Phần 7 - Thân và tâm

752 12 1
                                    

Một cá nhân thường được định nghĩa gồm có hai phần: tâm lý và sinh lý hay tâm và thân. Thân là phần vật chất được cấu tạo bởi các yếu tố mà khoa học có thể giải thích và chứng minh. Tâm là những tri giác, suy tưởng, quan niệm và tình cảm của con người mà khoa Tâm lý học đang cố gắng giải thích.

Khoa học chú trọng phần sinh lý và ít để ý đến phần tâm lý mặc dù không hề phủ nhận nó nhưng giáo lý Phật giáo lại giải thích rất rõ rệt sự liên hệ giữa hai phần này.

Phật giáo giải thích rằng vạn vật tự nó vốn không có tự tánh nhưng nhờ tác dụng của tâm thức mà phân biệt được mọi thứ. Con người có các giác quan (yếu tố sinh lý) nhưng các giác quan này cần phải có thêm các thức căn (yếu tố tâm lý) mới có thể sử dụng được. Thí dụ như người chết mặc dù vẫn có giác quan nhưng không thể hiểu biết, cảm xúc vì thiếu yếu tố tâm lý.

Có năm thức căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân) liên quan mật thiết với năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và năm thức căn này đều có tính cách giới hạn trong phạm vi riêng của chúng. Thí dụ như nhãn căn phối hợp với mắt được sử dụng để nhìn nhưng không thể nghe họ nói được. Nhĩ căn phối hợp với tai dùng để nghe nhưng không thể làm gì khác v.v...

Ngoài ra còn có một thức căn tổng quát phối hợp tất cả năm thức căn kia gọi là ý thức hay tâm thức. Ý thức đóng vai trò kiểm soát, điều khiển các thức căn kia nhưng ngoài ra nó còn có thể phân biệt, tiên đoán, tưởng tượng, phối hợp mọi thứ. Tuy nhiên ý thức vẫn có tính cách giới hạn vì khi thân thể ngủ say, ý thức cũng bị hôn mê theo nên Phật giáo còn phân biệt thêm một căn thức nữa gọi là Mạt Na Thức (Manasvljnana) hay ý căn vẫn còn nên khi tỉnh giấc con người vẫn không thay đổi. Vì tính chất không gián đoạn này nên ý căn theo kiếp sống đi đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác. Khoa Phân tâm học cố gắng giải thích ý thức và ý căn bằng những danh từ như tiềm thức, vô thức nhưng họ không thể đi xa hơn vì thiếu kinh nghiệm và phương tiện để đào sâu vào tâm hồn con người.

Ngoài ra Phật giáo còn phân biệt thêm một thức nữa có tính cách bao gồm tất cả, phát sinh mọi hiện hành gọi là Tàng Thức hay Á Lại Da Thức (Alayavijnana). Chính Tàng thức gìn giữ tất cả mọi kinh nghiệm cá nhân và tùy theo những định luật vô cùng tế nhị mà thúc đẩy các cơ hội thuận tiện, các cơ duyên cho hạt giống chất chứa nơi đây phát hiện. Tất cả mọi tư tưởng, hành động của con người đều tạo ra một năng lực làm rung động và biến chuyển vạn vật chung quanh. Cái năng lực này được ghi nhận vào Táng Thức dưới hình thức một chủng tử và tùy theo các định luật nhân qủa phức tạp mà chủng tử này phát hiện hay tiềm ẩn trong mỗi kiếp sống.

Tàng thức có tính cách cá nhân vi Tàng thức mỗi người đều khác nhau, điều học hỏi của người này khác với kinh nghiệm của người kia. Tuy nhiên Tàng Thức lại có tính cách vô biên nghĩa là Tàng Thức của cá nhân và của vạn pháp vẫn là một. Do đó mới có sự ảnh hưởng của cộng nghiệp và biệt nghiệp đối với con người.

Biệt nghiệp là điều do mình gây ra được lưu trữ trong Tàng Thức và dĩ nhiên vì những nhân duyên đặc biệt, cá nhân được sinh ra trong một quốc gia, dân tộc sẽ phải chịu ảnh hưởng hoàn cảnh chung của xã hội nơi cá nhân ấy sinh sống (cộng nghiệp).

Đường mây qua xứ tuyếtNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ