3. Cái xe đạp

360 3 0
                                    

Vào những năm ấy, xe đạp còn hiếm, không lắm như bây giờ. Không phải nhà nào cũng có xe đạp và ai cũng có xe đâu. Với nhiều người, xe đạp là một thèm muốn cao cao. Mác xe của các hãng khác nhau ở Sanh Ê-chiên bên Pháp ai cũng nhớ vanh vách và phân biệt mọi đặc điểm ngóc ngách cái phanh, cái lốp, mặc dầu không mấy người có xe đạp.

Chưa bao giờ tôi có xe đạp. Đến năm 1945, tôi rời ra phố, mới tậu xe đạp – hồi ấy chưa gọi là mua xe đạp, mà người ta nói trịnh trọng: "Tậu xe đạp" như tậu ruộng. Cái xe đạp đầu tiên của tôi trơ trụi có khung và bánh gọi là xe cởi truồng.

Xe đạp, cái xe đạp ước ao. Muốn có, nên lúc nào cũng thèm như có thật. Cả làng tôi cũng chỉ một ông đội Lộng có xe đạp. Trên đầu chợ, bên vườn Bàng, ông Tây đen ma tà Ca ra ta Sanh đi gác thuê cũng có một cái – chẳng biết của sở cho mượn đi, hay của ông. Mỗi khi nghe chuông kính coong, kính coong tận ngoài đầu đường, người trong xóm đã chạy à ra xem xe đạp qua. Quái thật, bây giờ không thấy ai tập xe đạp, rồi đến cả trẻ con, cũng tự nhiên biết đạp xe nhoay nhoáy. Ngày trước, phải tập xe ngã lên ngã xuống, mướt mao mồ hôi mồ kê. Ở dốc đường Thành, hàng bác cả Đức cho thuê xe đạp, có những cái xe tã dành riêng cho thuê tập. Gom tiền lại, thuê giờ. Thằng giữ xe, thằng trèo lên yên. Cũng phải bao phen choét đầu gối. Có lẽ vì bây giờ nhiều xe đạp, lúc nào cũng thấy người đạp, chỉ trông người ta đạp xe mà rồi trẻ con tự nhiên cũng biết đi.

Nhưng có một cái xe đạp thời ấy cũng khá nhiêu khê. Không phải chỉ bởi mua xe nhiều tiền. Không phải vì công phu hầu hạ, sửa sang nó. Mỗi ngày, đi đâu về, lại lau xe, ngày nào cũng lau từ hang hốc cái khung, cái bàn đạp, cái nan hoa. Người ta không chểnh mảng với xe như bây giờ. Chỉ những tốn kém rắc rối xung quanh cái xe đạp cũng đã lôi thôi rồi. Bây giờ tôi vẫn lau xe đạp theo thói quen kỹ lưỡng như thế.

Tôi đương đạp xe qua cầu Đơ thị xã Hà Đông. Có hai người đội xếp bỗng đạp theo. Nói cho đúng, tôi đã trông thấy hai người đội xếp đứng ở đầu cầu. Nhưng không ngờ họ lại đương chú ý đến tôi.

Vâng, đi đâu mà chẳng phải nhìn đội xếp, dù là những người ngay ngắn, lương thiện. Bởi vì hầu như các ông đội xếp cứ trông thấy mặt ai là rình bắt, rình khám, rình phạt. Từng quãng trong thành phố, lại thấy một đội xếp Tây đội mũ lưỡi trai, đeo súng lục, đạp xe Pơgiô bánh to (lốp 650). Hai đội xếp ta đội mũ cát đít vịt lợp vải vàng đi theo hai bên. Hai người này cũng vắt vai cái dây da, bao súng lép kẹp, mà ai cũng biết trong nhét giẻ lau xe. Nhưng con mắt chăm chẳm, rình rình. Thềm nhà có rác, phạt. Phơi quần áo, tã lót, chiếu trước cửa, phạt. Cống bẩn, phạt. Đánh nhau, phạt cả đôi bên. Ven đường khắp Hà Nội không đâu có nhà đái công cộng. Mà đái đường thì phải phạt hẳn sáu hào. Bởi vậy, trẻ con trong làng đi phố mót đái cứ vừa đi vừa đái ra quần. Các bác cu li kéo xe thì vừa chạy vừa đái vào bẹn. Chả là hình như không có lệ phạt người vừa đi vừa đái. Nhưng cũng chẳng có cơn cớ gì cũng rút giấy biên phạt, thu tiền. Người ta nói các bóp đã định trước số tiền phạt thu hàng tháng rồi, đội xếp cứ trông đấy mà liệu đi phạt cho đủ.

Đến giữa cầu, một người đội xếp đạp xe vượt lên trên tôi.

– Này này... Phanh lại.

Tôi lúng túng tìm cái tay phanh. Tôi bóp phanh bánh trước két két...

– Bánh sau!

Phúc đức phanh bánh sau ăn ngay. Chiếc xe tôi đứng khựng lại.

Hai người đội xếp châu đầu vào tôi.

– Xe không phanh à?

– Phanh ăn thế mới đứng lại được ạ.

– Chỉ có phanh bánh sau!

Tôi nhăn nhó, rụt rè nói khó. Rồi đưa một hào bạc.

Người đội xếp hầm hầm:

– Không rỡn với nhà anh đâu. Xe lại mất cả gác đờ bu. Gặp người ác thì biên lai phạt rồi đấy, biết chưa. Đồ nhà quê, thôi cút.

Hú vía, xe tôi đi mượn! Tôi lặng lẽ nghĩ có lẽ hai cái lão đội xếp ấy cũng còn có phần nhân đức. Xe không chắn bùn, phanh bánh trước không ăn, mà chỉ phải đút có một hào cho hai người chia nhau.

Thời ấy, nuôi được cái xe đạp, nhọc lắm. Xe phải gắn một mảnh sắt, mảnh kền khắc tên, số nhà, tên phố của chủ xe. Không có, phạt. Đèo nhau, phạt. Trông cái xe mướp quá, ngứa mắt, cũng phạt. Ba đồng một tạ gạo Sài Gòn lẫn gạo gãy hàng vừa, giá trị một đồng bạc không phải nhỏ. Thế mà thuế xe đạp mỗi năm đóng mất một đồng bạc, được lĩnh về một miếng lập lắc bằng đồng vặn vít đeo vào xe. Đầu năm, chỉ hết tháng giêng, đội xếp đã đứng đường tóm phạt các xe chưa có lập lắc mới.

Chập tối, xe phải có đèn. Không thì một tay cầm nắm hương vung lên. Cái đèn ló phao dầu tây cắm vào cọc đèn trước ghi đông, khói mù mịt, khét lẹt.

Có việc ra phố chập tối, phải sắp sẵn từ chiều cái phao đầy dầu. Thế nào mà khi về, qua đường Quan Thánh, gió hồ thổi lên, đèn tắt ngóm mất.

Người đội xếp lù lù hiện ra như ma hồ Trúc Bạch lên.

– Ê! Xe không đèn, đứng lại!

– Đèn tôi mới vừa tắt.

– Không biết, a lê, về bóp!

Tôi dắt xe đi với người đội xếp về sở cẩm[1] Hàng Đậu. Xe không đèn – hay xe đèn tắt cũng thế, tôi đã biết phải nộp phạt ba hào. Không có tiền thì để cái thẻ thuế thân và xe đạp lại, mai đem tiền đến. Nếu không, phải cất công vào ngồi nhà giam sở cẩm, chịu đói khát hai mươi bốn tiếng, đúng giờ này ngày mai thì được đem xe về. Còn tiện nhất thì khấn anh đội xếp một hai hào, chắc được thả cho đi ngay.

[1] Cẩm do tiếng Pháp: commissariat.

Nhưng tôi theo cách "vào ngồi nhà giam". Chẳng phải vì bướng, mà bởi một lẽ dễ hiểu. Xe đạp đi mượn, tôi lại không có tiền, mà lúc nào tôi cũng thong thả thừa thì giờ. Thế mà chưa dứt nỗi lo. Ngồi nhà giam, nhưng phải làm sao cho trông thấy cái xe đạp cả đêm, sợ nó nẫng mất. May cũng có nhiều người đi xe không đèn, phải bắt giam, chịu khó ngồi nhà muỗi, để khỏi nộp phạt. Xe chất trước cửa buồng chồng đống cao hơn đầu người. Nhưng lại nghĩ lo xa nỗi tối mai được thả vào giờ này, xe vẫn không đèn. Dẫu không dám đi, chỉ dắt về tận nhà, ngộ chẳng may gặp đội xếp, nó lại bảo mình đương đi vừa nhảy xuống, cứ phạt, thì rồi không biết ra sao đây. Lôi thôi quá!

Cái buồng giam ở bóp Hàng Đậu khai tịt cả mũi. Suốt đêm, người lúc nhúc ngồi bó gối, chen nhau. Muỗi đói đốt, gáy sần lên như gai gạo.

Vậy mà nghe kể hôm nọ cũng có người thắt cổ. Ở cái chỗ đêm ngày đông ních như thế này, không hiểu thắt cổ vào lúc nào mà chết được.

Tô Hoài: CHUYỆN CŨ HÀ NỘI (Tập 1)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ