Hồi 22: Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ. Quan, Trương cùng bắt hai tướng Vương, Lưu.
Trần Đăng hiến kế cho Lưu Bị rằng:
- Tào Tháo chỉ sợ Viên Thiệu. Thiệu nay như hổ ngồi giữ ở các quận Ký, Thanh, U và Tinh. Quân mặc áo giáp có vài trăm vạn; văn quan võ tướng rất nhiều, sao không viết thư sang đó mà cầu cứu?
Huyền Đức nói:
- Thiệu và tôi chưa có đi lại với nhau bao giờ, vả lại vừa đánh em hắn, sao hắn chịu giúp.
Đăng nói:
- Ở đây có một người, ba đời thông gia với họ Viên, nếu được người ấy đưa thư sang cho Thiệu, tất Thiệu đem quân lại cứu.
Huyền Đức hỏi ai, Đăng nói:
- Người ấy là người ông xưa nay vốn kính lễ, sao nay lại quên?
Huyền Đức chợt nghĩ ra, hỏi:
- Có phải Trịnh Khang Thành tiên sinh không?
Đăng cười, nói:
- Chính phải!
Nguyên Trịnh Khang Thành tên là Huyền, chăm học, nhiều tài, khi trước là học trò Mã Dung. Mỗi khi Dung dạy học, bao giờ cũng treo một bức màn đỏ, ngoài thì học trò ngồi, trong thì đông những nhà trò, con gái đứng hầu. Trịnh Huyền đến học trong ba năm, mắt không trông ngang. Dung lấy làm lạ. Đến khi Trịnh Huyền học xong, trở về nhà. Dung than rằng:
- Học được bí truyền của ta, chỉ có một Trịnh Huyền.
Trong nhà Trịnh Huyền, thị tì đều thuộc Mao Thi[1].
Có một thị tì làm trái ý Huyền, Huyền bắt quỳ mãi dưới thềm, một thị tì khác hỏi đùa:
- "Hồ vi hồ nê trung?"[2]
Người kia lập tức đáp ngay:
- "Bạc ngôn vãng tố, phùng bỉ chi nộ".[3]
Như thế thực là phong nhã.
Đời vua Hoàn đế, Trịnh Huyền làm quan thượng thư. Đến sau gặp loạn mười tên hoạn quan, Huyền bỏ quan về ở Từ Châu làm ruộng. Huyền Đức khi ở Trác Quận đã thờ làm thầy, đến khi làm mục ở Từ Châu, thường thường vẫn đến hầu rất mực tôn kính.
Bấy giờ Huyền Đức nghĩ ra người ấy, lấy làm may mắn, liền cùng Trần Đăng đi đến nhà Trịnh Huyền, xin Huyền viết thư cho Viên Thiệu. Huyền nhận lời viết ngay một bức thư, giao cho Huyền Đức. Huyền Đức sai Tôn Càn đi suốt ngày đêm đưa thư đến Viên Thiệu.
Thiệu xem xong nghĩ rằng:
- Huyền Đức vừa đánh em ta, đáng nhẽ không giúp, nhưng vì có lời của Trịnh thượng thư, đành phải đi cứu.
Thiệu liền họp các văn võ bàn việc cất quân.
Mưu sĩ là Điền Phong can rằng:
- Mấy năm khởi binh luôn, nhân dân mỏi mệt, kho tàng trống rỗng, không nên lại khởi đại quân. Trước hết hãy sai người dâng biểu tâu công thắng trận lên thiên tử, nếu biểu không dâng lên được, bấy giờ sẽ kể tội cho Tào Tháo, rồi đem binh đóng ở Lê Dương, làm thêm thuyền bè ở Hà Nội, sửa sang khí giới, phân phát tinh binh, đóng đồn ngoài biên ải. Như thế trong ba năm, việc lớn có thể xong được.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Исторические романыTam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì) Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam...