6. gần-giống

2.2K 294 21
                                    

Hôm nay ả không ăn tối cùng với mẹ. 

Ả nhìn mẹ mình với đôi mắt đầy những biểu cảm khó hiểu khi quý phu nhân Fouché khẽ nhấc chân váy để bước lên đoạn cầu thang nối liền đến tận tầng ba - nơi cao nhất trong dinh thự mà bà hoàn toàn hài lòng vì cái tầng đó là của riêng bà. 

Mẹ của ả thật đẹp. Bà mang vẻ đẹp của một người Anh. Bà vốn là người Anh trước khi kết hôn với một quý tộc Pháp. Marie nhận xét vẻ đẹp đó như một tác phẩm nghệ thuật vẽ vội của tay họa sĩ trẻ tuổi tài năng, những đường nét của Juliana Fouché cứng nhắc theo một tỉ lệ được ước lượng hoàn hảo; cứ như gã họa sĩ đó cố tình vậy. Mái tóc bà màu nâu xỉn như vỏ cây, đôi mắt màu hổ phách hiếm khi thể hiện nhiều tâm trạng hay suy nghĩ bên dưới hàng lông mày thẳng và dài cùng chiếc mũi dọc dừa thanh thanh. Một góa phụ chỉ vừa chạm ngõ 40 như bà đã từng nhận được thật nhiều lời mời tái giá lần nữa, nhưng Juliana nghĩ rằng mình đã có nhiều chồng hơn mức cần thiết. 

Trong mắt những người mà gia đình ả từng tiếp xúc tại các buổi họp mặt, mẹ ả thật ra dáng mệnh phụ phu nhân xuất sắc danh giá. Marie cũng chưa từng có ý định nói to bất cứ suy nghĩ nào của mình cả. Có một điều không phải ai cũng biết về mối quan hệ giữa hai mẹ con, họ không thể ở cùng trong một căn phòng quá lâu. Ngay từ khi hình thành nhận thức thì ả đã biết mẹ ghét mình. Marie tự hỏi mẹ là kiểu phụ nữ nào, quá bảo thủ đến mức không biết thể hiện tình cảm cho khối máu của mình hay chỉ là một cái khăn khô ráo đã vắt kiệt đến tận những sợi vải chút xúc cảm cuối cùng. 

Ả ghé mắt nhìn người đàn bà trước mặt, chỉ ghé mắt thôi. Vì dường như nhìn bằng cả đôi mắt là một sự báng bổ. Báng bổ đối với chính ả. Niềm kiêu hãnh của Marie đặt cả vào trí nhớ khác thường giúp ả có thể nhớ lại đáp số của một phép toán mà mình từng làm hay tên một người từng lướt qua cửa miệng. Nhưng đó là chuyện khác. Ả nhớ vài điều khác nữa, và đó không phải lỗi của ả, mỉa mai làm sao khi mong muốn một con bé nhớ dai có thể quên đi cảnh tượng khỏa thân trần truồng của hai cơ thể đang quấn lấy nhau trong hoan lạc. Mắt ả vẫn có thể bỏng rát lên mỗi khi tự dựng lại cảnh đó trong đầu. Một cơn uất nghẹn sẽ giáng xuống như bức tường gạch dầy và đè nẹt ả xuống ở nơi sống lưng, làm mọi thứ bên trong gãy vụn và đổ nát. Marie thì thầm với bản thân rằng ả và người đàn bà sinh ra mình hẳn là có mối quan hệ kì lạ nhất từ trước tới nay. Không muốn liên quan đến nhau, nhưng lại chẳng buông tha được. 

Đôi mắt màu rượu whiskey của mẹ xoáy vào ả một cái nhìn cảnh giác. Như mọi khi. Ả thấy màu bệnh hoạn trong đó, cái màu bệnh hoạn chính là lớp lót trong cho màu sắc đẹp mắt của đồng tử vốn được phô ra ngoài. Đồ vật có màu sắc phân biệt rạch ròi, gỗ ván phải có màu nâu vương mùn cưa hay táo chín phải có màu đỏ đậm kích thích được cả giác quan. Còn màu của mắt người là cả một vấn đề để ngỏ, khi con người có quá nhiều yếu tố và tính chất khác nhau để cấu thành thì mắt họ càng trở nên khó dò đoán. Ả thích gọi là màu bệnh hoạn, vì chẳng muốn tốn thời gian tìm cho chúng một cái tên hoàn hảo hơn. 

Bản tính của Marie luôn chống lại những thứ mà mình không hiểu rõ, ví như cái màu bệnh hoạn, ả không thể phân tích ra thành phần thật sự của nó và điều đó giống như cơn đau châm chích đến từ một đàn ong bắp cày. Ả qui đổ rằng mỗi linh hồn chỉ có một màu thôi, và dường như mẹ ả thì dư dả hơn mức bình thường. 

MARIE ANTOINETTENơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ