Mạnh Du Bác không thích mưa, nhưng quê nhà mà anh đang quay về - Bình Thành, lại nổi tiếng là thành phố mưa. Những đám mây xám xịt phủ kín bầu trời, các tòa nhà dường như được nhuộm trong sắc chì tối, mưa rơi nhè nhẹ, từng giọt tí tách gõ lên mái hiên, rồi lặng lẽ trượt xuống, hòa mình vào đất, tích tụ thành những vũng nước trong veo, phản chiếu ánh sáng mờ ảo của trời mưa.
Ô lớn đến đâu cũng không ngăn được mưa dội lên người. Đi vài bước vào phủ, Mạnh Du Bác đã ướt một nửa. Quản gia còn ướt hơn, nhưng là người hầu, ông lo lắng hỏi Mạnh Du Bác nên xử lý thế nào với bộ vest và giày da của anh - đó là hàng Tây, cha anh không thích những thứ ngoại nhập, nên quản gia cũng không cần học hỏi.
"Mưa ướt thế này rồi thì bỏ đi, không dùng được nữa," Mạnh Du Bác nói, "Bên cạnh Tường Quân Lâu có một tiệm may vest, ngày mai bác báo kích cỡ của tôi cho họ, đặt thêm vài bộ đi."
Quản gia cúi đầu đáp một tiếng.
Mạnh Du Bác dặn dò xong, lau nước mưa trên trán, thở ra một hơi, rồi mới đẩy cửa vào phòng ngủ cha mình.
Mùi thuốc nồng nặc xộc vào mũi, trong phòng tối hơn bên ngoài nhiều, khói thuốc bay mịt mù - cha anh học theo Tần Thủy Hoàng, muốn luyện thuốc trường sinh bất tử, kết quả vào ngày sinh nhật năm mươi tuổi thì bị đột quỵ, thành một trò cười cho thiên hạ.
Chiếc giường chiếm gần hết căn phòng, làm bằng gỗ mun thượng hạng, rèm trắng chồng chéo kín mít, chỉ lờ mờ lộ ra màu xanh đen - đó là màu của chăn đệm, nhìn thoáng qua giống như một chiếc quan tài đẹp đẽ.
Mạnh Du Bác còn phải lướt qua một tấm bình phong thêu lan mới thấy được bóng dáng cha mình trong chiếc "quan tài" đó - ông ngồi nửa người, cố gắng kéo rộng vai và thẳng lưng.
Anh cúi mình trước cái bóng mờ mờ đó, nhẹ nhàng gọi: "Cha."
Cha anh im lặng một lúc lâu mới đáp, giọng nặng nề như bị mưa làm ướt: "Về rồi à."
Mạnh Du Bác đáp nhẹ tiếng "Vâng," giữa hai cha con không còn gì để nói nữa, anh tạm biệt: "Vậy con đi thăm các dì đây."
Đây là quy tắc do cha anh đặt ra, mỗi lần đi xa về không được dọn hành lý mà phải thăm ông và các bà vợ của ông trước.
Cha anh có một chính thất, bảy người thiếp.
Chính thất là mẹ của Mạnh Du Bác, đã qua đời từ sớm, anh còn không nhớ nổi hình dáng của bà.
Bảy người thiếp thì có cả nam lẫn nữ, có người tuổi lớn, có người còn trẻ, có người đoan trang thanh lịch, cũng có người diễm lệ lả lơi.
Gần như ai cũng tuân theo quy tắc của cha anh, ngồi trong sảnh nhỏ của mình chờ đại công tử về chào hỏi, họ ngồi yên lặng, không còn sức sống dưới những bức tranh thủy mặc đã phai màu, như những bia mộ sống nhờ vào cha anh.
Mạnh Du Bác lần lượt "thăm viếng" từng người, người đã ướt nhẹp, quần áo dính chặt vào da thịt, làm anh khó thở.
Cuối cùng, người thiếp thứ bảy ở trong góc sâu nhất và xa nhất của phủ.
Những người hầu theo sau cũng bắt đầu cảm thấy không kiên nhẫn với sự tra tấn này, có người can đảm khẽ nói với Mạnh Du Bác: "Người này không coi như phu nhân của chúng ta đâu ạ."
Ý muốn nói Mạnh Du Bác không cần đi.
"Nói bậy gì đó!" Quản gia lớn tiếng quở trách, giọng lẫn trong tiếng mưa không rõ ràng lắm, nghe cũng không tức giận mấy.
Người thiếp này cha anh mới cưới, nhưng không như thường lệ: mới cưới có nghĩa là được sủng ái, sủng ái mới được sắp xếp ở gần trung tâm phủ - nhưng người này bị xếp vào góc xa nhất, lại bị hạ nhân nói xấu "không phải phu nhân"...
Mạnh Du Bác nhướng một bên mày dài, nới lỏng cà vạt, nói: "Vẫn phải đi," rồi cười hỏi quản gia: "Người này có vấn đề gì à?"
Người thiếp thứ bảy, đáng ra là con gái một gia đình nào đó, được dùng để giải xui cho cha.
Kết quả tám kiệu lớn cưới về lại là một người đàn ông, biết ông chủ nhà họ Mạnh đã nằm liệt giường, còn mơ tưởng trốn khỏi phủ trong đêm tân hôn.
"Chỉ để lấy danh thôi, ông chủ không quan tâm nam hay nữ, nên không truy cứu nhiều." Quản gia nói.
Nhưng chính vì danh, người nam nhân tượng trưng cho sự giải xui này càng khó trốn, vì như thế là phạm kỵ. Hơn nữa, đã vào nhà họ Mạnh, là người của gia chủ nhà họ Mạnh, muốn trốn đồng nghĩa với xúc phạm đến uy quyền của ông ấy - thế là bị giam lỏng trong viện sâu, canh giữ nghiêm ngặt.
Mạnh Du Bác vào đến sảnh, thấy xung quanh không có ai, cảm thấy buồn cười: "Canh giữ nghiêm ngặt?"
Quản gia vội vàng xin lỗi: "Thất di nương quen thói phóng túng, thiếu gia đừng trách, lão nô sẽ sai người đi bắt về ngay."
"Đừng vội," Mạnh Du Bác ngăn lại, "Bác biết anh ấy ở đâu không?"
"Dạ biết," quản gia đáp, "Chắc Thất di nương đang chơi chim trong sân."
"Ngày mưa cũng chơi à?" Mạnh Du Bác trầm ngâm, rồi nói, "Vậy bác dẫn tôi ra sau vườn xem - đừng lên tiếng."
Quản gia ngạc nhiên, Mạnh Du Bác liếc qua, ông lập tức cúi đầu: "Mời thiếu gia theo tôi."
Quả nhiên, Thất di nương đang trong sân.
Anh ta mặc một bộ áo dài trắng, quay lưng về phía Mạnh Du Bác, không đứng dưới mưa mà ngồi trên bậc thềm dưới mái hiên, khuỷu tay đặt lên đầu gối, chống cằm, tay kia nhấc nhẹ, trên cánh tay đậu một con chim sẻ hoang, còn hai ba con khác đang lượn quanh anh ta.
"Đây không phải chim nuôi." Mạnh Du Bác ngạc nhiên.
"Mấy ngày trước con chim này bị thương, rơi vào sân, được Thất di nương nhặt được." Quản gia nói, "Anh ta còn nhân lúc người hầu mang cơm đến hỏi xin hộp thuốc."
Xem như là ân nhân của con chim sẻ hoang, nên nó mới chịu ở lại.
Người đó rung cánh tay, vì nghĩ xung quanh không có ai, giọng nói trong trẻo không kìm nén, nghe như gió xuân thổi qua chuông gió treo dưới mái hiên, rất êm tai: "Đi đi, gia đình của ngươi đều đến tìm ngươi rồi."
Chim sẻ hoang bay quanh cánh tay anh ta vài vòng, có vẻ luyến tiếc.
"Đi đi," người đàn ông vẫy tay, lại cười một tiếng, "Mau thay ta bay ra ngoài..."
Mạnh Du Bác cử động ngón tay, bất chợt quay đầu hỏi: "Tên là gì?"
"Ai ạ ?" Quản gia hỏi.
"Thất di nương -"
Thất di nương vẫn chưa đuổi được con chim, liền dứt khoát đứng dậy, góc độ thay đổi một chút làm Mạnh Du Bác thấy được nửa mặt anh ta.
Đường nét tinh tế như dãy núi xa, mày mắt sâu, con ngươi đen, như được Nữ Oa tô đậm, da lại trắng, như ngọc bạch. Anh ta hơi ngẩng đầu nhìn trời, đường viền cằm rõ ràng, phá vỡ sắc lạnh âm u, cả người như cây ngọc lan đứng thẳng trong màn mưa, tỏa ra ánh sáng không bị trời mưa che khuất, khẽ lẩm bẩm: "Phải bay ra ngoài."
Chim hót vài tiếng, trở về bên gia đình, vỗ cánh bay cao.
"Trình Thanh Trạch, thưa thiếu gia," quản gia đáp, "Thất di nương tên Trình Thanh Trạch."
YOU ARE READING
[EDIT] Bình Thành Sau Cơn Mưa
RomanceMạnh Du Bác đã yêu vợ bảy của cha anh ngay từ ánh nhìn đầu tiên.