Hồi 69: Bói Chu Dịch, Quản Lộ biết cơ trời. Đánh giặc Hán, năm người đều tử tiết.
Lại nói khi ấy Tào Tháo thấy trong cơn gió to, trời tối sầm lại, những thây xác đứng cả dậy, khiếp sợ ngã lăn xuống đất. Một lát, gió yên, những thây người biến đâu mất cả. Tả hữu vực Tháo về cung, từ đấy Tháo kinh hãi thành bệnh.
Người sau có thơ khen Tả Từ rằng:
Cưỡi gió tung mây khắp mọi nơi,
Độn hình biến phép thoả lòng vui.
Khéo bày những thuật thần tiên lạ,
Dạy Tháo không nghe, ghẹo Tháo chơi.
Tào Tháo mắc bệnh, chữa thuốc mãi không khỏi. Có quan thái sử thừa là Hứa Chi từ Hứa Xương đến ra mắt. Tháo sai Chi bói dịch xem lành dữ làm sao.
Chi thưa:
- Đại vương có nghe tiếng Quản Lộ xem bói hay như thần hay không?
Tháo nói:
- Ta cũng có biết tiếng, nhưng chưa biết nghề nghiệp y thế nào, người thử kể rõ cho ta nghe.
Chi thưa:
- Quản Lộ tên tự là Công Minh, người ở Bình Nguyên, hình dung xấu xa, tính khí bông lông, hay rượu. Cha y làm quan trưởng ở làng Tứ Kỳ, quận Lương Gia. Y từ thuở nhỏ thường hay ngẩng mặt lên trời xem các vì sao, ham xem không ngủ, cha mẹ cấm cũng không được. Y thường nói: "Gà nhà chim đồng còn biết thời tiết, huống chi là người!" Thuở bé, chơi đùa với trẻ hàng xóm hay vẽ xuống đất làm thiên văn, chia bày ra chỗ thì mặt trăng, chỗ thì mặt trời, chỗ thì sao nọ sao kia. Vừa lớn lên, học sách Chu Dịch, hiểu được hết nghĩa thâm thuý, nhìn chiều gió mà biết điềm tốt xấu, và xem số tướng cũng thần tình lắm. Quan thái thú ở quận Lương Gia là Đỗ Tử Xuân nghe tiếng, mời Lộ đến chơi, bấy giờ trong đám khách hơn một trăm người, toàn là tay giỏi mồm mép cả. Lộ nói với Tử Xuân rằng: "Tôi còn ít tuổi, khí trong quả mật chưa vững, vậy xin ba thăng rượu ngon, uống rồi mới hầu chuyện được với khách". Tử Xuân lấy làm kỳ dị, liền cho uống rượu. Lộ uống xong, hỏi rằng: "Những vị muốn đối lời với tôi có phải là khách của phủ quân kia không?" Tử Xuân nói: "Chỉ ta với ngươi mở cờ đánh trống đối địch với nhau thôi!" Nói đoạn, hai người bàn luận về nghĩa lý Kinh Dịch. Lộ bàn nói rắn rỏi, lời nào cũng sâu sắc. Tử Xuân hỏi căn hỏi vặn, Lộ đối đáp như nước chảy, từ sáng đến chiều, không tưởng gì đến ăn uống. Tử Xuân và bọn khách ai cũng chịu là giỏi. Bởi thế Lộ nổi tiếng, thiên hạ gọi là thần đồng. Về sau, có kẻ thường dân là Quách An, ba anh em cùng phải bệnh thọt chân, mời Lộ đến xem bói. Lộ nói: "Nhà ngươi có một ngôi mộ, thây trong mộ nếu không phải bác thì là thím ngươi. Khi trước gặp năm mất mùa đói kém, ngươi vì vài thưng gạo, đẩy người ấy xuống giếng, rồi lấy đá to đè vỡ cả đầu. Cái hồn ấy đau đớn, kêu oan với trời, cho nên anh em nhà người chịu quả báo, không sao cúng vái được đâu!" Anh em Quách An khóc lóc chịu tội. Quan thái thú ở An Bình là Vương Cơ biết Lộ tài bói, mời đến chơi nhà. Chợt có quan huyện Tín Đô cũng đến đấy. Quan huyện có người vợ thường hay nhức đầu, và có một con thường hay đau bụng, nhờ Lộ bói xem ra sao. Lộ nói: "Góc tây nhà, có hai cái tử thi đàn ông, một thây cầm mâu, một thây cầm cung tên, đầu ở trong vách, chân thò ra ngoài. Thây cầm mâu cốt đâm vào đầu cho nên nhức đầu; thây cầm cung tên bắn vào bụng cho nên đau bụng". Quan huyện sai đào đất sâu tám thước, quả nhiên có hai cái áo quan có cái mâu, một quan có cái cung bằng sừng và tên đã mục ruỗng. Lộ sai đem hài cốt ra ngoài thành mười dặm mà chôn, vợ con quan huyện từ đấy khỏi bệnh. Quan huyện Quán Đào là Gia Cát Nguyên, đổi đi làm thái thú ở Tân Hưng. Lộ đi tiễn. Có tiếng đồn Lộ biết được cả những vật úp kín. Gia Cát Nguyên không tin mới lấy một cái trứng chim én, một tổ ong, một con nhện, bỏ vào ba cái hộp, sai Lộ bói xem có biết không. Lộ gieo quẻ xong, trên mỗi một hộp viết ba câu: "Một là: ngậm khí phải biến, thường ở góc nhà, sống mái thành hình, lông cánh bay ra, đây hẳn là trứng chim én. Hai là: nhà cửa treo ngược, cửa nhỏ rất nhiều, chứa tinh nuôi độc, nếu thu mới nở, đây hẳn là tổ ong. Ba là: chân dài nghêu ngao, nhả tơ giăng lưới, tìm lưới kiếm ăn, lợi về ban đêm; đây hẳn là con nhện". Cả đám ngồi đấy ai cũng giật mình. Trong làng, có một bà lão mất trâu tìm đến xem bói. Lộ đoán rằng: "Có bảy người ăn trộm trâu, đang mổ ở bến Bắc Khê, đi tìm ngay thì hãy còn da thịt". Bà ta đến đó, quả nhiên có bảy người đang nấu thịt trâu ăn uống với nhau trong một cái nhà gianh. Bà đi trình quan thái thú ở quận ấy là Lưu Mân, bắt gọn cả bảy người trị tội. Quan thái thú nhân đó hỏi bà lão: "Tại sao bà biết?" Bà ta liền kể chuyện Quản Lộ bói giỏi như thần. Lưu Mân không tin, mới đến phủ, lấy cái túi đựng ấn và một cái lông gà núi bỏ vào trong hộp, sai Lộ bói. Lộ bói một cái, đoán rằng: "Trong vuông ngoài tròn, toả ra năm sắc, chứa vật báu giữ điều tín, khi dùng ra thì có phép tắc, đây hẳn là cái túi đựng ấn". Còn một cái đoán rằng: "Trong núi có con chim, hình như gấm, áo đỏ, lông cánh chỗ đen chỗ vàng, gáy không sai giờ, đấy hẳn là lông con gà rừng". Lưu Mân thất kinh, chịu là giỏi, đãi làm khách quý hạng nhất.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Historical FictionTam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì) Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam...