ba.

353 59 0
                                    

Những ngày sau đó, đám yêu tinh, những linh hồn và tất thảy hình nhân méo mó làm việc trong tòa lâu đài địa phủ đều nhìn rõ cảnh Persephone quấn quýt Hades hơn bao giờ hết, dẫu chỉ vài ngày trước đó thôi, em còn ưa giam mình trong căn phòng châu báu đến mức quên ăn, quên ngủ.

Mà Yeonjun nào phải vị thần của sự tham lam. Từ sau khi nếm thử trái ngọt từ địa ngục ấy, quãng thời gian của em ở trần thế đã bị rút ngắn. Ba tháng trôi qua như một cái chớp mắt [1], vị thần mùa xuân càng lao tâm khổ tứ nghĩ cách vỗ về nhân loại. Của cải chôn sâu dưới lòng đất, những mỏ vàng, mỏ bạc ẩn giấu, Persephone đều xin Hades cho chất lên xe ngựa, đem ban phát cho kẻ cần. Như Prometheus dám cả gan đem lửa để khai thông tri thức cho loài người, Persephone trở về, mang lại sự sưởi ấm, sự nhuộm xanh chín mặt đất. [2] Loài người mang ơn Persephone. Ơn càng đậm sâu, trọng trách của thần càng nặng nề.

Song, Soobin nghĩ đó là cái cớ để em tránh khỏi những phút giây gần gũi bên ngài. Địa phủ luôn tối tăm, lạnh lẽo, đâu như bầu trời của Zeus, đâu như biển cả của Poseidon. Những đóa hoa của Yeonjun thiếu đi ánh sáng, chúng tàn úa, héo mòn, rơi vương vãi, như thứ rác rến mà con người thải ra mặt đất. Nếu trong chuyến du hành dương gian, bộ thần phục của em nở rộ trở lại, rực rỡ, đẹp xinh, ngát hương hoa cỏ - thì ngay khi vừa bước chân xuống cổng âm ti, bầu trời đen đặc lập tức giày xéo những gì em cất công gìn giữ. Cây quyền trượng của em - bông cúc bất tử cụp xuống, rã nát, những cánh hoa lởm chởm như bị ai độc ác ngắt đi. Bó lúa mà em ôm, thứ mà nhân loại thờ cúng Persephone vì, cũng chẳng chống đỡ nổi lẽ đương nhiên của vũ trụ.

Persephone căm hận Hades vì lẽ ấy, ngài hiểu chứ.

Đã bao lâu, Soobin không còn được nghe những câu đùa ngọt nhạt, những khúc ngân ngẫu hứng từ bờ môi? Đã bao lâu, đôi chân của Yeonjun không còn nhảy múa, dạo chơi, không còn ban cho thiên hạ cái đặc ân được xem em độc tấu khúc chiêu hồn những đóa hoa thanh khiết?

Em không cười khi bước lên lễ đường chăng kín những bạc, những vàng, những viên pha lê ngài lấy từ lòng đất. Em không rưng rưng khi ngài nắm lấy tay em, lồng vào chiếc nhẫn được đúc từ quặng sâu ba vạn dặm dưới đáy biển. Persephone của ngài trơ ra như gỗ đá. Theo sau là những cự cãi. Theo sau là những trốn tránh, chui lủi, theo sau là hàng giờ giấu mình sau bốn bức tường cao.

Hades thắng được thân xác của Persephone, nhưng không thắng được linh hồn.

Ấy vậy mà, trở về từ bữa tiệc nọ, Yeonjun dường như đổi khác. Em quấn lấy ngài, vương vấn không rời. Lần đầu trong rất nhiều năm, yêu tinh phục dịch được nhìn thấy Persephone ngự trên chiếc ngai vàng đặt cạnh Hades, dự phiên xét xử những vong hồn đọa đày nơi địa phủ.

Bản án giáng xuống không còn nặng nề như trước. Lòng nhân từ của Persephone đã lay động, đã thắp sáng cái tối mịt, vặn vẹo trong linh hồn đám tội nhân.

"Cổng tái sinh [3] chưa bao giờ đông đúc như thế." Đám yêu tinh chụm những đôi tai nhọn hoắt lại, bàn luận. "Ngày nào cũng thấy có linh hồn tới."

Cổng tái sinh, nằm ở hướng ngược lại với dòng sông Styx, là nơi dành cho những kẻ đã biết quay đầu về chính đạo, đã sẵn sàng cho cuộc đời mới. Chỉ độc một khe nứt trên bức tường thành bằng đá, hướng tới bầu trời xanh. Cổng tái sinh được tạo nên khi Hades hiến tế một vạn con mắt yêu tinh, vì, theo quan niệm từ xưa, đôi mắt luôn dẫn đường cho vạn vật đến với ánh sáng.

Đó là sự nhân đạo hiếm hoi của Hades; ngài cho rằng, mỗi tội nhân đều xứng đáng có cơ hội thứ hai. Nhưng vì, đạo luật địa ngục quá khắt khe, không mấy linh hồn làm nổi những điều: ăn năn, hối cải, giữ mình, nên cổng tái sinh dường như vắng lặng, heo hút hơn cả.

Khi Yeonjun đề nghị cải tạo cổng tái sinh, ngài gạt phăng đi, dẫu đang ở trong vòng tay âu yếm của em, tận hưởng cái tình thương mà ngài hằng mong mỏi từ khi lấy em về. Bởi, trang hoàng bằng cái gì đây? Hỏa ngục trên những ngọn đuốc? Ngài điên sao, lũ vong hồn sợ chết khiếp chúng.

Mà hoa, hoa của thần mùa xuân, lại chẳng mọc nổi ở địa ngục.

[1] Trong thần thoại, Persephone sẽ ở bên Hades ba tháng, và ở dương thế trong những ngày còn lại. Nhưng mình muốn Persephone ở bên Hades nhiều hơn, nên đã đảo ngược đoạn này lại.

[2] Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, tr.554.

[3] Một sản phẩm của trí tưởng tượng, không có trong thần thoại Hy Lạp.

[⭒✩✭00:00⚝彡⭒] soojun | màn trời xẻ toạcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ