Phần 12 - Đường đến Poo

224 3 0
                                    

Theo tài liệu địa dư thì Poo nằm trên ranh giới giữa hai nước Ấn Tạng, một nửa làng thuộc Tây Tạng và nửa bên kia thuộc Ấn Độ nhưng đa số dân làng đều là người Tây Tạng, mặc dù chính quyền Ấn Độ có đặt một trạm bưu điện tại đây. Từ Poo, chúng tôi còn phải đi thêm khoảng ba tuần lễ nữa mới đến Sila, một đô thị nằm trên trục giao thông chính của xứ Ấn.

Trong thời gian ghé qua Poo, chúng tôi làm quen với Namgyang, một vị tộc trưởng có thế lực trong làng. Chúng tôi quen ông này trong một trường hợp khá hãn hữu. Lúc đó, số tiền mang theo đã cạn sạch, chúng tôi không thể trả lương hay mua thực phẩm cho đám phu được nữa. Tôi yêu cầu họ theo tôi đến Sila, tại đây tôi có thể đánh điện về Tích Lan yêu cầu tu viện chuyển tiền lên, nhưng nhóm người phu Tây Tạng nhất định không chịu. Không phải họ không tin chúng tôi nhưng vì họ đều là những người quen sống trên độ cao, thân thể họ thích hợp với thời tiết, khí hậu của rặng Tuyết Sơn. Khi xuống miền thấp, thân thể họ không thích ứng được với sự thay đổi đột ngột này. Nếu không cẩn thận, họ có thể hộc máu ra chết bất ngờ, do đó những người phu chỉ chịu đi đến Poo là chặng chót mà thôi. Cuộc bàn cãi, mặc cả của chúng tôi chưa đi đến đâu thì một ông lão tóc bạc phơ ở đâu bước đến. Sau khi cung kính vái vái chào tôi, ông thong thả bày tỏ ý kiến: “Tôi vô tình nghe được rằng ngài đang thiếu tiền bạc, tôi sẵn sàng giúp đỡ để ngài có thẻ trả chi phí cho nhóm người này. Tôi hiểu lý do chính đáng của họ, tôi sống tại đây nên rất biết chuyện này. Không một người miền thượng du nào dám mạo hiểm đi xuống đồng bằng xứ Ấn. Xin phép ngài cho tôi trả giùm số tiền này và khi nào muốn trả lại tôi, ngài cứ việc gửi qua bưu điện. Cứ ba tháng người phu trạm lại ghé đây đưa thư một lần. Tôi vẫn thường gửi ông ta tiền để mua giùm các sản phẩm xứ Ấn”.

Namgyang mời tôi ghé qua nhà để gia đình ông có thể đãi chúng tôi một bữa cơm. Trong nhà Namgyang có một phòng thờ rộng rãi. Ngoài các pho tượng Phật, Bồ Tát, ông còn để một pho tượng Padmasambhava, vị tổ Mật tông, tại một nơi rất trang nghiêm. Đối với đa số dân Tây Tạng, Padmasambhava chính là đức Phật Thích Ca đá hóa thân lại để truyền bá Phật giáo nơi đây. Lòng kính ngưỡng của dân Tây Tạng đối với vị tổ này hết sức đặc biêt. Đối với họ, ngài luôn luôn hiện diện khắp nơi để che chở, chữa bệnh và mang lại các điều lành cho họ. Bất cứ một điều gì tốt đẹp cũng đều do Padmasambhava làm. Một hôm sau cơn bão tuyết, cảnh vật chung quanh vô cùng yên tĩnh bỗng có tiếng chim hót ở đâu vang lại. Namgyang lắng nghe rồi kêu lên: “Chính ngài đó, ngài đã trở lại và báo cho chúng ta biết rằng ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời”. Truyền thuyết về Padmasambhava thường được truyền tụng khắp nơi, nhưng không tại đâu nó được nói đến thường xuyên như tại các làng mạc nhỏ bé, hẻo lánh trong rặng Tuyết Sơn. Người ta nói một cách hùng hồn về vị tổ này như ngài vẫn còn sống, đang đi thuyết pháp độ sanh. Họ nói đến ngài với sự tin tưởng vững chắc rằng một ngày nào đó ngài sẽ xuất hiện tại đây, đi vào làng thuyết pháp, chữa bệnh, chỉ bảo cho mọi người tu hành, làm lành lánh dữ.

Tôi được một nhà truyền giáo người Âu kể rằng ông đã đến những làng mạc Tây Tạng thuyết giảng cho dân chúng nơi đây về lòng bác ái, hy sinh cao cả của đức Christ, đã chịu tội thay cho nhân loại, đã phục sinh sau khi bị đóng đinh trên thập giá, đã chữa bệnh cho mọi người, làm kẻ điếc được nghe, kẻ mù được sáng. Vừa nghe đến đây dân làng đồng thanh kêu lên: “Đúng rồi, vậy là ngài đấy, ngài đã trở lại”. Tò mò vị giáo sư hỏi lại: “Nhưng “ngài” đây là ai vậy?” Mọi người đồng thanh trả lời: “Còn ai vào đây nữa? Padmasambhava chứ ai!”

Đường mây qua xứ tuyếtNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ