Chương 22: Gió thổi trên mọi nẻo đường

66 2 0
                                    



Đường đến nhà mẹ của Trịnh Thanh Sơn giống như trong tưởng tưọng của Trần Kiêu .

Hai bên đường rộng rãi cây xanh, những căn biệt thự lấp ló phía sườn núi. Lăng Thành không có nhiều gia đình quyền quý, vì vậy khu vực này rất yên tĩnh vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng có vài người dẫn chó đi dạo.

Trịnh Thanh Sơn lái xe một vòng rồi mới vào gara ngầm.

Khi đến trước cửa nhà họ Trịnh, Trần Kiêu đột nhiên căng thẳng.

Trịnh Thanh Sơn liếc nhìn cô: "Sao vậy?"

Cô mím môi dưới, xoa hai tay vào nhau rồi trả lời: "Không ngờ lại gặp mẹ cậu nhanh như vậy, thậm chí còn không kịp chuẩn bị quà gặp mặt."

"Không cần lo lắng." Trịnh Thanh Sơn khẽ mỉm cười, "Bà ấy chỉ thích có người đến trò chuyện cùng mình."

"Nhưng mà..."

"Cậu đến thăm là mẹ tôi đã rất vui rồi."

Trần Kiêu nhìn anh, không nói thêm gì nữa.

Anh cụp mắt xuống, mỉm cười dịu dàng, cô không phân biệt được, là do trong mắt anh phản chiếu hình bóng mình hay là vì đáy mắt anh đang chứa ý cười.

Anh mở cửa, dẫn cô vào, đi qua khu vườn phía trước, lên tiếng chào người làm vườn đang tỉa cành.

Dưới mái hiên cách đó không xa, một người phụ nữ quý phái đeo kính râm đang chậm rãi uống trà từ chiếc tách trà kiểu cổ điển.

Trịnh Thanh Sơn gọi bà một tiếng "mẹ".

Trần Kiêu đi theo, lễ phép gọi: "Chào dì."

Đó là lần đầu tiên Trần Kiêu gặp mẹ Trịnh Thanh Sơn.

Giống như anh, dù đã có tuổi, trên mặt bà vẫn là nét đẹp rạng ngời, ấn tượng đầu tiên chính là sự lạnh lùng xa cách.

Nhưng bà Trịnh không giống như cô phán đoán, rất ân cần dẫn cô vào phòng khách.

Bà pha cho Trần Kiêu một tách trà nóng, liếc nhìn Trịnh Thanh Sơn, cao giọng nói: "Đừng cản đường mẹ và cô Trần, con cứ đi làm chuyện của con đi."

Nói xong, bà Trịnh quay lại nói: "Trần tiểu thư tên là Trần Kiêu phải không?"

Trần Kiêu khẽ gật đầu.

Nụ cười của bà càng sâu hơn.

Trịnh Thanh Sơn bất đắc dĩ mỉm cười.

Anh khom lưng ghé sát người cô, khoảng cách không quá gần, cũng sẽ không làm cho người ta khó chịu phản cảm, thì thầm vào tai cô: "Đừng lo, tính tình mẹ tôi không tệ đâu. Nếu cậu cảm thấy không thoải mái thì cứ nhắn tin cho tôi nhé."

Trần Kiêu nhướng mi, bình tĩnh gật đầu.

Sau đó Trịnh Thanh Sơn bước ra ngoài.

Hơi thở của anh tản bớt, Trần Kiêu ngẩng đầu nhìn về hướng anh rời đi.

Trần Kiêu và bà Trịnh trò chuyện rất vui vẻ, hào hứng thảo luận phong cách và gu thẩm mỹ cho thiết kế sắp tới.

Trước buổi trưa, cô lấy xong số đo của bà Trịnh, trong đầu đã nảy ra ý tưởng về bản phác thảo.

Sau khi xong việc, cô giúp việc mời hai người xuống ăn cơm trưa.

Trần Kiêu cảm thấy thân phận của mình đứng ở đây có chút lúng túng, chuẩn bị rời đi, nhưng không cưỡng lại được sự nhiệt tình của bà Trịnh nên đành thuận theo bà, đi đến phòng ăn.

Trịnh Thanh Sơn cũng ngồi bên cạnh, múc cho cô nửa chén canh ngân nhĩ giải nhiệt.

Trần Kiêu vẫn cảm thấy không thoải mái nên ăn không nhiều.

Ăn trưa xong, cô cùng Trịnh Thanh Sơn xuống núi, đường xuống núi khá xa nên cô bắt đầu thảo luận với anh ý tưởng về chiếc váy và nhờ anh góp ý.

Trịnh Thanh Sơn kiên nhẫn lắng nghe và thỉnh thoảng đưa ra một số gợi ý.

Gió trên núi ấm áp trong lành, vừa mở cửa sổ là có thể cảm nhận từng làn gió mơn man trên mái tóc, tiếng lá cây xào xạc kết hợp với giọng nói của Trịnh Thanh Sơn, rất êm tai.

Về đến thành phố, Trịnh Thanh Sơn hỏi cô về kế hoạch buổi chiều.

Cô trả lời bằng giọng nghèn nghẹt: "Nghỉ ngơi ở trong nhà, cũng không định ra ngoài."

"Vậy để tôi đưa cậu đến một nơi được không?"

Trần Kiêu mím môi, ánh mắt dán chặt vào đầu ngón tay anh trên vô lăng, cô cũng biết một chút về Trịnh Thanh Sơn, biết rằng lời nói của anh lúc này không có ý gì mờ ám.

Cô ngập ngừng rồi đồng ý.

Trịnh Thanh Sơn mỉm cười, quay đầu xe. Chỉ nửa tiếng sau hai người đến phố văn nghệ của Lăng Thành.

Hai bên đường là các hàng quán và cửa tiệm, có rất nhiều họa sĩ hoặc sinh viên mỹ thuật vẽ chân dung hoặc phong cảnh, tận dụng thời gian rảnh rỗi vào ngày thứ bảy để kiếm thêm tiền trang trải.

Trần Kiêu đã từng đến đây làm việc.

Khi còn học đại học, cô thường đến con phố này để bán tranh, cô rất giỏi vẽ chân dung, rất nhiều khách hàng sẵn sàng mua tranh của cô.

Sau khi ra trường và kết hôn, cô không còn đến thăm nơi này nữa.

Lúc này, nhờ Trịnh Thanh Sơn, cô lại được về thăm chốn cũ. Trần Kiêu chợt cảm thấy bất ngờ, cũng thấy tâm tình thả lỏng.

"Cậu thích nơi này không?"

Giọng nói của Trịnh Thanh Sơn đột nhiên cắt ngang ký ức của cô, Trần Kiêu vốn tưởng rằng niềm vui của mình được che giấu rất tốt, không ngờ rằng mọi cảm xúc đã hoàn toàn rơi vào mắt đối phương.

Cô không còn cách nào khác ngoài gật đầu thừa nhận, không còn che giấu sự vui mừng nữa, lông mày cong cong, thậm chí còn nở nụ cười dịu dàng.

"Trước kia tôi thường đến nơi này."

Trịnh Thanh Sơn nhìn nụ cười của cô, sửng sốt một lát, nhưng anh rất giỏi che giấu cảm xúc, nhanh chóng trở lại bình thường, xuống xe mở cửa cho cô, thản nhiên hỏi: "Cậu làm gì ở đây?" ?"

Trần Kiêu cầm túi lên đáp: "Tình cờ tôi cũng học đại học ở đây, chuyên ngành mỹ thuật nên hay ra chỗ này bán tranh".

Cô chỉ vào những họa sĩ đang ngồi bên đường, như thể mình là một trong số họ.

Trịnh Thanh Sơn gật đầu: "Thì ra là vậy."

Trần Kiêu từng bước đi qua con đường quen thuộc, khi nhìn thấy một người quen, cô dừng lại vẫy tay với người đàn ông trung niên trong góc, rối rít gọi: "Bác Thập Tam."

Trịnh Thanh Sơn theo ánh mắt của cô mà nhìn sang.

Bác Thập Tam để giấy vẽ dưới chân, trước mặt là một giá vẽ rời, mái tóc dài xoăn, tùy ý buộc trên đỉnh đầu, có vài sợi rơi xuống má, càng làm tăng thêm vẻ phóng khoáng, đúng phong phạm của một người nghệ sỹ.

Bàn tay đang buông thõng bên hông của Trịnh Thanh Sơn hơi siết chặt rồi nhanh chóng thả ra, theo Trần Kiêu đi về phía người đàn ông tên Thập Tam.

Do ngược sáng, bác Thập Tam nheo mắt suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói: "Ồ, hóa ra là Trần Kiêu, đã mấy năm rồi cháu không tới đây."

Trần Kiêu nhẹ gật đầu: "Vâng, từ khi tốt nghiệp cháu không còn đến nữa."

"Vừa rồi không nhận ra cháu." Bác Thập Tam từ trong túi quần móc ra một bao thuốc lá, tự mình châm một điếu, nhìn thấy Trịnh Thanh Sơn, lễ phép đưa một điếu: "Cháu mang cậu bạn này đến đây tham quan à?"

Trịnh Thanh Sơn đứng thẳng trước giá vẽ, lịch sự từ chối.

Anh không có thói quen hút thuốc.

Bác Thập Tam tiếc nuối cầm lại, như thể Trịnh Thanh Sơn đã bỏ lỡ món ngon nào đó trên đời, thở dài nói với Trần Kiêu: "Sau khi cháu không đến nữa, có mấy vị khách đến hỏi thăm khi nào cháu sẽ quay lại. Mọi người đều biết cháu là bậc thầy về vẽ chân dung."

"Làm sao so sánh với bác được?" Trần Kiêu không khỏi bật cười.

Trần Kiêu trò chuyện với bác Thập Tam một lúc, trước khi đi, ông muốn tặng hai người một bức tranh. Trần Kiêu từ chối nhưng ông vẫn nhất quyết, cô và Trịnh Thanh Sơn đành ngồi chờ ông hoàn thành bức hoạ.

Bác Thập Tam là người có kinh nghiệm và nhanh nhẹn, chỉ mười lăm phút là xong bức tranh.

"Anh chàng này đẹp trai thật, lần sau làm người mẫu cho tôi nhé?"

Trịnh Thanh Sơn chưa kịp nói thì Trần Kiêu đã lên tiếng trước: "Thôi, bỏ đi bác ạ."

Bác Thập Tam cười, nháy mắt với hai người, đem bức tranh trên giá vẽ đưa cho Trần Kiêu: "Nói gì thì nói, nhìn cậu ta rất giống với 'ánh trăng sáng' mà cháu thường vẽ trước đây đấy."

Trái tim Trần Kiêu co giật dữ dội.

Nhìn Trịnh Thanh Sơn đang kinh ngạc, cô chột dạ cầm lấy bức tranh, không để bác Thập Tam nói tiếp.

Cô kéo tay Trịnh Thanh Sơn, nói lời tạm biệt bác Thập Tam, lúc này ông họa sỹ già không hiểu gì nhưng cũng không tiện hỏi, mỉm cười vẫy tay chào rồi thong thả xuống ghế.

Một sinh viên năm nhất bên cạnh hỏi: "Basc Thập Tam, đó là bạn của bác à?"

"À." Bác Thập Tam thản nhiên cười đáp: "Ừ, người quen của bác, còn người thanh niên kia chính là người con bé đó thích."

Trần Kiêu đi theo Trịnh Thanh Sơn, không muốn nói chuyện.

Cô không biết anh có nghe được lời bác Thập Tam nói hay không, trong lòng có chút áy náy.

Không biết tại sao, nhưng cô không muốn anh biết rằng cô từng là một hạt bụi nhỏ bé, chỉ dám yêu thầm anh trong bóng tối.

May mắn thay, suốt đường đi, Trịnh Thanh Sơn không nói gì thêm.

Khi còn học cấp 3, Trần Kiêu biết Trịnh Thanh Sơn học rất giỏi.

Tất cả giáo viên trong trường đều biết rằng Trịnh Thanh Sơn nhất định sẽ được nhận vào trường đại học số một cả nước, Trịnh Thanh Sơn cũng cho biết mục tiêu của mình là đại học thủ đô.

Khi đó, Trần Kiêu thấy điểm của mình kém xa anh trên bảng xếp hạng nên lao đầu vào giải đề thi.

Không ai biết rằng mục đích của người thiếu nữ nhỏ bé trầm lặng kia chỉ để được đến gần anh một chút.

Cô cũng mạnh dạn lấy đại học thủ đô làm mục tiêu của mình.

Sự chăm chỉ của cô cũng được đền đáp, điểm số từ từ thăng tiến từ giữa bảng xếp hạng lên tới top trên, càng ngày càng gần anh hơn.

Trong kỳ thi giữa kỳ năm thứ hai trung học, cuối cùng cô cũng lọt vào top 10 của lớp. Giáo viên chủ nhiệm kéo cô vào phòng giáo viên, xúc động khóc một trận, nói rằng hy vọng tất cả học sinh trong lớp có thể cố gắng như Trần Kiêu.

Trần Kiêu nói cám ơn.

Một lúc sau, Trịnh Thanh Sơn đến văn phòng, anh là đại biểu môn Vật Lý, đến để lấy bài kiểm tra.

Tình cờ, giáo viên chủ nhiệm cũng yêu cầu cô mang bài thi ngữ văn đến.

Trần Kiêu tỏ vẻ thản nhiên, không dám ngước lên nhìn người thiếu niên bên cạnh. Do vội vã rời đi, cô vô tình đụng phải Trịnh Thanh Sơn đang quay người.

Đó là lần đầu tiên Trần Kiêu tiếp xúc gần gũi với anh như vậy.

Đầu óc cô như ngừng hoạt động, mùi nước giặt thanh mát trên áo của anh xộc vào mũi.

Trần Kiêu vội vàng nói "xin lỗi" rồi nhanh chóng rời đi.

Cô sẽ luôn nhớ về ngày hôm đó, trong trí nhớ là vạt áo đồng phục của người thiếu niên, gió chiều nhàn nhạt, nắng vàng óng ả, bên tai là lời khen ngợi của giáo viên.

Đến tận bây giờ, cô vẫn còn nhớ câu hỏi bổ sung cuối cùng của môn vật lý trong bài kiểm tra giữa kỳ đó là gì.

Cô nhớ mọi thứ liên quan đến anh thời trung học.

Tiếc rằng sự chăm chỉ của cô không có kết quả như ý, cô thi trượt đại học thủ đô, chỉ thiếu chừng 10 điểm. Đại học Lăng Thành là lựa chọn tốt nhất vào lúc đó, cô được nhận vào khoa mỹ thuật của trường.

Nhưng Trần Kiêu không cảm thấy hối hận, cả tuổi trẻ cô đã sống và phấn đấu bằng khả năng của chính mình.

Tình yêu thầm kín của cô dành cho Trịnh Thanh Sơn đã khiến cô ngày càng trưởng thành hơn, ở tuổi này nhìn lại, cô đã rất mãn nguyện rồi.

Năm thứ nhất đại học, cô vẫn nhớ đến Trịnh Thanh Sơn, thỉnh thoảng cô lại vẽ hình anh vào sổ, vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy vẽ bên đường Văn Nghệ, nơi đó, không ai biết cô và Trịnh Thanh Sơn, cô mạnh dạn và bình tĩnh thừa nhận: Đó chính là "ánh trăng sáng" của cô, người cô thầm yêu thời trung học.

Nhưng Trần Kiêu không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó cô và Trịnh Thanh Sơn sẽ cùng nhau đến nơi này.

Còn suýt bị bác Thập Tam lật tẩy.

Nghĩ tới đây, tai cô nóng lên, không khỏi giải thích với Trịnh Thanh Sơn ở bên cạnh: "Đừng nghe bác Thập Tam nói lung tung, ông ấy thích đùa giỡn với mọi người."

Trịnh Thanh Sơn đành phải nhìn sang một bên, trong mắt hiện lên một nụ cười nhàn nhạt khó hiểu, nói: "Tôi biết."

Trần Kiêu thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục đi theo anh vào một xưởng gốm, khi bước vào cửa hàng đã thấy những dãy sản phẩm gốm rực rỡ.

Trịnh Thanh Sơn đang nói chuyện với chủ xưởng gốm, để Trần Kiêu đứng một chỗ quan sát.

Cô nhớ lại câu "tôi biết" mà Trịnh Thanh Sơn vừa nói, vẻ mặt hiền lành nửa cười nửa không cười, bộ dáng giống như đã nhìn thấu tâm tình cô.

Cô nhìn bóng lưng anh từ xa.

Bờ vai rộng, vòng eo hẹp, đôi chân dài, quá nổi bật. Đột nhiên ánh mắt anh nhìn sang, mỉm cười với cô.

Có những điều không cần phải nói rõ ràng, hai bên chắc chắn ngầm hiểu lẫn nhau.

Cũng như bây giờ, Trần Kiêu chợt hiểu ra, có lẽ Trịnh Thanh Sơn đã đoán được cô có tình cảm với mình.

Ước Hẹn Thanh Sơn Where stories live. Discover now