Quả tình hôm đó, tôi muốn mắc một bệnh thật nặng để chết ngay cho rảnh nợ. Ờ, mà đùa cái gì cũng được đi, cớ sao lại đùa ác đến thế bao giờ! Mời người ta đến ăn cơm, sửa soạn đường hoàng, nào ăn cho phễnh bụng, thế rồi xong xuôi đâu vào đó thì tuyên bố: "Anh vừa ăn dơi đấy, chớ không phải gà lôi đâu". Thế thì có giết mình không?
Phản ứng của con người ta lạ thực. Từ đầu đến cuối bữa ăn hôm đó, ở nhà cô Ba Dung, tôi phải nói thực là tôi ăn "khoái khẩu" lạ lùng, ấy vậy mà vừa nghe thấy cô Ba "tuyên bố lý do" như thế thì tôi lợm ngay giọng liền và cảm thấy mình chưa ăn uống kinh tởm đến như thế bao giờ.
Trong một phút, bao nhiêu cái gì là ngon lành, thú vị, mùi mẫn vụt tan biến hết để cho từ đáy dạ dầy tôi không chỉ còn một vị dơ dáy cuồn cuộn lên cuống họng, đắng ra đầu lưỡi, nhạt cả mồm miệng, y như thể là mình vừa mới mắc bịnh cúm Hồng-kông!
Từ thuở bé, tôi vẫn sợ con dơi, sợ còn hơn cả các bà, các cô sợ chuột. Khômg phải sợ dơi nó cắn, dù vẫn biết rằng ở vài nước Nam Mỹ có thứ dơi khổng lồ nhảy đại vào trẻ con để hút máu; nhưng sợ vì cái giống gì hôi quá, không thể nào chịu nổi.
Đọc truyện "Tây Du", "Phong Thần", thấy đứa gian thần nào củng "đầu dơi tai chuột", tôi đã có thành kiến đó là cái giống vật xấu xí, nhơ bẩn, đáng ghét nhất trần gian; nhưng thật kinh tởm con dơi, phải đợi đến lúc tôi đi học, một hôm, cùng các bạn đi Chùa Trầm, lọt vào một cái hang dơi.
Hôi đâu mà hôi lạ lùng đến thế! Ở trên các nẻo đường Sài Gòn - Chợ Lớn, đôi khi người đi dạo, lang thang hè phố, đã từng gặp những ông hay gánh hai cái lồng thép bán dơi, hoặc còn đủ cả lông cả cánh, hoặc đã lột da rồi. Đứng gần lại mà xem, mùi dơi xông ra vừa khai, vừa hôi, vừa thối, vừa tanh, nhức đầu nhức óc không thể nào chụi nổi. Ấy vậy mà mùi đó, so với mùi hôi thối ở trong hang dơi trong Chùa Trầm chưa có thấm vào đâu hết.
Bởi vì cái hang này chứa có đến hàng mấy mươi vạn con dơi, nên mùi ở mình chúng thoát ra đã buồn nôn, lộn mửa lắm rồi, ấy thế mà, ở dưới đất ở khe núi, ở lưng chừng trời, ở rễ cây, ở thạch nhũ... lại không biết bao nhiêu cứt đái do chúng bài tiết ra và tích lũy không biết mấy ngàn năm nay tại đó...
Phải rồi, có vào một cái hang như thế và cảm thông một nùi có thể làm cho kẻ ngửi thấy lên kinh mà té xỉu người ta mới có thể quan niệm được loài dơi hôi hám đến chừng nào, kinh tởm loài dơi đến chừng nào. Vậy mà cô Ba lại nhè đúng một anh sợ dơi như thế mời đến ăn cơm - nói là thịt gà lôi, rồi đến lúc ăn xong đâu vào đấy rồi, khách sắp từ biệt yêu gia chủ thì chính thức tuyên bố là vừa cho mình "dơi huyết"! Làm như cô sợ nói ăn dơi thì chưa đủ "khoải tỉ", phải thêm chữ "huyết" vào nữa cho hoàn toàn!
- Khéo làm bộ thì thôi. Người ta làm cho một bữa dơi ngon như thế, đã chẳng cảm ơn thì chớ, lại còn trách cứ. Ghét chưa?
Thì ra cô Ba Dung không có ý định đầu độc tôi. Cô mời tôi ăn dơi là vì "đầu thiện chí". Sỡ dĩ không nói ra cho tôi biết thức ấy, chỉ vì cố biết tôi sợ riêng cái loài có vú này.
- Nếu anh biết trước, anh sẽ từ chối luôn. Mà em không muốn anh từ chối vì phàm đã ăn các món ăn ngon vật lạ ở miền Nam này rồi mà chưa thưởng thức món dơi huyết, tức là còn thiếu thốn rất nhiều. Đó anh coi. Vị nó có phải lạ không? Ăn vào sướng lắm chớ! Nhưng cái đó cũng chưa sướng bằng điểm này: thịt dơi ăn bổ chân thận thật đấy, anh ạ.