Hồi 118: Khóc miếu tổ, Lưu Thầm tự tử. Vào Tây Xuyên, Chung, Đặng tranh công.
Lại nói, Hậu chủ ở Thành Đô, nghe tin Đặng Ngải đã lấy được Miên Trúc, mà cha con Gia Cát Chiêm đều chết trận cả rồi, sợ hãi không biết ngần nào, kíp vời văn võ vào bàn bạc. Cận thần tâu rằng:
- Nhân dân ở ngoài thành, già trẻ dắt díu nhau chạy loạn, tiếng khóc vang động xa gần.
Hậu chủ kinh hoảng.
Sực lại có tiểu mã chạy đến báo rằng:
- Quân Ngụy sắp đến dưới thành rồi!
Các quan bàn rằng:
- Ở đây quân đơn tướng ít, địch sao nổi quân Ngụy, không bằng bỏ Thành Đô chạy sang bảy quận xứ Nam Trung; đất đó hiểm trở, có thể giữ được, nhân thể mượn quân Man về mà khôi phục cũng chưa muộn.
Quang lộc đại phu Tiêu Chu nói:
- Không nên! Nam Man vốn là quân phản trắc, xưa nay không ân huệ gì với ta, nếu ra nhờ họ, tất sinh vạ to.
Các quan lại tâu rằng:
- Thục, Ngô đã đồng minh với nhau, nay việc kíp lắm nên sang ở nhờ Đông Ngô cũng được.
Chu lại can rằng:
- Từ xưa đến nay, không có thiên tử nào đi ở nhờ nước khác bao giờ. Tôi chắc rằng Ngụy lấn được Ngô, chớ Ngô không lấn được Ngụy. Nay xưng thần với Ngô, là nhục một lần; nếu Ngô bị Ngụy lấn nốt, lại đi xưng thần với Ngụy, là nhục hai lần; chi bằng hàng ngay Ngụy đi. Ngụy tất cắt đất phong cho bệ hạ. Như thế, trên giữ được tôn miếu, dưới yên được muôn dân.Xin bệ hạ nghĩ cho kỹ mà xem.
Hậu chủ phân vẫn chưa quyết, lui vào trong cung.
Hôm sau các quan lại bàn bạc. Tiêu Chu thấy việc đã cấp đến nơi rồi, lại dâng sớ cố khuyên hàng. Hậu chủ nghe dịu tai, sắp toan ra hàng.
Chợt ở sau cánh bình phong có một người quát to lên mắng Tiêu Chu rằng:
- Quân hủ nho sợ chết kia! Sao dám nói càn đến việc to xã tắc. Từ xưa có thiên tử hàng bao giờ mà mày dám nói láo làm vậy.
Hậu chủ nhìn lại xem ai, té ra con thứ năm của mình là Bắc Địa Vương Lưu Thầm, liền mắng rằng:
- Các đại thần cùng bàn bạc nên hàng, mày cậy sức lực khỏe mạnh, muốn để cho máu chảy khắp cả thành trì ư?
Thầm thưa rằng:
- Khi xưa tiên đế còn sống, Tiêu Chu chưa từng được dự đến quốc chính; nay dám bàn đến việc to, mở mồm nói láo, rất là vô lý. Tôi đồ rằng quân trong Thành Đô, còn có vài vạn; toàn quân của Khương Duy còn đóng ở Kiếm Các, nếu hắn biết quân Ngụy phạm vào kinh thành, tất phải vào cứu. Bấy giờ trong ngoài hợp vào đánh, thì làm gì chẳng phá nổi giặc. Lẽ đâu nghe lời hủ nho mà coi thường cả cơ nghiệp của tiên đế cho được?
Hậu chủ mắng rằng:
- Mày còn trẻ con, biết đâu số trời!
Thầm rập đầu xuống đất khóc rằng:
BẠN ĐANG ĐỌC
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Fiction HistoriqueTam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì) Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam...