Phần 11: CỨU TIÊN CHỦ Ở DI LĂNG

2 0 0
                                    


Thời gian lại tiếp tục trôi qua thêm nhiều năm nữa, vẫn chưa thấy có tin tức gì từ ông Siêu – bố của Phúc cả. Lúc này, thế chân vạc của thời Tam Quốc đã hình thành rõ hơn. Năm Kiến An thứ 20, Tào Tháo chinh phạt và chiếm được Hán Trung, gây sức ép buộc Hán Thủy phải đầu hàng nhưng không thành công khi mà đại quân của Tào Tháo đã thương vong vô số khi công thành. Thậm chí, ngay cả khi Lưu Hoa hiến kế dùng máy bắn đá vào cũng không ăn thua vì khoảng cách từ hào nước vào tới cổng thành quá xa, xe bắn đá không tới nơi được. Không chỉ vậy, các dụng cụ công thành từ xe bắn đá tới xung xa công thành cũng bị các khí tài hiện đại bắn vỡ tan nát. Thêm vào đó, súng máy bắn ra xối xả khiến quân Tào thương vong vô số. Bởi thế, mặc dù huy động hơn 10 vạn quân – đông gấp 100 lần quân thủ trong thành để công thành nhưng quân Tào không thể làm gì nổi. Tào Tháo thấy vậy thì đành lui quân về. Về sau, năm Kiến An thứ 24 (219), Lưu Bị đã tấn công và giành thắng lợi, chiếm đóng được Hán Trung và chính thức lên ngôi Hán Trung Vương và càng thắt chặt mối quan hệ thân tình với thành Hán Thủy. Thành Hán Thủy giờ trở thành một bộ phận của nước Thục dưới quyền cai quản của Hán Trung Vương Lưu Bị.


Thế nhưng, số trời chẳng thể ngờ khi trong chiến dịch phát động tấn công lên phía Bắc của nước Thục, Kinh Châu đã bị đánh úp và bị Đông Ngô chiếm mất. Bản thân đại tướng là Quan Vũ bị Đông Ngô bắt và chém ngay tại trận[2]. Lưu Bị tức giận, khởi binh đánh báo thù bất chấp sự can ngăn từ các tướng sĩ. Cũng cùng năm đó, Tào Tháo qua đời và vị vua cuối cùng của nhà Đông Hán tên là Lưu Hiệp chính thức bị Tào Phi – con trai kế vị Tào Tháo truất ngôi. Tin này cũng được truyền tới Hán Thủy. Phục Thọ nghe vậy thì tỏ vẻ buồn bã. Đổng Phi cũng thế. Nhất là khi có người đưa tin vua bị giết. Phúc nghe vậy thì liền bảo:

– Hai em yên tâm, bệ hạ không sao hết, chỉ là bị phế truất làm Sơn Dương Công thôi.

Phục Thọ nói:

– Nhưng em nghe nhiều tin báo nói là bệ hạ bị giết rồi.

Phúc đáp:

– Em yên tâm. Anh sẽ dẫn cả em và Bình nhi tới gặp bệ hạ trong dịp gần nhất.

Phục Thọ nghe nói vậy thì không nói gì nữa, chỉ vào nhà chăm các con. Trong thời gian ở với Phúc cũng ngót nghét 6 năm, Phục Thọ đã mang thai và sinh liền 2 đứa con nữa. Đây chính là niềm an ủi với cô ở tuổi 40 này.

Nói về phần Lưu Bị, nỗi buồn liên tiếp tới khi mà Trương Phi – tướng lĩnh thân cận của Lưu Bị đã bị tướng dưới quyền ám sát. Mặc dù đã lên ngôi Hoàng đế, chính thức kế vị đế vị của nhà Hán nhưng Lưu Bị vẫn luôn canh cánh về việc phải đánh Ngô, vừa là báo thù cho Quan Vũ và Trương Phi, vừa cũng để giành lại Kinh Châu theo như "Long Trung đối sách". Bởi vậy, sau cái chết của Trương Phi, Tiên chủ (cách gọi Lưu Bị sau khi xưng đế) đã tức giận khởi binh để phạt Ngô. Mặc cho các quan can gián, trong đó có cả Thừa tướng thân cận Gia Cát Lượng và tướng tiên phong Triệu Vân. Tiên chủ nói:

– Trẫm có thù với cả Ngụy và Ngô, trong đó Ngô đã giết hai tướng thân tín của Trẫm là Vân Trường và Dực Đức[3], lại chiếm mất Kinh Châu của ta. Nay Ngụy mạnh Ngô yếu, Trẫm muốn sẽ diệt cả Ngô lẫn Ngụy rồi nhất thống thiên hạ.

Chuyện tình thời Tam QuốcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ