[Văn học Hậu Hiện Đại] Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường

3 1 0
                                    

NHỮNG BÓNG MA TRONG MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA (NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG)

Rất tiếc! Hình ảnh này không tuân theo hướng dẫn nội dung. Để tiếp tục đăng tải, vui lòng xóa hoặc tải lên một hình ảnh khác.

NHỮNG BÓNG MA TRONG MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA (NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG)

Năm 1990, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho ra mắt tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, lấy bối cảnh nông thôn ở miền Bắc Việt Nam trong thời kì Đổi Mới. Trọng tâm tác phẩm xoay quanh mối thù lâu đời lẫn những đấu đá trong chính quyền giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá. 

Khởi đầu của mâu thuẫn chính là ông cha Trịnh Bá Hoành nghi ngờ ông Vũ Đình Đại rạch tấm tranh thần Hổ của dòng họ mình, và ông thề sẽ "không thể đi chung đường, ngồi chung chiếu" với dòng họ Vũ. Mối thù này tiếp tục kéo dài tới thời ông Trịnh Bá Hàm, lại cộng thêm việc bà Son vợ ông Hàm từng có mối tình sâu nặng với ông Vũ Đình Phúc làm cho ông Hàm căm hận nhà ông Phúc đến tận xương tủy. Hai dòng họ hết lần này đến lần khác dùng mọi chiêu trò đến mức có thể gọi là bẩn thỉu, từ "trò dương" đến "trò âm" để hạ bệ bên kia. Nhưng cả hai bên đều không ngờ rằng, trong xung đột giữa họ lại nảy nở tình cảm nồng thắm của Tùng (cháu ông Phúc) và Đào (con ông Hàm). Mặc dù giữa họ xảy ra hiểu lầm từ sau khi Tùng phá âm mưu lật mộ của ông Hàm nhưng đến cuối tác phẩm, nhờ cầu nối là Minh mà hai người "đã chập vào nhau làm một". 

Song song với những câu chuyện xoay quanh hai dòng họ lớn ở Giếng Chùa là những vấn đề nảy sinh trong đời sống ở nông thôn: cha con đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, tranh chấp đất đai, tín ngưỡng dân gian, những phận người khốn cùng, mối tình giữa ông Quản Ngư và bà Đồ Ngật. Ở chương cuối tác phẩm, cư dân ở Giếng Chùa đang chuẩn bị cho một kế hoạch nào đó, dự báo cho một cuộc đối đầu thẳng thắn về vấn đề đất đai.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh từng có lần đề nghị sửa tên cuốn tiểu thuyết thành "Mảnh đất ít người nhiều ma". Quả đúng như vậy. Những bóng ma hiện hình đầy rẫy trong tác phẩm, ma quỷ theo nghĩa đen cũng có, ma quỷ theo nghĩa bóng cũng có, nhiều tới mức lấn át nơi trần gian, người thì đếm trên đầu ngón tay còn ma quỷ nhìn chỗ nào cũng thấy có bóng lảng vảng.

Bóng ma đói khát

Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, xóm Giếng Chùa đã hiện lên với bộ dạng xác xơ, tiêu điều. Vốn là "xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã", với cổng làng to đứng sừng sững, những con đường làng lát gạch phẳng phiu, song nơi này cũng phải chịu thua khi cái đói quét qua, làm người khi ghé qua xem phải ngạc nhiên mà thốt lên "không dè". Những bà đồ Ngật, ông Quản Ngư, những người ngày thường vốn là đại gia của xóm, "quen ăn trắng mắc trơn" "Bộ dạng rõ là coi tiền bạc chẳng ra gì", bây giờ phải sờ đến cả những thứ như bánh ngô, cám mà thường ngày họ vẫn coi là thức ăn cho gà cho lợn. 

[Knowledge] Văn Học Việt NamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ