Câu trả lời thực sự gây gổ, làm như Raoul d' Avemy chịu trách nhiệm về những điều rủi ro của Simon Lorient.
Raoul nói:
- Tôi cho rằng sáng nay bà đọc báo thấy người ta hình như kết tội người khách ở trong nhà tôi, Félicien Charles. Không biết gặp anh ấy ở đâu nên bà đến tìm tôi, đúng không ?
Trong lần tiếp xúc đầu tiên, cơn giận của người đàn bà trẻ bung ra, nức nở và lo sợ, thể hiện một bản chất dữ dội, u uất, nhiều lúc không làm chủ được mình.
Đã ba ngày nay người tôi yêu biến mất, ba ngày tìm
không thấy và tôi chạy khắp nơi như một người điên. Sáng nay bỗng tôi đọc tờ báo nói anh gặp tai nạn... Anh bị thương, gần chết. Có lẽ vào giờ này anh đã chết...
- Thế tại sao bà đến đây thay vì đến bệnh viện ?
- Trước khi đi đến đó, tôi muốn gặp ông.
- Vì sao ?
Người đàn bà không trả lời câu hỏi, bước lại gần Raoul, vẻ mặt giận dữ nhưng thật đẹp, thốt ra:
- Vì sao ? Vì ông là người tạo ra mọi chuyện ấy. Đúng ông ! Toàn bộ vụ này là tác phẩm của ông, chỉ cần đọc tờ báo này thì rõ. Félicien Charles ? Chỉ là vai phụ, người chỉ huy là ông ! Người dàn dựng cuộc phiêu lưu này là ông ! Tôi linh cảm, chắc chắn... Ngay khi đọc tờ báo, tôi tự nhủ: "Đúng ông ta !"
- Ai, tôi ấy à ? Bà có biết tôi đâu.
- Có đấy. Tôi biết rõ ông.
- Bà biết tôi, Raoul d' Avemy ?
- Không, ông là Arsène Lupin !
Raoul sửng sốt. Anh không chờ đợi sự tấn công này, cũng không nghĩ tên thật của mình được đưa ra như một lời chửi rủa. Làm sao người đàn bà này có thể biết được ?...
Anh nắm lấy tay bà ta, tàn nhẫn.
- Bà nói gì ? Arsène Lupin...
- Ô, ông đừng chối ! Ích gì ! Tôi biết từ lâu rồi. Simon thường nói với tôi về ông và cái tên d' Avemy mà ông giấu mình !... Thậm chí một đêm tuần trước tôi đã đến đây lúc ông đi vắng và không ai biết... Anh ấy muốn tôi thấy nhà của Arsène Lupin. Chà ! Tôi đã cảnh báo anh ấy: "Đừng cố gắng biết rõ ông ta. Điều đó chỉ đưa lại bất hạnh cho anh. Anh mong đợi gì ở tay phiêu lưu ấy ?..."
Người đàn bà giơ nắm đấm về phía Raoul, nhục mạ qua mắt nhìn và giọng nói run rẩy vì khinh bỉ. Raoul lắng nghe vô cảm. Chuyện lạ lùng này từ đâu ra vậy ? Anh đã thấy Simon ở bệnh viện, không quen biết con người này. Simon Lorient muốn quan hệ với anh với ý định gì ? Làm sao anh ta đoán biết Raoul d' Avemy là Arsène Lupin ? Tình cờ nào tạo cho anh ta nắm được một điều bí mật như thế ?
Raoul có cảm giác người đàn bà trẻ không thể cho anh biết điều ấy hay ít nhất là không muốn. Nàng có vầng trán bướng bỉnh, đôi mắt không lay chuyển. Đứng thẳng người, dữ dội trong tư thế bất động nhưng không mất đi sắc đẹp hơi hoang dã, có nét quý phái không ngờ. Do bản năng hay thói quen ? Nàng biết sử dụng và làm nổi bật sắc đẹp của mình. Vải lụa mềm của chiếc áo ngực in đậm hình dáng, để lộ những nét hài hoà của đôi vai.
Thái độ chiêm ngưỡng rõ rệt của Raoul làm nàng đỏ mặt. Nàng ngồi cúi xuống trong một chiếc phô - tơi, đôi tay khoanh lại, bàn tay áp má. Bỗng nhiên có vẻ suy sụp, nàng khóc.
- Ông không thể nghĩ anh ấy đối với tôi như thế nào đâu... Đấy là cả cuộc đời của tôi... Nếu anh chết tôi cũng sẽ chết... Tôi chưa hề yêu người đàn ông nào khác... Tôi quỳ gối trước mặt anh ấy... có thể tự sát để tránh cho anh phiền muộn. Và anh yêu tôi sâu sắc. Khi giàu có, chúng tôi sẽ cưới nhau và ra đi... vâng, ra đi...
- Ai cản trở hai người ?
- Nhưng nếu anh ấy chết ?
Ý nghĩ cái chết lại làm nàng lồng lên. Chỉ trong mấy giây nàng chuyển từ trạng thái quá đáng này sang trạng thái quá đáng khác, trong một kích động lộn xộn về ý nghĩ và cảm giác.
Nàng lao vào Raoul.
- Chính ông đã giết anh ấy... tôi không biết bằng cách nào... nhưng chính ông... và tôi sẽ trả thù như ở xứ tôi, Corse, người ta biết trả thù. Không được để anh ấy chết trước khi biết đã được trả thù. Cú đánh anh nhận từ Arsène Lupin. Và tên ông, tôi sẽ kêu lên khắp nơi... Vâng, tôi sẽ tố cáo ông với cảnh sát. Không chậm được nữa ! Phải cho người ta biết ông là ai... Arsène Lupin, kẻ phạm tội, tên trộm cướp... Arsène Lupin !
Nàng mở cửa định chạy đi và gào thét như một kẻ thác loạn. Anh đưa tay bịt miệng nàng, dùng sức buộc nàng trở vào trong phòng. Cuộc đấu tranh gay gắt; nàng hoang dã tự vệ. Anh phải nắm hai cánh tay nàng, vật nhào xuống một chiếc phô - tơi và giữ yên.
Nhưng khi anh cảm thấy nàng sát vào mình, hổn hển, thất bại nhưng quằn quại vì giận dữ và căm hờn, anh có một lúc bàng hoàng và cố gắng như để ôm hôn nàng.
Anh đứng dậy ngay, bực tức vì cử chỉ ngu ngốc ấy. Nàng bèn phá lên cười, lăn lộn vì cáu kỉnh mãnh liệt.
- A ! Ông cũng thế ! Như những người khác ! Một người đàn bà... người ta vừa rũ bỏ nàng vừa nắm lấy nàng... như một cô gái... Mẹ kiếp, một Lupin nghĩ có thể làm mọi chuyện !... Mọi người đàn bà thuộc về anh ta... A ! Đồ khoác lác, nếu ông chỉ mới đụng vào miệng tôi, tôi đã giết ông như một con chó !
Raoul điên tiết:
- Ngu xuẩn đủ rồi ! Cô không phải đến đây để tố cáo tôi, giết tôi, đúng chứ ? Nói đi ! Cô muốn gì ? Nói đi !
Anh nắm hai cánh tay, giữ nàng nhìn vào mặt mình và nhấn mạnh, giọng run run:
- Tôi chẳng là gì trong vụ này cả... không phải tôi tấn công Simon Lorient... tôi thề là không phải tôi... Vậy nói đi... cô muốn gì ?
- Cứu Simon - Nàng thì thầm, khuất phục.
- Đồng ý. Khi anh ấy khoẻ hơn, tôi sẽ làm cho anh ta biến đi. Cô đừng sợ gì. Anh ấy sẽ không phải vào tù.
Nàng giật mình.
- Anh ấy vào tù ư ? Anh ấy có làm gì đâu mà phải vào tù ! Một người trung thực ! Không, chỉ có tôi mới cần cho anh ấy. Một mình tôi có thể cứu anh ấy, bằng cách chăm sóc anh ấy.
- Thế thì sao ?
- Tôi muốn được nhận vào bệnh viện ấy, ngày đêm chăm sóc anh. Tôi đã có bốn năm làm y tá. Không ai ngoài tôi có thể chữa chạy cho anh ấy. Nhưng phải ngay từ hôm nay... làm ngay.
Anh nhún vai.
- Tại sao không nói điều ấy với tôi từ lúc đầu thay vì mất thì giờ kết tội tôi không nhằm mục đích gì...
- Vậy là thoả thuận chứ ? - Nàng thô bạo nói.
- Đồng ý.
- Ngay lập tức, đúng không ?
Anh suy nghĩ và hứa:
- Được, tôi sẽ gặp giám đốc bệnh viện. Ông ấy không từ chối đâu. Tôi thu xếp để ông ấy không từ chối và giữ kín chuyện. Có điều phải để tôi muốn làm sao thì làm. Tên cô là gì ?
- Faustine... Faustine Cortina.
- Cô khai một tên khác ở bệnh viện và đừng nói gì về quan
hệ của cô với Simon Lorient.
Nàng vẫn còn nghi ngờ.
- Nếu ông phản bội chúng tôi ?
- Đi đi - Anh nói và đẩy nàng ra vườn.
Có con đường thông với nhà xe. Tài xế không có ở đó, Raoul mở cửa một chiếc mui trần và ra lệnh:
- Cô bỏ chiếc khăn đỏ quàng cổ để người ta khỏi chú ý và lên xe đi.
Nàng lên xe. Anh ra ở một cổng khác, đi về hướng sông Seine; chiếc xe vượt nhanh khỏi bờ sông.
- Chúng ta đi đâu ? - Nàng nói - Nếu là một cạm bẫy thì ông coi chừng !
Anh không trả lời. Đến Saint Germain anh dừng lại trước cửa hàng may mặc mua một chiếc áo blu và mũ khăn y tá.
Một giờ sau đó nàng vào làm nữ y tá ở bệnh viện và người ta giao cho nàng đặc biệt chăm sóc người bị thương. Simon Lorient bị cơn sốt hành hạ, kiệt sức vì vết thương nên không nhận ra nàng.
Tái người, mặt nhăn nhó nhưng cố gắng làm chủ bản thân, cứng rắn trong bộ quần áo y tá, nàng lắng nghe lời chỉ dẫn của bác sĩ và thì thầm:
- Em sẽ cứu sống anh, anh yêu... Em sẽ cứu anh...
Ra khỏi bệnh viện Raoul gặp Rolande Gaverel vừa mang vào cho Férôme Helmas bó hoa hái trên mộ người chết. Tình trạng Férôme đã khá lên. Anh khóc với cô gái. Cơn sốt đã lui. Ngày mai người ta thẩm vấn anh.
Rolande cùng đi với Raoul. Anh hỏi:
- Cô đã suy nghĩ ?...
- Tôi chỉ nghĩ đến việc ấy. Ý muốn tìm hiểu cổ vũ tôi.
- Cho đến nay đã có gì ?
- Chẳng có gì. Tôi tìm kiếm trong những kỷ niệm của tôi của Elisabeth, chẳng thấy gì.
Về đến Clématites cô đưa cho anh xem nhật ký của chị. Từ nhiều tháng nay, chỉ là giai đoạn thâm nhập êm dịu, chầm chậm và vui tươi về tình yêu, đôi khi lẫn lộn nồi buồn về bênh tật và bắt đầu nở ra niềm vui hồi phục và hạnh phúc hứa hôn.
- Ông hãy đọc trang cuối - Rolande bảo - Chị ấy thật yên tâm và vô tư ! Giữa họ và hạnh phúc tương lai không có một trở ngại nào.
Bên ngoài, ông Rousselain hoàn thành cuộc điều tra tại chỗ cuối cùng. Ông ra hiệu cho Raoul lại gần:
- Bất lợi cho chàng trai trẻ Félicien.
- Về gì vậy thưa ông dự thẩm ?
- Những chứng cứ buộc tội lộ rõ. Đây là điều người đầy tớ Edouard và người làm vườn của ông vừa cung cấp cho tôi. Cách đây mười lăm ngày, một buổi chiều muộn Edouard đến chuyện vãn với ông bạn. Họ nói chuyện gần hàng rào ngăn cách vườn ông và mảnh đất dành cho những người làm vườn. Trong câu chuyện có đề cập tới ông chú của các cô gái và người đầy tớ Edouard đã sai lầm nói nhảm về ông Philippe Gaverel: "Một con người thu vén, luôn thu vén !... Một kẻ hà tiện ! Có lúc đã gian lận thuế. Từ đó tôi biết ông cất giấu tiền... Điều ấy sẽ không hay cho ông ấy". Một lúc sau họ thấy ánh lửa phía hàng rào, có mùi thuốc lá. Có những người ngồi bên kia châm thuốc hút... Félicien Charles và Simon Lorient. Hai người nghe thấy hết.
- Làm sao ông biết ?
- Tôi vừa nói chuyện ấy với Félicien Charles. Anh ta không chối.
- Thế là ông kết luận ?
- Ồ ! Một dự thẩm không kết luận nhanh thế. Trước khi kết luận phải có những giai đoạn. Nhiều nhất là người ta có quyền hình dung một người trong bọn họ có ý nghĩ sẽ làm một cú và giao cho ông già Barthélemy làm, kẻ tòng phạm dưới mồ vốn đã quen những việc ấy...
- Sau đó thì sao ?
- Sau đó, ngay đêm tiếp theo chiếc túi vải xám bị lấy trộm, mất đi rồi nhưng một trong bọn họ tìm thấy lại trong vườn. Hai anh bạn tranh giành nhau, tay cầm dao.
- Thế vai trò của Férôme Helmas trong vụ ấy ?
- Người đi qua, làm phiền phức một trong hai diễn viên của tấn bi kịch và người ta phải rũ bỏ.
Ngày hôm sau nữa Raoul được tin Simon Lorient nguy kịch. Anh chạy đến bệnh viện. Ông Rousseiain đã ở đó cùng thanh tra Goussot. Hơi tách ra, Faustine quay lưng về phía họ. Raoul nhận thấy mặt nàng nặng nề và vô vọng.
Simon Lorient thở khò khè. Có một lúc anh ngồi dậy trên giường, đôi mắt tỉnh táo nhìn những người xung quanh, thấy người tình và mỉm cười với nàng.
Tuy vậy bóng mây hấp hối lại xâm chiếm anh và dần dần như một đứa trẻ rên rỉ, anh hôn mê. Người ta nghe những lời: "Chỗ giấu... ông già đã tìm thấy chiếc túi... Rồi sau đó... Tôi đã tìm kiếm... và không biết nữa... Félicien..."
Anh lặp lại nhiều lần: "Félicien... Féiicien... Một cú phối hợp rất khéo... Félicien..."
Anh ngã người xuống gối, bất động.
Một lúc lâu im lặng. Raoul gặp cái nhìn căm giận của Faustine. Người đã giết người yêu của nàng phải chăng là kẻ mà người hấp hối vừa nêu tên ?
Ông Rousselain, có thanh tra Goussot đi theo, kéo Raoul d' Avemy ra ngoài và nói:
- Tôi rất tiếc, thưa ông d' Avemy, Félicien Charles là khách ở nhà ông. Ông bảo vệ anh ấy nhưng sự thực được suy đoán rất rõ...
Tuy vậy ông tỏ ra ngập ngừng. Raoul bị nỗi thất vọng của Faustine ám ảnh, nghĩ việc bắt Félicien dù có tội hay không cũng sẽ tránh được sự trả thù tồi tệ nên không cãi lại.
- Tôi không phản đối, thưa ông dự thẩm. Félicien đang trong phòng anh ta ở chỗ tôi.
Ý kiến của Raoul làm ông Rousselain quyết định:
- Thanh tra Goussot, ông đưa anh ta lên nhà giam. Bảo người ta giữ lại đấy cho tôi.