Trong thời gian ở Sikkim, tôi đã được nghe kể về chuyến hành hương của hòa thượng Tomo tại Ấn Độ. Cả một rừng người nô nức theo chân phái đoàn của ngài đi thăm viếng các Phật tích. Tại Sarnath hàng trăm ngàn người đã sắp hàng nghênh đón ngài dài mấy chục cây số. Báo chí Ấn Độ chạy những hàng tít lớn: "Một vị đại Lạt Ma, quan trọng vào hàng thứ tư sau đức Đại Lạt Ma đang viếng thăm Ấn Độ", "Đại lão hòa thượng Tomo Geshe Rinpoche đang thăm viếng các Phật tích"v.v...
Người ta đã thêu dệt nhiều chi tiết ly kỳ vào cuộc hành hương này mặc dù không một ký giả nào được ngài tiếp kiến và như tôi đã đề cập trước đây, không ai chụp được tấm hình nào của ngài. Tuy thế người ta vẫn phóng đại tất cả mọi điều lên bản báo và số người tò mò theo dõi phái đoàn của ngài mỗi ngày một đông. Tờ Calcuts Daily cho biết hòa thượng Tomo không bao giờ ngủ và điều này đã tạo ra những cuộc bàn cãi lớn, nhiều nhà khoa học cho rằng không ngủ là điều không thể xảy ra được. Người ta đã chất vấn ngài về điều này nhưng hòa thượng Tomo không bao giờ trả lời những câu hỏi vô ích như vậy. Tôi biết rõ hòa thượng Tomo không bao giờ nằm, ngài luôn luôn ngồi thiền ngày cũng như đêm trên một chiếc ghế gỗ. Ngài cho biết khi nằm người ta có thể ngủ quên lúc nào không biết và như vậy là không hoàn toàn kiểm soát được thân thể. Để hoàn toàn làm chủ cả thân lẫn tâm, hòa thượng Tomo thường ngồi trong tư thế liên hoa một cách ngay ngắn, nghiêm chỉnh và ngài đã làm thế trong suốt mấy chục năm nay. Tôi tin rằng với khả năng của ngài thì nằm hay ngồi cũng không thành vấn đề nữa nhưng có lẽ vì thói quen nên ngài thích ngồi hơn. Tôi biết thêm rằng một người đã nhập đại định (Samadhi) không cần ngủ vì họ đã kiểm soát thân và tâm hoàn toàn nên việc ngủ để thân thể nghỉ ngơi, tái lập quân bình không còn quan trọng nữa.
Hòa thượng Tomo vốn không thích những gì ồn ào, náo nhiệt nhưng lần này chuyến hành hương của ngài còn có sự hiện diện của Sardar Bahadur ladena, tùy viên thân cận của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba và rất nhiều nhân vật trong chính quyền Tây Tạng nên quần chúng mới biết đến và làm ồn ào như vậy. Hòa thượng Tomo và Ladena được lệnh đến Sarnath làm lễ an vị cho một pho tượng Phật lớn do tiểu vương Maharajah of Bhutan tặng cho ngôi chùa tại đây. Lịch sử pho tượng này cũng vô cùng đặc biệt và liên quan mật thiết đến lịch sử Tây Tạng mà tô sẽ đề cập đến trong chương kế tiếp khi nói về cái triều đại vua chúa xứ Tây Tạng. Có lẽ vì sự quan trọng của pho tượng này mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã triệu một phái đoàn gồm những nhân vật cao cấp nhất trong nội các đặt dưới quyền lãnh đạo của một vị hòa thượng nhiều giới đức như hòa thượng Tomo.
Ít lâu sau tôi được đọc tài liệu của Hầu tước Von Veheim Ostrau viết về chuyến công du này. Tuy là một viên chức ngoại giao cao cấp, ông cũng không được ngài tiếp kiến nên chỉ đứng trong đám đông quan sát buổi lễ. Baron Von Ostrau đã viết: "Hàng ngàn người chen chúc nhau trên một khoảng đất chập hẹp trước ngôi chùa. Họ đến để chiêm ngưỡng một vị Lạt Ma nổi tiếng, người được dân chúng Tây Tạng coi như bậc Bồ Tát hóa thân. Tuy nhiên vị Lạt Ma này chỉ ngồi yên lặng không phát biểu hay tuyên bố một điều gì. Ông ngồi đó như một pho tượng trang nghiêm đắm mình trong một trạng thái thiền định nhưng hình như có một sự bình an nào đó toát ra từ vị Lạt Ma già yếu này khiến cho số người đông đúc như vậy mà không có một tiếng động ồn ào nào, tất cả chỉ lặng lẽ chắp tay cầu nguyện một cách thành kính. Làm sao một cá nhân đơn độc có thể cảm hóa được cả một đám đông hỗn tạp ồn ào như vậy trừ khi người đó đã đạt đến những trạng thái rất cao, có thể tạo ra một bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh quanh mình..."
BẠN ĐANG ĐỌC
Đường mây qua xứ tuyết
RandomĐối với người Tây Tạng, mây có nhiều ý nghĩa huyền bí. Nhìn vào các bức họa Tây Tạng (thankas), gần như bức nào cũng thấy họ vẽ các đám mây màu sắc khác nhau. Mây tượng trưng cho sự sáng tạo vì nó có thể mang bất cứ hình thù gì. Mây trắng tượng trưn...