Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987, tuy nhiên bị cấm xuất bản nhiều năm liền cho đến năm 2005, đơn giản vì đây là một tác phẩm về chiến tranh chẳng giống bất kỳ tác phẩm cùng thời nào khác. Nói về tác phẩm, nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi đây là "thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".
Chiến tranh như ta thường biết là một cái gì đó cao đẹp, hào hùng, vinh quang lắm, rằng chiến sĩ ta chỉ có anh dũng, bất khuất, ngoan cường trước mọi hy sinh. Ngoài đó ra, những điều khác chẳng mấy khi được chạm đến, thành ra độ phổ biến của tác phẩm trong nền văn hóa đại chúng vẫn còn rất hạn chế. Về điểm này, cá nhân tôi thực sự cảm thấy chưa thỏa đáng bởi cuốn sách là một cái gì đó rất đặc biệt, rất hoàn thiện, rất sâu sắc. Đọc sách, ta nhìn thấu bộ mặt thật của chiến tranh, hiểu một thế hệ người, và ta cám ơn hòa bình ta đang có.
Nỗi Buồn Chiến Tranh là hồi ức của một người lính tên Kiên và cuộc đời anh trước, giữa và sau cuộc chiến tranh Việt Nam vào những năm 60 – 70. Từ đầu đến cuối, truyện kể không theo một trình tự cụ thể nào, nhưng không hề kể lể lan man. Ngòi bút của tác giả lại công bình, chẳng thiên vị bên nào mà chỉ làm tròn trọng trách phơi bày ra chân thực tất thảy nỗi đau của một người làm lính. Từ những năm mới lớn dưới trời Hà Nội, mười một năm tham chiến ác liệt, cho đến những hậu quả, ám ảnh day dứt vì thân phận sống sót trở về từ cuộc chiến, người đọc theo Kiên mở từ vùng ký ức này đến chạm vùng ký ức khác, khắc nên bức tranh chung đầy đau đớn, trầm buồn miên man về số phận người trẻ thời này.
Thân phận người lính
Nhìn chung, cuộc đời Kiên cũng chính là cuộc đời của bao thân phận người lính cùng thời khác – những thanh niên mới lớn chưa kịp trải đời đã bị ném vào những chuỗi ngày dài vung tay chém giết và chứng kiến chết chóc bất tận. Hậu quả là khi trở về, anh ta mất hết ý niệm về danh tính của mình lẫn khả năng sống tiếp một cuộc đời bình thường, vì bạn bè, đồng đội lẫn gia đình của anh đều đã chết.
Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá.
Ngủ thì ác mộng ùa về từng cơn. Không ngủ thì từng ký ức về hết người này đến người khác cứ ùa về sống động trước mắt anh ta. Cái giá phải trả cho việc sống sót mà vượt qua chiến tranh là cực kỳ đắt.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Knowledge] Văn Học Việt Nam
RandomVăn học Việt Nam là một. Đối với đại đa phần người đọc, bình thường và nói chung, điều ấy là lẽ đương nhiên. Một tác phẩm văn học hay, hoặc không nhất thiết phải rất hay mà chỉ cần là đáng đọc thôi, do một người Việt sáng tác bằng Tiếng Việt và xuất...