Gió thoảng qua

131 23 3
                                    


1.

Tài nữ sắc nước hương trời lẫy lừng đất kinh kỳ của nhà Tự thái phó đâu ai ngờ lại là cậu út chứ chẳng phải cô hai. Từ khi sinh ra, cậu đã ốm yếu hơn những đứa trẻ khác, mà theo phong tục xứ bắc thì con trai dễ bị ma bắt nên để lừa thần lừa quỷ, đứa trẻ đó sẽ được nuôi như bé gái cho tới khi tròn 16 tuổi. Thầy Tự cũng đem cậu lên chùa bán vía, để đứa trẻ ốm yếu này sẽ lớn lên thuận lợi bình an, rồi tới khi tròn 16 sẽ làm lễ chuộc về, trả lại cho cậu thân phận nam nhi.

Đóa hoa nhỏ xinh xinh cứ thế lớn lên trong tình thương bảo bọc của cả gia đình và người thân thiết xung quanh. Tuy được yêu thương, cưng chiều, mọi người cũng nhìn cậu như bé gái trong nhà, nhưng cụ Tự luôn kiên quyết dạy dỗ cậu như một bé trai, để cậu không bị nhầm lẫn rằng mình là nữ, đảm bảo rằng sau khi làm lễ chuộc người trên chùa, cậu vẫn luôn là người nam nhi vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Còn phu nhân thì yêu chết cái nét xinh xắn của cậu, cùng với mong mỏi có cô con gái tri kỷ để tâm sự, phu nhân chiều cậu hết mực, diện dàng cho cậu từ tấm bé, nên tính điệu đà của cậu cũng là do phu nhân hết.

Danh tiếng của thiên kim tiểu thư vang vọng khắp chốn, nổi danh tinh thông cầm kỳ thi họa, là bậc nữ lưu phong nhã, nhưng ai mà có ngờ được, tiểu thư đó phải là thiếu gia, mà thiếu gia này chữ hơi xấu mà vẽ thì không ai dám nhìn. Khắp nơi treo tranh chữ, tranh họa mà dân tình đồn là sao chép từ thư pháp và tranh vẽ của cậu, nhưng chắc chắn đó là hàng giả, vì những "tác phẩm" này không bao giờ được ra ngoài ánh sáng, được phép bước chân ra khỏi thư phòng của nàng tiểu thư kia.

2.

Tuổi mười sáu cũng cận kề, cậu cũng sắp từ tiểu thư Hoàng San thành công tử Huỳnh Sơn, cũng sắp được rũ khỏi hình tượng tiểu thư khuê các để được thỏa chí. Năm nay cũng là năm thi Đình, nên cả kinh thành cũng trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn ngày thường. Từng tốp văn nhân sĩ tử trong các quán trọ ngồi đàm luận thi ca hay dùi mài kinh sử. Cái không khí vừa có nét áp lực, lại vừa sôi sục nhiệt huyết này khiến cho cậu thấy như hòa vào bên trong đó. Tiếc thay, kỳ hạn để chuộc thân vẫn chưa tới, nên cậu không thể tham gia khoa cử trong kỳ này. Tuy có chút tiếc nuối, nhưng cậu vẫn rất tự tin rằng bốn năm tới mình sẽ được vinh danh trên bảng vàng.

Cậu hay ra khỏi phủ cùng người hầu hơn, hòa vào không khí khẩn trương chờ kết quả của các sĩ tử, rồi nhìn những cử nhân không đậu tiến sĩ mặt buồn rầu thất vọng, hay những người đã chiến thắng trong cuộc đua khoa cử năm nay. Tất cả dệt nên một bức tranh muôn sắc muôn màu mà cậu cũng muốn mình là một phần trong đó.

Chậm rãi đi vòng quanh những con phố, cũng có chút mỏi, cậu cùng thị nữ ghé chân vào một quán trà lớn trên đường. Trong quán trà đông vui nhộn nhịp, rất đông các văn nhân đất kinh kỳ đang tụ tập thưởng trà ngâm thơ, trong đó có cả các vị tam giáp của năm nay. Cậu chỉ nhìn lướt qua, rồi đi lên trên tầng gọi một gian phòng riêng để tạm rời xa cái ồn ào của phố thị. Gọi một ấm trà ngon, cùng một ít bánh đậu nhân nhi, cậu cũng tò mò hỏi đứa phục vụ:

- Dưới kia có vẻ đông vui, đó là nhóm văn sĩ nào đang thi tài với nhau vậy?

- Tiểu thư, dưới đó không phải văn sĩ bình thường, mà đó là nhóm cử nhân của năm nay. May mắn quán được đón tiếp, còn có tam giáp nữa, chủ tiệm đang muốn xin các vị ấy đề thơ lên tường, để quán còn hút thêm khách nữa.

Đứa phục vụ lại mau lời:

- Tiểu thư không biết chứ năm nay tân Trạng nguyên trẻ lắm, mới vừa đôi mươi, đang cùng mấy tam giáp khác và cử nhân nói chuyện. Ngài ấy hay cười, giọng cười sang sảng luôn, mà thơ văn lai láng, mong sẽ là vị quan phụ mẫu tốt. Mà cũng lạ, lúc nãy nghe giọng ngài ấy nhiều lắm, mà nãy giờ không thấy tiếng nào luôn.

Bỗng từ dưới vọng lên tiếng cười sang sảng:

- Thôi thôi thôi. Ta thua rồi, uống rượu phạt là được rồi.

- Đó đó, chính là giọng này đó, Trạng nguyên trẻ hào sảng và vui tính ghê.

Cậu nghe xong cũng gật gù:

- Cảm tạ. Ta cũng mong có ngày được so tài cùng người đó. Thôi, cậu xuống phục vụ khách đi, để lại ta ở đây một mình được rồi. Xuân xuống dưới trả tiền, dùng xong chỗ trà này rồi ta về.

Cậu ngồi trong phòng, thảnh thơi nhấp ly trà, thưởng thức miếng bánh đậu xanh, để vị ngọt của bánh tan ra trên đầu lưỡi, rồi vị thơm nồng pha chút chát chát của trà trôi nơi cuống họng. Khẽ híp mắt, tận hưởng buổi chiều thư thả, để hồn trôi theo ánh chiều tà dần buông xuống qua khung cửa sổ trên tầng hai.

Tới khi yên tĩnh lại, cậu mới cùng đứa hầu gái thẩn thơ hồi phủ. Trong phủ, nhóm người hầu cũng vội vàng châm đèn, trong phủ sáng trưng, cậu nhẹ nhàng vào phòng dùng bữa cùng cụ Tự, và phu nhân. Phu nhân có chút trách hôm nay sao cậu về muộn, cậu cũng không nói gì mà chỉ gật đầu nghe lời phu nhân răn dạy.

Cụ Tự nhắc cậu:

- Cũng sắp mười sáu rồi, sang tháng thầy gọi anh con về, cả nhà cùng lên chùa làm lễ. Sau này con không còn thân phận là con gái nữa, cũng không phải giữ gìn phép tắc nữ lưu. Nhưng thầy với u con dạy con, chiều chuộng con nhưng cũng nghiêm khắc với con là mong con giữ được bản tính, sau này không sa đà mà mất đi đạo làm người.

Cậu đáp lời:

- Con hiểu thầy u thương con nhất mà. Lúc nào con cũng khắc ghi lời dạy của thầy nên thầy yên tâm.

Phu nhân cười nói:

- Rồi rồi, hai thầy con ăn cơm đi, tới bữa ăn còn giảng đạo đức với thánh hiền nữa. Cô San hay cậu Sơn cũng ăn cơm đi, lớn rồi, cứ nhõng nhẽo mãi thôi. Mai u viết thư để cậu Cường còn về kịp để cả nhà lên chùa làm lễ đúng ngày sinh của cậu, còn cậu thì đi luyện chữ đi, muốn thi tiến sĩ mà chữ xấu là không được đâu.

Nghe thấy vậy, cậu lại mè nheo:

- U ơi, con sẽ tập mà, u đừng tạo áp lực cho con nữa, có thầy ở đây rồi. Con khóc mất.

Nói rồi cậu hít hít mũi, cố nặn ra một giọt nước mắt nhưng mắt vẫn khô rang. Nhìn cậu, cụ Tự và phu nhân chỉ biết dở khóc dở cười, tiếp tục bữa cơm mà không nói thêm lời gì nữa.

Nắng lênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ