linkid / Tháng Mười Hai 29, 2016
(Đây là kỳ cuối trong loạt bài viết TỰ HẠI (SELF-HARM): BẠN CÓ THỂ CẢM THẤY KHÁ HƠN MÀ KHÔNG CẦN LÀM ĐAU BẢN THÂN). Để đọc kỳ 2, mời các bạn click vào link dưới đây
Kỳ 2: Một số cách để hồi phục bản thân từ tự hại (self-harm)
Giữ an toàn
Tự hại không phải là một cách tích cực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu như đang làm tổn thương bản thân, rất khó để dừng lại, nhất là khi bạn đang cảm thấy căng thẳng hay buồn chán. Nếu như cảm thấy không thể dừng lại ngay, việc bạn giữ cho bản thân an toàn là rất quan trọng.
Bất cứ vết thương nào cũng có thể gây nguy hiểm và mang nguy cơ bị nhiễm trùng, thậm chí nghiêm trọng, nên cần được chăm sóc. Nếu như bạn bị thương nghiêm trọng, cảm thấy không khỏe, hoặc cảm thấy bạn sắp bị shock (thở nhanh, tim đập mạnh, cảm giác muốn ngất xỉu hay hoảng loạn), bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Nếu bạn thấy mình đang trong tình trạng như vậy, hãy tìm đến một người lớn hay người bạn có thể tin tưởng được, người có thể cho bạn sự giúp đỡ y khoa. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn phải nói chuyện tự hại với họ (dù điều này có thể có ích); đây là việc để cho người khác hỗ trợ bạn về mặt y khoa trong lúc khẩn cấp.
Rất nhiều người ngưng làm tổn thương bản thân tại một thời điểm hợp lý với họ. Mọi người đều khác nhau, và nếu họ cảm thấy có nhu cầu muốn tự hại tại một thời điểm nào đó, họ không cần phải cảm thấy tội lỗi về điều đó- đó có thể là một cách để cảm thấy sống sót, nhưng thực hiện nó bây giờ KHÔNG có nghĩa là họ cần phải làm thế mãi mãi. Việc bắt đầu nói về nó là một bước chuyển biến rất lớn hướng về việc dừng lại, vì nó có nghĩa là họ bắt đầu nghĩ về những cách thay thế.
Thiết lập một chiếc hộp an toàn
Bạn có thể làm ra một chiếc hộp an toàn để giúp bạn vượt qua những thời điểm bạn cảm thấy quá tải với cảm xúc và thấy thôi thúc muốn làm đau bản thân. Để vào trong đó những điều làm bạn cảm thấy hạnh phúc và bình tĩnh, để giúp bạn vượt qua những cảm xúc này. Một vài gợi ý: các hoạt động như trò ô chữ crosswords, một cuốn sách, một đĩa CD hay một bộ phim bạn yêu thích. Bạn cũng có thể cho vào danh sách những điều làm bạn bình tĩnh khi vấp phải những tác nhân kích thích.
Nói chuyện với một ai đó
Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy nói chuyện với một người bạn, thành viên trong gia đình hoặc một người lớn có thể tin tưởng được. Hãy cho họ biết suy nghĩ của bạn, điều này có thể giúp làm vợi bớt những áp lực bạn đang cảm thấy. Thiết lập một danh sách những người bạn có thể nói chuyện cùng vào các thời điểm này, và giữ chúng an toàn ở một nơi nào đó. Biết rằng bạn có thể nói chuyện với ai vào lúc khủng hoảng lúc 3 giờ sáng, vào cuối tuần hay khi bạn ở trường sẽ làm cho việc bạn tìm kiếm giúp đỡ dễ dàng hơn khi cần. Cho những thứ này chiếc hộp an toàn. Nó sẽ nhắc nhở cho bạn thấy bạn không cô độc, và có những người bạn có thể nói chuyện cùng khi cần.
Tránh rượu bia và ma túy
Chúng ta thường uống rượu bia hay sử dụng các loại ma túy để thay đổi tâm trạng hoặc lảng tránh cảm xúc. Một vài người uống để đối mặt với nỗi sợ hãi hay sự cô đơn, nhưng giống như tự hại, tác dụng chỉ là tạm thời và sau đó có thể sẽ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Cồn là một chất ức chế (depressant), có nghĩa là nó làm giảm hoạt động của não. Nó làm thay đổi cách bạn suy nghĩ và cảm giác, và cũng có thể tăng cảm giác lo âu và trầm cảm. Khi cồn hết tác dụng, bạn có thể cảm thấy tệ hơn do những tác động của cồn lên não và cơ thể.
Uống rượu bia hoặc sử dụng ma túy có thể làm bạn cảm thấy trầm cảm hay lo âu, hoặc làm giảm sự ức chế thể chất, và có thể dẫn bạn quay trở lại làm đau bản thân.
Làm điều gì đó bạn thích
Nên nhớ là có nhiều cách khác ngoài tự hại. Hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Đó có thể làm một môn thể thao hoặc một thú vui bạn thích làm như là viết lách, chơi nhạc.
Làm những thứ bạn thích và khiến bạn thấy thoải mái giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Nó giúp bạn cải thiện sự tự tin về bản thân và có thể giúp bạn hiểu rằng bạn cũng rất quan trọng và có giá trị.
Đừng quá nghiêm khắc với bản thân
Rất nhiều người trẻ tự hại là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo hoặc mong đạt thành tích cao. Bạn có thể sẽ phải tự tạo áp lực cho bản thân theo một cách nào đó, hoặc cảm thấy mình chẳng làm được việc gì tốt.
Cố gắng đừng quá nghiêm khắc với bản thân về việc không làm được các thứ hoàn hảo. Hồi phục là biết rằng đôi khi việc công việc hay năng suất của bạn chỉ cần ở mức“đủ tốt”.
Tổng hợp và dịch: Dahlia Nguyen
Nguồn: http://www.helpguide.org/articles/anxiety/cutting-and-self-harm.htm
https://www.mentalhealth.org.uk/publications/truth-about-self-harm