CHUỘT THỊT

206 3 0
                                    

Thế là hết. Bao nhiêu thành tâm, với công trình thức trắng đêm để muối được một liễn thịt chuột đem lên cho con gái ở đô thành tan vỡ hết trong giây phút chỉ vì một chữ không. Không ăn. Không thể nào ăn được. Ghê lắm. Mấy đứa cháu nhất định không dám ăn. Có nhiều người chồng vốn đã là người "kén" ăn không thể nào chịu nổi, nhưng vì chiều vợ chỉ cười mà không nói gì. Là vì cái liễn thịt chuột muối kia là của bà già vợ lễ mễ đem từ An Giang, lên cho "vợ chồng con Tư" - mà chuột An Giang, khỏi phải nói, ai cũng biết là nổi tiếng ngon nhất miền Nam nước Việt. Tội nghiệp nó lấy chồng đã mười một năm nay mà chưa có cơ hội về thăm quê. Nhớ lại lúc nó còn con gái, chỉ thèm ốc gạo và thích chuột mà dăm thì mười họa mới được ăn một bữa. Không phải vì An Giang hiếm chuột - trái lại nhiều là khác - nhưng chỉ vì tại ở nhà không có con trai, nên không có người đi săn chuột về ăn. Bỏ tiền ra chợ mua, đối với con nhà nghèo, là chuyện không mấy ai nghĩ tới. Sống ở quê, thèm chuột quá mà phải nhịn; bây giờ có tiền ở đô thành muốn ăn thịt chuột chắc gì đã có, bà già nhà quê mang liễn thịt chuột muối biếu con, hí hửng là cả nhà người con gái cưng của mình sẽ tiếp nhận một cách niềm nở và thưởng thức say mê, không ngờ vừa mới mở nắp liễn ra thì, trừ người vợ, cả nhà đều há hốc miệng mà kêu lên một tiếng vô nghĩa, chưa thấy ghi trong tự điển.

Có phải tại ở đô thành người ta không biết ăn thịt chuột không? Hay tại anh chồng Bắc Kỳ không thấy ai ăn thịt chuột bao giờ nên nghe thấy nói thịt chuột thì bở vía? Không phải. Ở Bắc Kỳ, tại các miền quê, có khối người ăn thịt chuột, nhưng anh chỉ nghe thôi mà thực mắt thì chưa thấy ai ăn bao giờ. Anh ta quan niệm rằng những người ăn uống như thế là ăn uống lem nhem, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn thịt chuột; phải chi có tiền để ăn thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt vịt thì chắc chắn không có ai nghĩ tới chuyện ăn thịt chuột bao giờ. Vào đến đây, anh ta đi dạo chợ Bàn Cờ, xóm Chiếu, đôi ba lần đã thấy có người xách hai cái lồng làm bằng dây kẽm bán chuột, mỗi lồng độ hai chục con, lớn bằng chừng cái cườm tay, còn sống nguyên, con nào con nấy vểnh râu ra, phình phình lỗ mũi, giương mắt ra nhìn thiên hạ một cách nhâng nháo như những thằng ăn cướp. Ấy thế mà người ta cũng kéo lại mua đông đáo để. Hai trăm, hai trăm rưởi, một chục con. Người mua chuột chỉ vào từng con, người bán, y như thể một tay hát xiệc, bắt đúng tẩy liền, lôi ra khỏi lồng, quật đánh đét một cái xuống đất, con chuột chết hộc máu mồm giẫy mấy cái rồi "đi đứt". Mà tuyệt nhiên người bán lúc bắt chuột không hề bị một con nào đụng đến cái móng tay!

- Thấy vậy, tôi vẫn ưa nghĩ rằng chắc gì chuột đó đã là chuột đồng như người ta vẫn nói! Hơn thế, tôi yên trí các tay bán chuột đó là mấy anh chàng ngụy tạo dân vườn ruộng và chuột của họ là chuột cống ăn bẩn ăn thỉu, ăn dơ ăn dáy mà hàng đêm họ vẫn bắt được ở cống rãnh, sình lầy, tha ma mộ địa, ăn vào chưa biết ngon lành, bổ béo đâu mà hãy thấy ngay là rất có thể bị thổ tả, hay dịch hạch.

Vì yên trí như thế, ở Bắc rồi vào Nam, tôi nhìn những người ăn thịt chuột với những ý nghĩ đặc biệt: vừa sợ, vừa ghê. Đến khi vào đây sống với người bạn đầu gối tay ấp miền Nam, đi đây đi đó và đêm khuya nằm nghe vợ nói chuyện về các món ngon vật lạ, tôi phải nói là tôi ngạc nhiên không chịu được vì thịt chuột không phải là thứ ăn chơi ăn bời nhưng là một thực phẩm gia dụng, một món ăn được nhiều người ưa chuộng và ca tụng hơn cả thịt gà, thịt vịt, thịt rừng, thịt chó.

Món lạ miền NamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ