Để rồi có cơ hội nào gặp một vị lương y, tôi phải hỏi cho rõ phải chất đó là "a-xít phoóc-mích" không. Cứ để lơ mơ trong đầu, bực lắm. Ba ngươì bạn, trong một bữa cơm liên hoan, quả quyết vơí tôi như thế, nhưng acide formique là gì, chỉ có loài kiến có axit ấy hay loài nào cũng có, và tại làm sao cái a-xít ấy lại ảnh hưởng đến những cây có trái và làm tái được thịt bò, không có người nào giảng cho tôi thấu đáo.
Câu chuyện khởi đầu như thế này: chúng tôi ăn món chim quay. Một anh bạn khen mềm tuyệt và thơm phưng phức như múi mít. Một anh khác lắc đầu: "Ăn thua gì. Chim này kém chim Quảng Sinh Long một trời một vực". Câu chuyện đưa đến nghệ thuật quay chim rồi rượu vào lời ra, chúng tôi đề cập đến món "thịt bò cải làn" ở Cột Nhà Cháy, Hàng Buồm Hà Nội; món trứng chim cút nấu đông ở Tân Lạc Viên, Hảỉ Phòng và món xôi hấp với mè đen cuả một bà Tàu già, tối tối vẫn bán ở đường Tản Đà - Chợ Lớn.
Cái món xôi này, tôi đã thưởng thức một vài lần, do một ông bạn sành ăn hơ hớt hốt hoảng đến nhà rủ đi ăn vào một đêm bão rớt. Ăn ngon và bùi nhưng ăn một điã xôi như thế tôi không thể không nhớ đến một ngày đã xa xôi mà lúc đó và ngay chính bây giờ, nhắc đến, một amh bạn khác đã phải nắc nỏm khen là "ngon nhất trên đời", không có thứ xôi nào sánh kịp.
- Lại dở cái tài nói khoác ra rồi. Bất quá là xôi dừa chứ gì!
- Ai chẳng ăn thứ xôi đó mòn răng, có gì lạ đâu.
- Thế thì tôi dám quyết với anh là xôi thổi với nhân trám. Trong rừng, có nhiều cây trám đen. Chắc là người ta cho anh ăn xôi thổi với nhân trám đen rồi.
- Nghe bắt thèm. Nhưng cũng không phải nữa. Thứ xôi mà tôi nói ở đây là thứ xôi không có nhà nào ở vùng xuôi thổi cả; đó là xôi đồ trứng kiến. Chính mắt tôi không được trông thấy loại kiến đó như thế nào và người ở rừng làm cách nào để tìm được ra tổ nó và lấy trứng về ăn. Tôi chỉ biết cái loại trứng kiến ấy to bằng hai hạt vừng, trắng tinh ra, đem dĩa xôi lên có để ý mới biết là có trứng kiến lẫn vào gạo nếp. Quả đúng như lời giới thiệu: xôi đồ trứng kiến ăn thơm phưng phức mà bùi lạ bùi lùng, hạnh nhân, nhân trám, noa, hột điều... tất cả chỉ là một thằng chim chích đứng bên cạnh anh khổng lồ. Chẳng cần giò chả để ăn điểm vào làm gì cho mệt: cứ xôi không mà "dã" cũng đã đủ quên chết rồi.
Ấy chính vì câu chuyện kiến ấy mà ba ông bạn tôi nói trong bữa tiệc liên hoan mới bàn đến loài kiến và nhắc đến danh từ khoa học "acide formique" mà tôi mù tịt.
- Vậy theo ý các cụ, trứng kiến ăn bùi và ngon như thế có phải nhờ cái "acide formique" mà các cụ vừa nói đó không?
- Cái đó anh em chưa nghiên cứu.
Riêng tôi chẳng nghiên cứu gì hết, tôi chỉ biết một điều là loài kiến kỳ lạ lắm. Ngoài cái tổ chức khoa học và kỷ luật như loài ong mà ai cũng biết, kiến dường như có một linh tính đặc biệt, một thứ ra-đa đặc biệt biết trước những sự việc sắp xảy ra. Thí dụ sắp có nước lớn, chúng biết và tha trứng từ vùng thấp lên vùng cao để bảo vệ trứng cho khỏi ngập.
Thường thường, trong những vụ tản cư như thế, các nhà khoa học vẫn thấy diễn ra các cuộc chiến tranh kinh khủng giữa bộ lạc nọ với bộ lạc kia, giữa loại kiến vàng với kiến đen, giữa kiến đen với kiến cánh. Thường thường loại kiến đen và kiến cánh không dữ tợn và đốt đau như kiến vàng và kiến lửa. Riêng giống kiến vàng cũng phân ra nhiều loại, to nhỏ khác nhau, cao thấp khác nhau. Trứng kiến để đồ xôi, theo các bạn săn, là giống kiến vàng. Chính giống kiến vàng này lại còn giúp một phần đắc lực nữa vào trong việc chế hoá một món ăn kỳ lạ nữa của miền Nam mà miền Trung và miền Bắc không hề biết.