Lúc còn nhỏ, mỗi buổi chiều tôi thường chạy quanh xóm, đùa với lũ cùng khu. Thi thoảng lại bắt gặp một chị, còn rất trẻ nhưng lúc nào đầu tóc cũng bù xù, có đôi khi còn có cả vài cành hoa héo rũ rượi cài trên cái tổ quạ ấy. Quần áo thì sặc sỡ sắc màu, lắm lúc rách tươm bươm. Chị cứ như đang ở trong thế giới riêng của mình, lúc nào cũng chuyện một mình rồi chợt cười phá lên, cũng có khi thì thầm tâm sự, tựa hồ có ai đó đang ở bên cạnh cùng chia sẻ những lúc ngẩn ngơ. Đám chúng tôi thấy chị thì sợ lắm, mỗi đứa chạy trối chết về nhà, nhưng vẫn thập thò cái đầu tò mò theo bóng chị cho đến khi khuất hẳn. Cứ như thế, chị giống như một phần của tuổi thơ chúng tôi, xuất hiện lúc chiều chiều, cười nói loạn trí rồi đi mất dưới ánh hoàng hôn. Đến khi lớn hơn được một tý, có vài đứa còn chơi dai, lượm đồ chọi chị, khiến chị chạy rối rít. Vài lần như thế, chị cũng không còn xuất hiện ở gần khu nhà nữa. Mãi đến tầm 5 năm về trước, chị lại về, vẫn nụ cười ngây ngô, vẫn mái tóc rối bù , vẫn quần áo sặc sỡ, nhưng giờ mái tóc đã điểm sương, gương mặt còn vài chỗ bầm tím. Chắc những năm nay chị sống cũng chẳng tốt gì mấy. Rồi theo những bộn bề của cuộc sống, tôi dần quên đi chị. Mãi cho đến ngày hôm qua...
Lúc ấy, tôi đang đọc lại những ghi chú của mình về bệnh Tâm thần phân liệt (schizophrenia) từ bài của giáo sư mình, rồi tham khảo trong cuốn DSM-IV, để chuẩn bị bài viết trả lời cho em Meg. Không hiểu sao khi đọc về những dấu hiệu bệnh chứng, hình ảnh chị chợt ùa về tâm trí tôi, những lúc chị cười, những lúc chị ngơ ngẩn một mình...càng khiến tôi có thêm phần khẳng định chị bị mắc chứng tâm thần phân liệt. Một chứng bệnh rất dễ bị chuẩn đoán nhầm, cũng như ít người hiểu rõ về nó.
Từ những gì tôi đọc được trong cuốn từ điển tâm lý học, bệnh tâm thần phân liệt là tập hợp của những dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng ( cả bề nổi và bề chìm hay còn gọi là tích cực và tiêu cực) xuất hiện trong một khoảng thời nhất định trong 1 tháng (hoặc có thể ngắn hơn nếu bệnh nhân được chữa trị hiệu quả) và có một vài dấu hiệu của bệnh chứng biểu hiện liên tục trong vòng 6 tháng. Những dấu hiệu và triệu chứng này thường có ảnh hưởng đến đời sống, giao tiếp xã hội và mất khả năng hoạt động bình thường.
Nói một cách dễ hiểu hơn, lấy ví dụ là chị, thì việc chị có những biểu hiện mất khả năng giao tiếp với người khác, suy nghĩ không theo lối thường thức, không biết mình đang làm gì, và nó tồn tại hơn 6 tháng ( trường hợp của chị là mấy chục năm) , thêm vào đó Những biểu hiện này không phải là kết quả từ việc dùng thuốc quá liều hay bất cứ phương pháp chữa trị nào, là đủ cơ sở để nghi ngờ chị mắc chứng tâm thần phân liệt.
Những triệu chứng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt liên quan đến việc mất khả năng vận hành tổ hợp của nhận thức và cảm xúc, bao gồm nhận biết, suy luận, ngôn ngữ, giao tiếp, điều khiển hành vi, ảnh hưởng, sự lưu loát, kết quả từ những suy nghĩ, năng lực nói, ý muốn và dục vọng. Và vì đây là một điểm quan trọng nên tôi muốn nhắc lại một lần nữa, để bị coi là mắc chứng tâm thần phân liệt, bệnh nhân phải có những triệu chứng của tổ hợp mà tôi vừa nói đến, chứ không phải là một trong số đó, không phải chỉ đơn lẻ một dấu hiệu mà là một tập hợp. Việc chuẩn đoán bệnh lý thường bao gồm nhận biết nhóm dấu hiệu, và triệu chứng liên quan đến mất khả năng lý giải và hoạt động thường ngày.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí bất thường và tâm lí tội phạm
Mystery / ThrillerCó bao giờ bạn suy nghĩ gì đó rồi giật mình hỏi "Tại sao mình lại suy nghĩ như vậy chưa?" Hay, "Tại sao mình lại làm như thế?" Nếu thế đây là góc nhỏ để bạn bày tỏ những suy nghĩ, khúc mắc trong lòng. Và đây cũng là góc để bạn tìm hiểu thêm về các c...