ĐUÔNG

164 1 0
                                    

Có ai về Cù Lao Cổ Chiêng, đến ấp Rạch Giốc, nhắn hộ tôi với Cậu Bảy Tân rằng tôi nhớ hoài nhớ hủy bữa đuông hôm hai mươi sáu tháng chạp ta năm ngoái.

Chà, cậu ăn kể ra đã "kỳ kèo". Ở Chợ Cũ, Phú Nhuận, Ngả Ba Ông Tạ, thường thường người ta ở Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau về, hay ở Bắc Thủ Thiêm sang, vẫn đem đuông bán, một bó mười đọt chừng hai chục đồng trở lại; ta mua về, ăn nhậu với nhau cũng được, hà tằng gì phải về tận làng Long Hòa mới thưởng thức cho được bữa đuông chiên? Cùng lắm, ở cái tiệm nho nhỏ đầu đường Ohier, thỉnh thoảng cũng có làm món đuông tẩm bột, mình vào kêu một đĩa nhấm nhót với nhau để biết mùi đuông, vậy không đủ hay sao?

Cậu Bảy không chịu thế:

- Muốn thưởng thức cái ngon huy hoàng của đuông, phải chính tay tôi làm mới được.

Cậu Bảy là một thứ "Ông Hoàng ăn cơm ngon" kiểu Curnonsky ở Pháp, đã giới thiệu cho ai món ăn gì thì nhất định không bao giờ chịu "vừa vừa", nhưng phải là "gia dụng" nghĩa là phải chính tay cậu chế biến ra.

Thú thật, tôi đã trông thấy con đuông nhiều bận. Lần đầu tiên là ở trong chùa Chà, hai mẹ con một á xẩm ngồi chẻ đọt dừa, lấy đuông cho vào cái chậu để bán cho khách hàng ăn. Tôi phải nói thực là tôi kinh khủng. Không, tôi không phải như "má thằng cu" hễ thấy một con sâu thì toát mồ hôi ra, la hét um sùm nhà rồi té xỉu; nhưng tôi kinh khủng là vì tại sao có người lại có thể ăn con sâu đó vào trong bụng.

Bởi vì đuông là một con sâu, không hơn không kém. Nói một cách khác, thì đó là một thứ ấu trung của kiến dương, lớn bằng ngón tay út, béo nhũn nhà nhũn nhịn như con sâu đo, đầu bằng đít, đít bằng đầu. Sắc nó trắng màu ngà, không có chân, nhưng ở đầu và đít có máy đen, và chân nó thì có ngấn kiểu ở ngoài Bắc ta vẫn kêu "béo mầm!".

Ấy đấy, con đuông như thế đấy.

Thuở nhỏ, ở Hà Nội, tôi có một vài lần trông thấy thầy tôi mua những bó như bó trúc đem về tước ra thì trong mỗi cành có một con sâu kêu là "đông trùng hạ thảo". Con sâu nhỏ đó bằng độ cái đầu đũa; thầy tôi đem ngâm rượu, hạ thổ ba tháng mười ngày rồi lấy lên uống, bảo như thế thì bổ thận.

Tôi không biết thận là gì cả, chỉ biết uống như thế thì kinh quá. Nhưng thôi cũng được đi, bởi vì là ngâm rượu, đến lúc rượu ngấm, bỏ sâu đi, khuất mắt không biết là dơ hay sạch, nhưng đằng này rõ ràng là một con sâu, mà cho vào miệng nhai - không, muốn nhã lịch đến thế nào, tôi cũng chắp tay lại mà khước từ.

Trớ trêu thay, mình lại ghét của nào trời lại trao ngay cho của đó: Cậu Bảy nhất định phải đãi mình một bữa đuông.

Ở đời, có cái chàng Kinh Kha gặp Thái Tử Đan tốt quá, đến nỗi không cần tự lượng sức mình, dám đơn thương độc mã sang Tần thích khách văng mạng: mình cảm tấm lòng của cụ Bảy há lại không dám về Cổ Chiêng ăn một bữa đuông mà Cậu trịnh trọng mời mình tam tứ thứ hay sao? Huống chi có ăn một bữa đuông như thế cũng không đến nỗi táng mạng như Kinh Kha kia mà!

Tôi đã tỉnh ngộ ra từ hôm đó và tôi thấy rằng phàm người ta có thành kiến thì dễ bị thiệt hại nhiều. Thì ra cái con đuông ăn cũng kể như ăn sầu riêng vậy. Có người thấy sầu riêng, giẫy lên đành đạch, kêu ầm lên là "thúi" quá. Ấy vậy mà miếng đầu bỏ vô đi, ăn miếng thứ hai vào lại muốn ăn ba; thế rồi thì đâm ra nghiện lúc nào không biết!

Món lạ miền NamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ