- Warning: OOC.
- Healing một chút với tiệm bánh tôi iu.
- POV chủ tiệm lớn.---
Hôm nay tôi tiễn chàng ra sân bay, vì bay quốc tế nên tôi nán lại với chàng lâu lắm, tôi sợ rằng phải xa chàng đến vài tháng trời mới có dịp được khoác tay nhau như thế này. Chàng luôn miệng hỏi tôi có đói không, chàng biết tôi khảnh ăn nên hỏi lấy lẽ thôi, chứ tay thì dí thìa nước phở lên miệng tôi, từ chối làm sao được. Tôi không thích ăn đồ ăn ở sân bay, nhưng mua bằng tiền của chàng thì ăn gì cũng ngon cả.
Chàng phải bay chuyến đêm cho kịp giờ check in, tối qua nằm cạnh tôi chàng cứ trằn trọc không ngủ được, thành ra nãy giờ cứ ngáp ngắn ngáp dài. Tôi nói chàng ơi tựa lên vai tôi chợp mắt một chút, nhưng chàng cười rồi bảo sợ nhắm mắt sẽ quên mất tôi. Tôi tính mắng chàng là sến quá, mà chỉ còn vài chục phút nữa là tôi phải xa cái sự sến rện đến ớn lạnh của chàng rồi.
Tôi tiễn chàng đến cổng an ninh, nhìn bóng chàng hoà vào dòng người đông đúc. Đến lúc khuất bóng, tôi vẫn chẳng cảm thấy buồn lòng lắm, âu có lẽ là vì tôi biết kiểu gì chàng cũng về. Chàng người yêu của tôi đã tạm gác lại nghiệp cầm ca để đi du học như vậy đấy, chàng muốn đi học, thế thôi. Tôi biết tính chàng quả quyết nên chàng nói vậy nghĩa là đã chuẩn bị gần đến bước cuối rồi, nên tôi chỉ cần hỏi chàng dăm ba câu để nắm tình hình là được.
Chàng chọn một khóa học sản xuất nhạc ngắn hạn bên Úc, cụ thể là ở Melbourne, kiếm học bổng xong chàng âm thầm làm việc với công ty quản lí, rồi mới nói với tôi. Chắc chàng sợ vì kém tuổi tôi nên tôi luôn coi chàng hãy còn chập chững và ngây ngô lắm, mà đúng là có đôi lúc như thế thật. Chàng quyết định rời xa tôi sáu tháng để đi học, ác thật chứ, tôi lấy cớ đấy dỗi chàng mất mấy ngày.
Dạo này chàng đi ngủ sớm, tôi vẫn giữ thói quen ngủ ngày cày đêm, nhưng vì Úc cách Việt Nam 3 tiếng nên chúng tôi thường xuyên gọi điện cho nhau vào mỗi 12 giờ đêm để cập nhập tình hình. Chàng thuê lấy một căn hộ studio nhỏ gần ga Trung tâm Melbourne, nghe đâu tiền nhà mỗi tháng bằng cả tuần đi diễn của chàng. Chàng mặc bộ đồ ngủ dài tay rồi mà còn khoác thêm chiếc áo phao bên ngoài trông đến là mắc cười, vì Sài Gòn đang nóng như đổ lửa còn Melbourne thì chỉ có 10 độ C. Ngày đầu chàng đáp xuống sân bay, chàng phá bĩnh giấc sáng của tôi mà xuýt xoa gió lạnh, trong khi mới ngày trước còn cười tự tin là có mùa đông nào lạnh bằng cái rét ở quê nhà tôi. Vì chưa quen nên mãi chàng mới biết cách bật máy sưởi lên cho đỡ lạnh.
Chỗ chàng học cách nhà đâu đó ba dãy phố, trên đường đi chàng kể cho tôi nghe về những con dốc đứng như dốc Nhà Bò ở Đà Lạt, về những chuyến tram suýt làm chàng trễ lớp, về những tiệm bánh ngọt sực nức mùi đường cháy mà chàng hay bảo rằng Chẳng thể nào ngọt bằng mùi nước hoa của bạn đâu. Tôi đáp lại, rằng, ở Sài Gòn mọi thứ vẫn vậy, anh em vẫn trà đá lề phố rồi ngồi rịt trong phòng làm nhạc, chiều tối về vẫn mưa và kẹt xe, có chăng là thiếu cái ôm chào đón của chàng sau ngưỡng cửa. Và chàng nói rằng chàng nhớ cái hôn chúc ngủ ngon của tôi nhiều như tôi nhớ hơi ấm của chàng vậy.
Một lần chàng kể tôi nghe về chuyến đi ngắn ngày với hội đồng hương ở một hòn đảo nhỏ, cách thành phố hai chuyến xe đò (chàng gọi vui như vậy), hôm ấy trời mưa lất phất còn hơi se lạnh, nên chàng nói rằng chàng nhớ mẹ tôi (chẳng hiểu sao luôn). Chàng nhớ cái đêm Tất niên ngồi vụng về gói bánh chưng cùng mẹ tôi và mẹ chàng, rồi mấy ngày sau chúng tôi ra mắt họ hàng làng xóm. Tất nhiên là phản ứng chẳng quá tích cực, nhưng trộm vía mọi người đều mến chàng vì chàng cũng tỏ ra ngoan ngoãn vâng lời, thành ra cái Tết năm ấy cũng yên ả ra trò. Vì mọi người mến chàng nên lúc chàng thông báo đi du học, ai cũng nơm nớp lo rằng chàng sang xứ người khéo lại bỏ quên mất tôi, chàng cười lớn mà đùa lại Người yêu con một lần lên sân khấu làm cả trăm người theo đuổi, các bác quên hay sao?