Đến xã, phú ông phải thuê người kéo xe tới nhà ông xã trưởng, chứ Lợn có biết nhà xã trưởng là ở đâu đâu, phú ông dúi cho Lợn ít tiền kêu Lợn cứ tìm đại quán cóc nào đó mà tấp vô, nhất định phải chờ ông ở chỗ này, đợi khi ông đi rồi, Lợn mới chạy đến một tiệm thuốc đông y, Lợn hay ghé tiệm này mua thuốc cho bu, tiệm thuốc này không lớn không nhỏ nhưng có ông thầy lang bốc thuốc mát tay. Bệnh tình của bu Thắm cũng thuyên giảm đôi chút, Lợn không quên đem theo một mẩu thuốc nhỏ của con Mận đưa, ông thầy lang ngửi thử, rồi khẳng định chắc nịch.
- Trong đây có cần sa, rõ ràng không phải thuốc của ta kê.
Lợn gật đầu đồng tình.
- Con cũng ngửi ra mùi cần sa, nhưng muốn thẩm định lại một lần nữa cho chắc.
- Không biết là ai đã kê ra đơn thuốc này, đúng là quân giết người không cần dùng dao mà.
Lợn kĩ lưỡng cất mẩu thuốc vào trong túi quần, dặn thầy lang đừng kể chuyện này ra cho bất kì ai nghe, đoạn, bốc thuốc xong xuôi Lợn bước chân ra khỏi cửa tiệm đã gặp được người quen, thì ra là cô Lựu, con gái của chủ quán nước vối lần trước đây mà, trên tay cô Lựu đang xách cái giỏ đi chợ, bên trong giỏ là con cá chép to tướng, Lựu vừa thấy Lợn từ tiệm thuốc bước ra, đã hỏi thăm.
- Lợn bị ốm hả?
- Không phải, tui bốc thuốc cho bu của tui.
- À thì ra là vậy, làm tui tưởng đâu Lợn ốm đau gì chớ, tui lo sốt vó luôn ý.
- Chị đi đâu đây? Con cá to thiệt.
Lợn chỉ vào cái giỏ của Lựu.
- Cá này bu tui dặn tui mua á, bu tui thèm ăn cháo cá chép đậu xanh ấy mà.
Thật ra là Lựu thèm, nhưng trước mặt Lợn thì đương nhiên phải nói bu thèm rồi, để giữ hình tượng một chút ý mà.
- Ừa vậy chị về lẹ đi, kẻo bu chị trông.
Lợn không định dây dưa gì nhiều, bởi vì cô Lựu nhiệt tình quá mức nên Lợn thấy hơi sợ sợ mỗi lần hai người tiếp xúc với nhau, tính đánh bài chuồn rồi mà bị cô Lựu nhanh chóng kéo lại.
- Ấy khoan, đã tới đây rồi thì ghé quán tui uống một cốc nước vối rồi về.
- Không được đâu, tui vừa bốc thuốc cho bu xong, tiền hết nhẵn rồi.
Lợn nói xạo đấy, tiền hồi nãy phú ông đưa Lợn đâu có dám xài đồng nào đâu, Lợn chỉ lấy đó làm lí do để từ chối khéo thôi, nhưng có lẽ Lợn tính không bằng Lựu tính.
- Xì, tui cho Lợn uống chịu, khi nào có tiền thì Lợn trả cho tui.
- Như vậy thì kì lắm, dù sao thì cũng cảm ơn lòng tốt của chị.
- Lợn cứ để tui kéo tay như vậy giữa đường thì mới là kì đó, coi mọi người đang nhìn hai đứa mình kìa.
Thấy mọi người xung quanh đang nhìn chằm chằm vào hai người họ như vậy, Lợn ái ngại kéo tay cô Lựu ra khỏi người mình, trời cũng nắng chang chang, phú ông chắc cũng tới chiều mới về, Lợn bất đắc dĩ phải ghé quán của cô Lựu, nói nào ngay quán nước nhà họ cũng ế khách hổm rày, vừa thấy con gái kéo được khách về là bu của Lựu đã niềm nở đón khách từ xa.
Lựu bảo Lợn ngồi bên ngoài đợi để cô vào trong mang nước ra, Lựu bảo sao thì nghe vậy thôi, hai bu con ở bên trong xì xào to nhỏ.
- Bu thấy người đó thế nào hả bu.
- Bu còn lạ gì mày nữa đâu, đúng là có con gái không để được lâu trong nhà mà.
- Bu lại chọc con, con chỉ muốn hỏi là bu thấy người ta như thế nào thôi.
- Đẹp trai, cao ráo mà có một chỗ bu thấy không ưng nha.
Vừa nghe bu nói có chỗ không ưng, mặt của Lựu đã như đưa đò, cố gặng hỏi bu cho bằng được.
- Bu thấy không ưng chỗ nào ạ?
Bu của Lựu vừa châm nước vối vừa thung dung trả lời con gái.
- Đàn ông đàn ang gì mà da trắng như trứng gà bóc, dáng đứng dáng ngồi lại ẻo lả, nom có vẻ yếu đuối.
- Mỗi người mỗi khác chứ bu, con thì lại thích mẫu người hiền lành thư sinh như vậy nè, chứ ai lại như cái thằng cha Điệp con bà bán cá kia, cao to, đen, tuy không hôi nhưng mà ăn nói thô kệch, vô duyên.
- Bu thì lại thích mẫu người thật thà, chất phác như thằng Điệp, ăn nói mạnh dạn, cao to lực lưỡng một chút, đàn ông thì phải như vậy mới yên tâm, bu thấy thằng Điệp nó thương bây thật lòng.
- Nhưng mà con không thích ổng, bu hiểu không? Đàn ông đàn ang gì mười tám mười chín tuổi vẫn chưa lấy vợ, đúng là có vấn đề.
- Không phải nó vẫn luôn đợi bây sao, bây giờ thử ừ một cái coi mai bu con nó qua hỏi cưới liền không cho mà biết.
- Ai thèm lấy? Con có anh Lợn của con rồi.
- Người ta nhỏ hơn bây hai tuổi lận đấy, anh với chả em nghe không biết ngượng mồm gì sất.
- Bu chưa nghe nói câu "Nhất gái lớn hai nhì trai lớn một" à?.
- Thế bây có nghe qua câu "Chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần" chưa?
- Mệt bu quá, con đem nước ra cho khách đây.
Biết mình cãi không bao giờ qua bu nên Lựu kiếm cớ cắt ngang cuộc trò chuyện, chợt Lựu sửa soạn lại tóc tai rồi bưng nước ra cho Lợn, bu của Lựu chỉ nhìn con gái rồi lắc đầu ngao ngán.
Cái Lựu nhà bà đã thích thằng Lợn như vậy rồi, bà biết ngăn cấm như nào đây.
BẠN ĐANG ĐỌC
Cậu Hai Nhà Họ Bùi
Художественная прозаThầy mất sớm, bu bệnh tật liên miên, Lợn phải kí vào giấy bán thân cho phú ông để trả hết khoản nợ năm xưa thầy bu của Lợn đã vay, công việc của Lợn là theo hầu cậu Hai nhà phú ông, cậu Hai Độ, lớn hơn Lợn ba tuổi, nổi tiếng khó tính, mà dường như n...