Tây Tạng trong thời cực thịnh khoảng cuối thế kỷ thứ bảy là một quốc gia hùng mạnh. Dòng họ Gampo sau khi đánh dẹp các lãnh chúa đã thống nhất xứ này thành một vương quốc, đặt căn bản cai trị dựa trên quân sự và tôn giáo. Tôn giáo Tây Tạng khi đó là một thứ tôn giáo chú trọng về huyền thuật và các hiện tượng siêu hình gọi là Bon Pa hay Bon.
Triều đại Choegats mở mang bờ cõi và bành trướng ảnh hưởng khắp nơi, phía bắc họ tiến vào lãnh thổ của người Mông cổ, phía tây họ thâu gồm nhiều địa hạt của Ba tư (A Phú Hãn ngày nay) và phía đông họ bắt đầu dòm ngó những thửa đất mầu mỡ của Trung Hoa.
Trước sự đe doạ của Tây Tạng, vua Đường Thái Tông của Trung Hoa đã phải áp dụng chính sách hòa hoãn là gả công chúa cho vương quốc Tây Tạng Songtsen Gampo, để kết tình thông hiếu hai bên.
Công chúa Văn Thành của Trung Hoa đã đem vào "xứ tuyết" một tượng Phật Thích Ca và rất nhiều kinh điển Phật giáo. Có nhiều truyền thuyết về bức tượng này. Cuốn Tây Tạng Sử Ký (Pag-sam-Jon-zang) chép rằng bức tượng này được khắc từ khi đức Phật còn tái thế nhưng học giả lại cho rằng bức tượng được tạc bởi môn đại đệ tử của đức Phật khoảng một trăm năm sau khi ngài phân diệt. Người Tây Tạng tin rằng bức tượng này vô cùng linh ứng và đã có rất nhiều thuyết về sự mầu nhiệm của pho tượng mà họ gọi là "Jovo Rinpoche" này.
Vua Songsten Gampo cho xây chùa Jokhang để an vị pho tượng Phật và chứa đựng kinh điển mà công chúa Văn Thành mang qua. Để làm vui lòng vợ, vua còn cho mời một số tăng sĩ Trung Hoa đến trụ trì và đạo Phật được truyền vào Tây Tạng lúc đó. Jokhang được coi như ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng.
(Ghi chú của tác giả: Năm 1932, quốc vương xứ Bhutan thân hành sang Lhassa xin phép thỉnh một pho tượng phỏng theo pho tượng Jovơ Rinpoche này. Vì lý do đặc biệt nào đó, đức Đạt lai Lạt Ma lại cho tạc đến hai pho tượng giống y hệt pho tượng chính. Một pho được đem về xứ Bhutan, pho tượng kia được trao tặng cho một ngôi chùa ở Samath. Một phái đoàn gồm nhiều nhân viên cao cấp trong nội cát và các Lạt Ma trưởng lão đặt dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Tomo đã rước pho tượng này qua Ấn Độ. Như tôi đã đề cập ở chương trước, phái đoàn được đón tiếp vô cùng nồng nhiệt và lễ an vị Phật đã diễn ra hết sức trang trọng. Tại sao đức Đại Lai Lạt Ma cho tạc đến hai pho tượng? Tại sao lại cử một phái đoàn gồm những nhân vật quan trọng, những trưởng lão dầy công đức tu hành hộ tống pho tượng qua Ấn Độ? Ngoài ra tôi được biết Hòa thượng Tomo còn đem theo rất nhiều kinh sách rất qúy báu chất trong những rương gỗ đến gửi ở ngôi chùa quanh miền Sarnath. Dĩ nhiên lúc đó không mấy ai để ý đến chi tiết này, phần tôi tuy thắc mắc nhưng cũng không tìm được câu trả lời. Mãi cho đến khi cuộc cách mạng văn hóa bùng nổ, tô kinh hoàng hay tin Trung cộng đã đặt mìn phá tan chùa Jokhang. Tất cả kinh điển chất chứa nơi đây đều bị thiêu hủy hoàn toàn và rồi những tin dữ dồn dập xảy đến, hơn 2000 ngôi chùa bị thiêu hủy, hầu hết những pho tượng Phật đúc bằng vàng đều bị nấu chảy mang về Trung cộng. Tất cả kinh điển Tây Tạng đều bị thay thế bởi cuốn Hồng Thư của Mao. Đến khi đó tôi mới nhận thức rằng đã có sự chuẩn bị thu xếp từ trước để duy trì kho tàng văn hóa xứ này khỏi bị hủy diệt).
BẠN ĐANG ĐỌC
Đường mây qua xứ tuyết
De TodoĐối với người Tây Tạng, mây có nhiều ý nghĩa huyền bí. Nhìn vào các bức họa Tây Tạng (thankas), gần như bức nào cũng thấy họ vẽ các đám mây màu sắc khác nhau. Mây tượng trưng cho sự sáng tạo vì nó có thể mang bất cứ hình thù gì. Mây trắng tượng trưn...