Chương 4: Chuyện người hành khất giàu
Ở Tam Thanh có một người đàn bà goá trạc ba mươi tuổi, con cái không có, bố mẹ chồng mất cả, anh em cũng ít, không có một tấc đất cắm dùi. Ăn thì lần bữa sáng mất bữa tối, một mình vò vọ, gửi thân dưới rào giậu nhà người ta, làm nghề giặt thuê để nuôi thân.
Rồi thì, đã nghèo lại hay đau ốm, nên hết kế sinh nhai. Người làng ai cũng đuổi và không cho vay mượn. Mụ phải đến một mảnh vườn hoang của làng, nhặt mo run, vơ rạ nát, bẻ cành tre, uốn cây nhỏ để làm một túp lều dung thân.
Từ đó, áo vá trăm mảnh, nón mê đội đầu, gậy tre chống gió, chiếu rách che mưa, theo lốt chân cũ của Tấn công tử (1) khi đi qua cánh đồng, học thói thanh cao của Ngũ minh phụ (2) ngồi thổi ống tiêu.
Khi thì chạy vạy ngược xuôi, ngấp nghé đám tế xuân trong xóm; khi thì loanh quanh đây đó, dòm ngó đám cúng mộ ngoài đồng.
Lên núi tìm lương, lần cửa xin nước, đến đâu mụ cũng khéo lạy, khéo quỳ, khéo ton hót gia chủ, nên bao giờ cũng kiếm được nhiều hơn các bạn hành khất khác. Cứ như thế hơn bốn mươi năm, gió lạnh mưa ước, sớm đi tối về, người làm không ai thèm nói chuyện cùng.
Bỗng dưng, bẵng đi trong vòng mười ngày, trong lều vắng hẳn khói lửa, sớm tối không ai thấy mụ đi lại. Trước còn nghe có tiếng rên rỉ, sau thì thấy im lặng hẳn. Người làng biết là mụ đã chết, mới rủ nhau đến để mai táng. Kẻ cho manh chiếu rách, người cho chiếc chão tre, rồi khiêng xác đem chôn ở bãi tha ma.
Chôn xong, mọi người bảo nhau:
- Mụ già đã về âm phủ, lều mụ ta phải đốt đi. Nếu không thì rắn rết có chỗ nương thân, sẽ gây hại cho người.
Mọi người lấy làm phải, xúm lại châm lửa đốt lều. Bao nhiêu mo nang, rạ nát, lạt nhỏ, tre cành, thần Chúc Dung (3) đi qua một lượt là hết sạch không còn gì.
Lều đốt rồi, những đóng lô nhô ở nền đất đều hiện rõ mồn một. Mọi người có ý nghi ngờ, mới quét tro, giẫy cỏ, cuốc ra xem thì thấy những chuỗi sâu đều đặn, xanh xanh mà chồng chất lên nhau toàn là tiền kẽm, đếm được hơn hai trăm chuỗi; những hố đất vùi sâu, đo đỏ mà mục nát, toàn là thóc nếp, đem đong được tám chục bát. Ngoài ra, gạo tẻ, thóc tẻ, món nào cũng nhiều như thế. Bát, đĩa sứ, chén uống chè, cốc uống rượu, tất cả đựng đầy hai thúng. Ai cũng cho là lạ quá, ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu mụ hành khất ấy lấy ở đâu ra.
Nhưng các của cải kể trên đã thành vô chủ, thì dù là của ăn mày cũng mặc, họ vẫn chia nhau lấy tất.
LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC
Chuyện người hành khất giàu này thật là lạ: người này do nghề hành khất mà giàu? hay đã giàu mà còn đi hành khất? Nhưng, có ai đã giàu mà còn đi hành khất, hoặc cứ phải hành khất rồi mới giàu? Thật ra không sao đoán được. Duy có điều lạ là: mụ ăn mày ở Tam thanh đầu đầy tóc tuyết, mặt điểm mày sương, sống đã ngoài bảy mươi tuổi, lúc sống không người giúp đỡ, khi chết chẳng có cháu con, đã thích được nhiều của như thế, há không đủ ăn cho đến già sao? thế mà cứ phải khéo lạy, khéo quỳ, khéo nịnh các gia chủ, sống làm nghề ăn mày, chết vẫn là người ăn mày, đem cả cái của mà mình suốt đời phải là chắp tay cúi đầu, ăn trộm, lấy cắp, phó cho cái lũ người không mảy may giúp đỡ cho mình khi mình còn sống. Chắc là mụ làm nhiều điều bất thiện nên bị ma quỷ mê muội.
Còn như lũ người làng, chẳng giúp đỡ gì khi mụ còn sống, lại rủ nhau đến chia của khi mụ chết, thật là vô sỉ trong đám vô sỉ, ăn mày trong đám ăn mày!
Chú thích
1.Tấn công tử: tên là Trùng Nhĩ, sau là Tấn Văn Công, khi lánh nạn ra nước ngoài, có lúc phải ăn xin ở ngoài đồng
2. Ngũ minh phụ: tức là Ngũ Tử Tư người nước Sở, khi đi tìm cách báo thù cho cha và anh, đến Lăng Thủy, phải thổi sáo để xin cái ăn.
3. Tên thần lửa, theo tục mê tín đời xưa
BẠN ĐANG ĐỌC
THÁNH TÔNG DI THẢO
ParanormalThánh Tông di thảo là cái tên do người đời sau đặt cho một tác phẩm gồm 19 truyện được viết theo loại hình truyền kỳ, tạp ký và ngụ ngôn. Trong Thánh Tông di thảo có truyện phản ảnh tâm lý căm ghét quân Minh của nhân dân, có truyện đả kích rất mạnh...