7. Đêm giao thừa

314 2 5
                                    

Con đường Thành – bây giờ là đường Hoàng Hoa Thám từ chợ Bưởi ra đến đầu trại Hàng Hoa chỉ khoảng hơn hai cây số. Người các vùng ngoại ô phía Bưởi, Noi, Cáo đi làm ăn trong thành phố thường qua lại đường ấy. Đường xa một chút, nhưng thảnh thơi, thoáng mát hơn đi đường dưới làng Thụy, dẫu cho đi đường dưới, đôi chỗ người cuốc bộ có thể nhảy trộm ngồi đuôi tàu điện được một quãng.

Nhưng đấy là trò nghịch của đám trẻ con ngoại ô ra học các trường Yên Phụ, trường Yên Thành thích chạy thi, đuổi nhau, trèo cây, bám đít toa tàu. Chứ người lớn còn hơi sức đâu mà trèo leo. Suốt ngày làm quần quật. Cu li, gánh cát dưới bãi, phu hồ. Thợ may, thợ mũ, thợ giày gù lưng, mài mắt xuống đầu gối. Người vào phố đi làm về lác đác, lử khử, rũ rượi, âm thầm như những con cú bay đêm, con gà rù về chuồng.

Nhưng cứ vào chập tối thì chú Cát mới ra Kẻ Chợ, đi làm. Cái đèn xe bốn mặt kính vuông giắt trong vạt áo nâu sau lưng, dưới cạp quần lá tọa. Trông trước, trông sau, không thấy ai, chú đi nhanh xuống bờ sông. Đấy là chú Cát đi kéo xe. Cái việc ra Kẻ Chợ làm cu li kéo xe tay làng nước cho là xấu, bần cùng lắm mới phải cúi cổ làm con ngựa người như thế, nên người ta có ý giấu giếm. Chú Cát không đi đằng đầu chợ. Chú lội qua sông bãi trước cửa đình, tắt qua Đồng Vân. Có hôm, ngược lên Cống Vị sang Quần Ngựa. Len lén, cẩn thận, kín đáo. Nhưng cả làng cũng chẳng lạ, cứ xẩm tối, chú Cát lại ra phố kéo xe. Đi kéo xe đêm khó nhọc gấp mấy ban ngày. Đôi khi mới được món khách bở ở cửa ga. Nhưng mà kéo xe ban ngày thì ngượng, khổ thế.

Thế mà – cái sự đi kéo xe ban đêm, ở xóm tôi không mấy nhà có người lớn có sức mà lại chẳng đi, nhất là những năm hàng họ ế ẩm. Còn bất cứ năm nào, vào những ngày áp tết, đêm ba mươi, đều có nhiều người ra Kẻ Chợ kéo xe kiếm cái tết. Đêm ấy, hăm chín bắt làm ba mươi. Mua lại cái xe kéo mấy giờ sắp giao thừa cũng bằng đi đánh bạc. Được thì ăn cả, ngã thì bỏ bầm, nhưng biết sao. Lúc nào người ta chẳng phải đánh bạc với trời.

Ở đầu chợ Bưởi cũng có hàng dãy xe đợi khách ghếch càng lên gốc cây me tây, đầu tường đồn. Nhưng đấy là xe sắt, bánh gỗ, đi kêu lạch xạch. Xe ngoại chỉ được phép kéo khách trên đường đá vào đến đầu ô.

Đêm áp tết, còn ma nào mò mẫm vào đầu ô, những chiếc xe sắt đỗ chổng đuôi, bỏ không.

Đường Thành đêm vắng hơn hẳn mọi khi. Người thấp thoáng chập choạng. Như con dơi ra bắt muỗi, rồi biến mất. Nửa mái lá phên cũng là cái nhà, cái chỗ chui ra chui vào. Phải vội về mà châm nén hương đêm ba mươi. Gốc cây và mặt đường thăm thẳm, như chỉ có một mình chú Cát đi ngược lại. Chú ra phố.

Chú Cát xuống đường Cổ Ngư giữa hồ Tây với hồ Trúc Bạch rồi rẽ trái, theo bờ tường dãy nhà in Ideo. Các phố đã đóng cửa kín mít. Ánh đèn le lói sau cánh cửa. Chú Cát bước xăm xăm.

Chú Cát đến dốc Hàng Than, nơi mua lại giờ xe, vẫn chỗ mọi khi, bãi cỏ góc tường xế ngoài cổng nhà máy điện Yên Phụ.

Trong bóng tối run rẩy rét mướt đã lù lù mấy người bó gối ngồi. Một cái xe tay đến đỗ chổng vộc. Ánh lửa lom đom, mấy mảnh giấy, cành củi, đống bã mía đốt lên sưởi và để người ta lấy cái nòm hút thuốc lào vặt.

Tô Hoài: CHUYỆN CŨ HÀ NỘI (Tập 1)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ