Hồi II

132 1 0
                                    

HỒI II
CẢNH I
Một gian phòng trong nhà của Pôlôniut.
Pôlôniut và Râynanđô ra.
PÔLÔNIUT - Râynanđô, ngươi khá mang món tiền và mấy dòng này cho công tử.
RÂYNANĐÔ - Xin vâng lệnh tướng công.
PÔLÔNIUT - Này Râynanđô trung thành của ta! Khôn khéo ra thì trước khi lại thăm công tử, ngươi hãy dò xét giúp ta phẩm cách của y ra sao đã.
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, con cũng có ý định đó.
PÔLÔNIUT - Giỏi, nói thế được, nói thế được lắm. Này nhé, trước hết ngươi hãy hỏi thăm xem có người Đan Mạch nào sống ở Pari, họ là ai, sinh sống ra sao, bằng cách gì, hay lui tới những nơi nào, bạn bè với ai, tiêu pha như thế nào, cứ quanh co dò la như thế xem họ có biết công tử chăng, rồi ngươi sẽ tới được gần đích hơn là cứ hỏi thẳng. Ngươi cứ làm như chỉ quen biết sơ qua công tử thôi, ví như nói: "Tôi biết cụ thân sinh và bạn bè của cậu ta và cũng quen biết cậu ta đôi chút". Râynanđô, ngươi đã nghe õ rồi chứ?
RÂYNANĐÔ - Dạ thưa tướng công, rõ lắm rồi ạ.
PÔLÔNIUT - "Cũng quen biết cậu ta đôi chút..." và có thể nói thêm "... nhưng không được tường tận cho lắm. Nếu đúng là cái cậu mà tôi muốn nói thì thật là một người phóng túng thế này thế nọ..." ngươi muốn thêu dệt điều gì tùy ý; nhưng liệu đấy, đừng có nói những điều quá bậy bạ có thể làm hại đến danh dự công tử. Điều này ngươi hãy nên cẩn thận. Chỉ nên gán cho công tử những tính như phóng túng đam mê, những hành vi thông thường mà ai cũng biết, là của tuổi trẻ được buông lỏng.
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, chẳng hạn như thói cờ bạc...
PÔLÔNIUT - Ừ, hay là rượu chè, ẩu đả, chửi bới, chơi gái... ngươi có thể nói đến như thế.
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, như thế e rằng sẽ hại đến danh dự công tử nhà mất.
PÔLÔNIUT - Không sao đâu mà, đổ lỗi nhưng miễn lựa lời cho có chừng mực là được, chớ có thêm câu gì gièm pha bỉ báng như là cậu ta ngang nhiên sa vào vòng trụy lạc. Ý ta không muốn thế, người cần gán lỗi thế nào cho khéo để người ngoài thấy rằng sở dĩ như vậy có thể chỉ là kết quả tai hại của cuộc sống tự do buông lỏng, tính hăng hái của một bản chất cương cường, tính sôi nổi của dòng máu bất khuất, những tính thông thường của bọn trai trẻ đó thôi.
RÂYNANĐÔ - Nhưng bẩm tướng công...
PÔLÔNIUT - Như thế để làm gì, ngươi có biết không?
RÂYNANĐÔ - Dạ bẩm tướng công, đó là điều con đang muốn biết.
PÔLÔNIUT - Hầy, dụng ý ta là như thế này, mà ta tin rằng kế ấy là rất diệu: Khi ngươi đã buộc cho y những lỗi lầm nho nhỏ, khác nào những vết ố nhẹ trên một mỹ phẩm, để ý nghe nhé, thì kẻ mà ngươi muốn dò hỏi tất sẽ nói lộ cho ngươi rõ. Nếu người ấy cũng nhận thấy công tử có những nết xấu như ngươi đã kể, thì ngươi cứ tin chắc rằng hắn ta sẽ nói với ngươi: "Thưa quý ngài", ừ hay là "thưa quý hữu", hay "thưa quý ông" tùy theo lối nói của từng người hay từng địa phương.
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, tuyệt diệu ạ.
PÔLÔNIUT - Thế rồi "thưa ông" người ấy... người ấy... Ta định nói gì nhỉ? Khỉ thật, ta định nói gì kia mà. Ta nói đến đâu rồi nhỉ?
RÂYNANĐÔ - Bẩm "chắc rằng hắn ta sẽ nói với ngươi: thưa quý ngài hay thưa quý hữu..."
PÔLÔNIUT - À, phải rồi, hẳn là sẽ nói với ngươi, phải rồi, khỉ thật, hắn nói thế này: Vâng, tôi có biết cậu ấy. Tôi vừa được gặp cậu ta hôm qua hay là hôm nào khác; cậu ta thế này thế nọ, với người này người nọ... quả như lời ngài nói, khi thì cờ bạc rượu chè be bét, khi thì chơi cầu, cãi lộn ẩu đả... hoặc tôi thấy cậu ta bước vào nhà thanh lâu (hay là nhà thổ)... ấy, những chuyện lăng nhăng như thế. Bây giờ ngươi rõ chứ. Dùng giả dối làm mồi mà câu lấy con cá chân lý, đó chính là phương sách của những người khôn ngoan, dầy kinh nghiệm, biết phép quanh co dử mồi mà lôi được hết mọi chuyện. Cứ theo đúng lời ta dặn dò là sẽ biết được cách ăn nết ở của công tử. Ngươi hiểu ý ta, hiểu chứ?
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, con đã rõ rồi.
PÔLÔNIUT - Cầu Chúa che chở cho ngươi; chúc ngươi lên đường mạnh khỏe.
RÂYNANĐÔ - Xin bái biệt tướng công.
PÔLÔNIUT - Ngươi khá quan sát hành tung của công tử, nhưng chớ hề để lộ.
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, xin vâng.
PÔLÔNIUT - Cứ để cho y mặc ý chơi điệu đàn của y(1).
RÂYNANĐÔ - Bẩm tướng công, vâng ạ.
PÔLÔNIUT - Thôi, ngươi lên đường.
Râynanđô vào, Ôphêlia ra.
PÔLÔNIUT - Kìa, Ôphêlia, có chuyện gì thế con?
ÔPHÊLIA - Ôi tướng công, tướng công! Con sợ quá!
PÔLÔNIUT - Sợ gì, lạy Chúa!
ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, con đang ngồi khâu trong khuê phòng, thì bỗng thái tử Hamlet bước vào, chàng đến trước mặt con, áo cởi phong phanh, đầu không đội mũ, đôi tất nhem nhuốc, nịt tụt hẳn xuống mắt cá chân, mắt xanh như chiếc áo chàng đang mặc, loạng choạng chân nam đá chân xiêu, hình dáng sao mà tiều tụy, trông đến thương tâm, thật như người vừa thoát khỏi địa ngục, lên kể lại những điều rùng rợn.
PÔLÔNIUT - Điên vì yêu con chăng?
ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, con nào được rõ. Thực tình con cũng e như vậy.
PÔLÔNIUT - Thế chàng nói gì?
ÔPHÊLIA - Chàng nắm lấy cổ tay con mà bóp thật mạnh rồi đứng ra xa một tầm cánh tay, còn bên tay kia đặt lên ngang mày như thế này, chàng cứ đăm đăm nhìn vào mặt con như muốn tạc hình con vậy. Chàng cứ đứng như thế lâu lắm. Cuối cùng chàng lắc lắc cánh tay con, cúi đầu xuống, ngửng lên ba lượt rồi thở dài một tiếng nghe thương tâm não nuột quá, khác nào cơ thể chàng sắp gãy rời mà từ bỏ cuộc sống. Rồi, buông con ra, chàng ngoái cổ lại phía sau như người tìm đường, nhưng lại không dùng đến mắt, cứ như thế mà tiến ra cửa, mắt vẫn đăm đăm hướng về phía con.
PÔLÔNIUT - Nào, con hãy đi cùng ta, ta phải đi tìm hoàng thượng mới được. Đây chính là căn bệnh điên vì tình, kẻ nào mắc phải thì chỉ tự hủy hoại thân hình mình, đưa lý trí đến những hành động điên rồ liều lĩnh, cũng như bất cứ một dục vọng nào dưới gầm trời này đều tàn phá bản chất con người. Ta cũng lấy làm phiền lòng. Thế con có nói điều gì nặng lời với chàng những ngày gần đây không?
ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, không ạ. Nhưng, vâng lời tướng công, con đã từ chối không nhận thư và không cho chàng gặp gỡ.
PÔLÔNIUT - Chính điều đó đã làm cho chàng hóa điên. Ta lấy làm phiền lòng đã không nhận xét, đánh giá chàng cẩn thận và có suy nghĩ hơn. Ta cứ e rằng chàng chỉ đùa cợt con và có ý làm hại đời con. Nghi ngờ khốn khổ! Lạy Chúa! Âu cũng là cái tật chung của tuổi già như ta, hay cố chấp đa nghi; cũng như tuổi trẻ lại thường thiếu chín chắn. Chúng ta đến bệ kiến hoàng thượng. Câu chuyện này phải tỏ bày ra cho rõ. Cứ im ỉm giữ kín là có thể gây nên lắm chuyện phiền muộn, thà vạch rõ mối tình đó ra mà có bị căm ghét(1) còn hơn. Thôi ta đi!
Cùng vào

Kịch Hawmlet - William ShakespearlNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ