sau khi cởi ra, ngoại trừ đôi chân trần, thì chỗ khác đều khô ráo. Vì thế lập tức kêu mười mấy thú nhân và á thú khéo tay đã làm cùng lão Thác thời gian dài tiếp tục làm thêm, mất năm ngày thì làm ra hai mươi bộ nón lá, áo mưa, cho thú nhân và á thú thay phiên mặc ra ngoài. Bởi vì nguyên liệu không đủ, muốn mỗi người một bộ thì phải đợi mưa ngừng rồi mới tính tiếp được.
Còn chân, vô luận là thú nhân hay á thú đều quen đi chân trần trong mùa mưa, Bách Nhĩ ngược lại khiến lão Thác làm ra mấy đôi dép gỗ và giày rơm, đáng tiếc cuối cùng chỉ có mình y đi. Mà y cũng lười tốn công thuyết phục họ.
Năm ngày làm áo mưa và nón lá, các á thú cũng chưa đi ra ngoài, bỗng dưng dừng ăn thịt, họ cũng đã sớm đứng ngồi không yên, vừa nghe tin có thể ra ngoài, mười ba nhóm trưởng xém nữa tranh nhau vỡ đầu. Nếu dựa theo trình tự sắp xếp trước kia, lần này là đến lượt nhóm của A Đề, nhưng y đấu không nổi tính ngang ngược, độc đoán của Hồng Dật, cuối cùng A Đề không thể không chịu thua mà lui xuống.
Hai mươi bộ đồ che mưa là tính cả luôn thú nhân, thế nhưng các thú nhân đi săn tùy lúc còn cần hóa thành hình thú, cảm thấy không tiện, nên chẳng ai mặc. Cuối cùng Đồ đơn giản bảo Tát mang nhóm ra ngoài săn bắt trước, còn hắn thì dẫn một đội thú nhân khác che chở á thú ở lân cận hái trái cây và rau dại, bởi vì không cần ở lại dựng phòng ốc, nên sắp xếp như vậy cũng không trì hoãn cái gì. Một thời gian sau này không thể dựng phòng đều sắp xếp như vậy, không cần lại phải đợi á thú hái xong trái cây nữa, các thú nhân đi săn có thể chủ động tìm kiếm con mồi, tiện thể trở về luôn nên càng ngày càng về sớm hơn, mà á thú cũng không cần chạy theo thú nhân khắp nơi, tìm tới một chỗ, liền có thể hái đầy vào trong sọt, hiệu suất cũng tăng gấp bội, hai bên đều không làm chậm trễ việc của nhau.
Bởi vì mưa quá lớn, lo mấy cây trồng dưới ruộng sẽ bị nước mưa xối chết, các thú nhân lại đội mưa dựng một cái khung trên mảnh ruộng, trải chiếu đan bằng cỏ lên. Chờ mặt trời mọc thì lại cuộn vào.
BẠN ĐANG ĐỌC
XUYÊN VIỆT THÚ NHÂN CHI TƯỚNG
Ficção Geral* Bản chuyển ngữ thuộc về wordpress Blackrose https://blackrose102.wordpress.com/2014/02/23/muc-luc-xuyen-viet-thu-nhan-chi-tuong/ * Mình reup để đọc offline và có beta lại một chút Tác giả: Nhạn Quá Thanh Thiên Thể loại: xuyên việt, thú nhân, ch...