Hồi 34: Sái phu nhân nấp nghe chuyện kín. Lưu hoàng thúc nhảy ngựa Đàn Khê.
Tào Tháo sai người đào được một con chim sẻ bằng đồng, bèn hỏi Tuân Du rằng:
- Điềm này là điềm gì?
Du thưa:
- Ngày xưa, mẹ vua Thuấn nằm mơ thấy con chim sẻ bằng ngọc bay vào bụng, sau sinh ra vua Thuấn. Nay thừa tướng được con sẻ bằng đồng cũng là điềm hay.
Tháo mừng lắm, sai làm một cái đài cao để kỷ niệm.
Ngay hôm ấy, bạt đất chặt cây, nung ngói đóng gạch, xây đài "Đồng Tước"[1] ở trên bờ Chương Hà, chừng một năm mới xong.
Con thứ của Tào Tháo là Tào Thực bàn rằng:
- Muốn dựng đài cao hai tầng thì phải lập ra ba toà: toà giữa cao nhất, gọi là "Đồng Tước"; toà bên trái gọi là "Ngọc Long"; toà bên phải gọi là "Kim Phượng". Lại nên xây hai cái cầu vồng nối dài hai bên với đền giữa cho đẹp mắt.
Tháo nói:
- Ý kiến con ta hay lắm. Nay mai, đền này làm xong sẽ là nơi di dưỡng tuổi già của ta!
Nguyên Tào Tháo sinh được năm con, duy có Thực là thông minh, linh lợi, giỏi nghề văn chương. Tháo rất mực yêu mến, nên để Tào Thực và Tào Phi ở lại Nghiệp Quận trông coi việc xây đền; lại sai Trương Yên giữ Bắc Trại. Tháo dẫn năm mươi sáu vạn quân, gồm cả số quân của Viên Thiệu, về Hứa Đô; phong tặng cho các công thần; lại dâng biểu xin truy tặng Quách Gia làm Trinh hầu và đem con trai Quách Gia tên là Dịch về nuôi ở trong phủ.
Tháo lại họp các mưu sĩ bàn việc kéo quân xuống miền nam đánh Lưu Biểu, Tuân Úc nói:
- Đại quân đi đánh miền bắc mới về, chưa nên huy động vội. Xin hãy đợi nửa năm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, chỉ một trận là dẹp xong Lưu Biểu và Tôn Quyền.
Tháo nghe lời, bèn chia quân ra các nơi đóng đồn, làm ruộng, đợi khi dùng đến.
Lại nói Huyền Đức từ khi sang Kinh Châu, được Lưu Biểu đãi rất hậu. Một hồi sau đương cùng nhau uống rượu, chợt có tin báo bọn hàng tướng là Trương Vũ, Trần Tôn ở Giang Hạ, âm mưu cướp bóc nhân dân, bàn mưu làm phản.
Biểu giật mình, nói rằng:
- Hai thằng giặc này làm phản sẽ gây tai hoạ không nhỏ.
Huyền Đức thưa:
- Đại huynh không phải lo, Bị xin đi đánh.
Biểu mừng lắm, lập tức điểm cho ba vạn quân. Huyền Đức lĩnh mệnh đi ngay. Không mấy bữa, đến Hạ Giang.
Trương Vũ, Trần Tôn đem quân ra đón đánh. Huyền Đức cùng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân cưỡi ngựa ra cửa cờ. Trông thấy ngựa của Trương Vũ rất khoẻ, Huyền Đức nói:
- Đây tất là ngựa thiên lý.
Nói chưa dứt lời, Triệu Vân vác giáo xông thẳng vào trận địa. Trương Vũ tế ngựa đón đánh, chưa được ba hiệp, bị Triệu Vân đâm chết. Vân nắm ngay lấy dây cương dắt ngựa chạy về.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Fiction HistoriqueTam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì) Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam...