Thỉnh thoảng tôi viết ra một câu thơ, và những câu còn lại cứ tự nhiên mà tuôn ra đầu ngón tay. Tôi chẳng cần suy nghĩ gì quá nhiều, cứ như chúng đã ở sẵn đó, tự động ráp nối với nhau về vần điệu, ý tưởng; tất cả những gì chúng cần là một chút mồi nhử, và boom! - hoàn tất. Tôi nghĩ có lẽ không chỉ khi làm thơ, mà đó chính là cách tư duy của tôi về vạn vật. Câu trả lời vẫn luôn luôn ở đó dù tôi không hề nhận ra, và khi tôi - một cách kì diệu nào đó - vô tình đặt ra vấn đề, thì câu trả lời lại tự động xuất hiện một cách rõ ràng và rành mạch. Tất cả những gì tôi cần làm chính là sắp xếp chúng lại bằng ngôn từ.
Tôi cho rằng sự sáng tạo hoàn toàn là bản năng của con người. Dường như khả năng sáng tạo chỉ đơn thuần là sự đào bới lại những góc tối của kí ức mà thôi. Mặc dù nguồn cội của những kí ức ấy nhiều lúc vẫn còn là ẩn số.
Tôi tin mình không phải người duy nhất nhận ra điều này. Có bao giờ bạn viết một dòng cảm xúc, một câu thơ, một giai điệu, lấy bút chì vẽ vài đường nguệch ngoạc, hay thực hành bất cứ công trình sáng tạo nào và bạn chợt nhận ra mọi thứ càng lúc càng đi xa dự liệu ban đầu của bạn. Hoặc có khi bạn chưa từng có dự liệu ban đầu, mà chúng cứ tự động nối kết với nhau như thế. Và dường như những chi tiết, diễn biến ấy có lẽ đã nấp trong bóng tối, giờ lại đột nhiên lộ diện. Bằng một cách kì diệu nào đó, hình như câu chuyện đang tự viết ra chính mình thông qua bạn. Tôi gọi đó là một sự chuyển giao thông điệp cách kì diệu, mà bạn chính là trung gian giữa linh hồn bạn (hay bất cứ nhân vật bí ẩn nào đang viết ra những câu chuyện của bạn) và ngôn ngữ. Và đột nhiên bạn không còn là người sáng tạo/tác giả nữa, mà chỉ còn là người sao chép một bản thể bí ẩn nào đó.
Tôi tạo ra mọi thứ theo bản năng, đây chính là cách tôi tạo ra sản phẩm của mình. Một câu chuyện từ vài ngàn đến vài chục ngàn chữ, một bài thơ từ hai câu đến hai chục câu, tôi hoàn toàn không rõ mình đã bắt đầu viết chúng như thế nào. Phần lớn các công trình sáng tạo đều dựa vào cảm giác của người sáng tạo. Nhưng tôi vốn không rõ cách tôi cảm nhận là gì, chỉ biết rằng tôi đã cảm nhận mọi thứ xung quanh, từ cái tĩnh đến cái động, từ cái yên lặng đến cái ồn ào. Một cái tên, một lời thầm thì của người bạn, một tiếng cười của trẻ con, một tiếng xe trước cổng nhà... tất cả được tiềm thức của tôi tiếp nhận một cách vô thức. Tôi, cũng như bất cứ con người bình thường nào khác, đều tư duy trong mọi lúc mọi nơi, khi ốm đau cũng như khi khỏe mạnh. Đôi khi tôi như lên cơn sốt vì nghĩ về quá nhiều điều cùng một lúc, nhưng cũng có đôi khi đầu óc trống rỗng chẳng có gì. Nhưng khi lên tiếng, những giọng nói trong đầu tôi rất ồn ào, rất ồn ào. Đến mức tôi trằn trọc suốt đêm, cho tới khi một bức thư pháp được viết ra, một bài thơ được hoàn tất, hay một giai điệu được giải thoát qua cây piano cũ trong phòng. Chỉ khi ấy tôi mới cảm thấy linh hồn mình như vừa trút gánh nặng.
Tôi không nhớ chúng đã liên kết với nhau bằng cách nào. Đôi khi cái kết vượt ra khỏi dự liệu của tôi, tựa hồ những câu chuyện tự viết ra chính nó còn bản thân tôi cũng chỉ là người đọc. Rất nhiều lần, tôi ngạc nhiên vì những thứ mình viết ra. Những lần đọc lại, ý nghĩa lại vượt ra khỏi ý niệm của tôi. Đó cũng là một trong những lí do tôi không thích bị ràng buộc bởi những cuộc thi viết - bản thân tôi không có duyên với những cuộc thi ấy. Họ đưa chủ đề, thí sinh viết. Tôi không làm được điều đó. Không thể nào cưỡng ép bản thân viết ra những thứ mà nó không muốn, kết quả đem lại sẽ chỉ là một mớ rối tung rối mù về ngôn từ và ý nghĩa mà thôi.
Có thể đây là điều bình thường mà ai cũng gặp phải. Cũng có thể đây là vấn đề của riêng tôi. Nhưng nếu câu thứ hai của đoạn này đúng, thì tôi không cho rằng đầu óc mình không bình thường. Tôi hoàn toàn minh mẫn. Giả thuyết của tôi về cách tư duy này của não bộ chính là kết quả của một phép cộng lớn, trong đó có nhiều số hạng khác nhau, chẳng hạn như là môi trường sống và làm việc của tôi, cách tôi được nuôi dạy, những thứ tôi nhìn thấy và gặp được... nếu chúng chỉ tuân theo quy tắc của phép cộng thì thực đơn giản, nhưng không: chúng đã liên kết với nhau trong tiềm thức của tôi một cách vô thức và kì diệu, và đến một lúc nào đó, những câu trả lời hiện ra một cách rõ ràng, và tôi ngồi đây - trước màn hình máy tính - đối diện với những điều cần được viết ra.
Người ta nói rằng những khuôn mặt ta trông thấy trong giấc mơ là những khuôn mặt ta đã gặp ngoài đời thực, chỉ là bản thân mình không nhớ thôi. Tôi tin điều này là tương tự với việc sáng tạo. Rằng những gì tôi viết ra, thực chất là những kí ức, kỉ niệm, những điều tôi tình cờ xem thấy, đọc được, và chúng may mắn lọt qua màng lọc kí ức. Nếu có ai nói rằng sáng tạo chỉ đơn thuần là công việc của trí óc thì tôi cho rằng họ sai rồi. Sáng tạo cũng là một công việc của tinh thần, và có nhiều lúc nó vượt lên trên những logic thông thường. Vượt qua cả những điểm mốc, những giới hạn mà con người tự đặt ra, từ đó đem đến kết quả tưởng chừng phi lí nhưng thật ra không hề.
Từ đó, tôi có thể đi đến kết luận rằng bản thân con người là vô năng bất lực trước những vấn đề anh ta tự đặt ra.
Giống như tôi lúc này đây, viết ra vài dòng tâm sự này chỉ trong một lần viết, không hề qua chỉnh sửa. Như bất cứ thứ gì khác tôi từng viết nên.
Và đây chính là sáng tạo, một bản năng của con người.