Đến lúc chúng tôi thức dậy mới giở cái bọc đồ của bọn cướp đã lấy ở trên chiếc tàu hỏng ra xem, thấy nào là giầy, chăn màn, quần áo, với đủ mọi thứ khác, một bô sách, một cái ống nhòm và ba hộp xì gà. Thật cả đời chúng tôi chưa bao giờ lại giàu có như thế. Xì gà thuộc vào loại ngon hạng nhất. Cả buổi chiều chúng tôi nằm trong rừng nói chuyện. Tôi thì đọc sách, rất thú vị. Tôi kể lại cho Jim nghe tất cả những chuyện diễn ra trên chiếc tàu hỏng và ở chỗ phà tàu, rồi tôi bảo rằng đó là những chuyện phiêu lưu. Nhưng Jim bảo hắn không thích những cái phiêu lưu như thế nữa. Hắn nói rằng lúc đó tôi tò mò vào trong khoang tàu, hắn cũng bò lui lại để lên bè thì thấy bè đã trôi đi rồi, hắn gần như chết điếng và nghĩ rằng như thế là hết đời, dù sao cũng không thoát khỏi nơi này, và nếu như không có ai đến cứu thì sẽ chết đuối mất. Mà nếu có ai cứu thì cũng sẽ bắt hắn đêm về lĩnh thưởng, rồi cô Watson sẽ đem hắn bán xuống miền Nam. Chắc chắn như vậy. Hắn nói đúng đấy. Thường hắn nói vẫn có lý. Hắn có một bộ óc không bình thường đối với trình độ của một người da đen.
Tôi đọc cho Jim nghe khá nhiều về chuyện những vua chúa, những quận công, bá tước vân vân... nào là họ ăn mặc xa hoa lộng lẫy bao nhiêu thứ kiểu cách trên người, gọi nhau bằng những thứ tiếng như: tâu hoàng thượng, thưa bề trên, tâu bệ hạ v... v... chứ không gọi nhau là ông. Jim ngồi nghe, mắt tròn xoe, rất chăm chú. Hắn nói:
- Tôi không biết sao họ lại có nhiều đến như thế. Trước kia, tôi chỉ nghe nói đến mỗi một ông vua thôi, mà thỉnh thoảng lắm mới nói đến, tức là cái ông vua Sollermun ấy, chứ đâu có biết là cậu phải đếm những ông vua ấy như đếm bò đếm ngựa ấy nhỉ. Thế mỗi ông vua như vậy được bao nhiêu tiền.?
- Được à? Các ông đó muốn đến một ngàn đô la một tháng cũng có; mà muốn bao nhiêu cũng được bấy nhiêu. Cái gì cũng là của các ông ấy cả.
- Ô, hay nhỉ? Thế các ông ấy làm gì, cậu Huck ?
- Các ông ấy chẳng làm gì cả. Sao anh ngốc thế? Các ông ấy chỉ ngồi đó thôi.
-Bậy! Thật thế ư?
- Cố nhiên là như thế rồi. Các ông ấy chỉ ngồi đó. Có lẽ trừ những thí dụ như có chiến tranh thì các ông ấy ra trận. Nhưng lúc khác thì ngồi ườn, hoặc đi săn bắn, và... suỵt... Jim có nghe thấy tiếng gì không?
Chúng tôi nhẹ chân bước ra nhìn, nhưng không có gì cả, chỉ có tiếng lạch bạch của một con tàu đi về xuôi, chạy qua đó. Hai đứa lại quay về chỗ.
Tôi nói tiếp:
- ừ còn những lúc khác, như khi nào các ông ấy buồn thì ngó đến cái nghị viện, nếu có ai không làm theo thì các ông ấy đập vào đầu, nhưng phần nhiều là các ông vua ấy chỉ quanh quẩn ở trong nữ cung.
- Trong cái gì?
- Nữ cung
- Nữ cung là cái gì?
- Là cái chỗ các ông ấy để những bà vợ trong đó. Anh không hiểu thế nào là nữ cung à? Vua Sollermun trước kia cũng có một cái nữ cung như thế, và có đến một triệu người vợ.
- à, phải rồi, phải rồi. Tôi quên đi mất. Nữ cung là một cái nhà chứa người, tôi chắc thế. Đại khái nó giống như lúc nhốn nháo ở trong cái trại trẻ ấy chứ gì. Tôi chắc là khi những bà vợ ấy cái lộn với nhau thì phải biết! Tha hồ mà nhốn nháo. Rồi lại còn nghe họ nói rằng vua Sollermun là người khôn ngoan nhất trên đời. Tôi chả tin như vậy. Tại sao? Nếu là người khôn ngoan thì tại sao lại sống mãi trong cái cảnh lung tung ấy như thế. Không, đúng là ông ấy không khôn ngoan đâu. Một người khôn ngoan thì phải dựng lên cái nhà máy làm thức ăn, và khi nào muốn nghỉ thì đóng cửa nhà máy ấy lại chứ.
- Nhưng dù sao ông ấy xưa kia vẫn là người khôn ngoan nhất, vì chính bà goá cũng bảo tôi thế mà.
- Bà goá ấy nói thế nào tôi không biết, chứ vua Sollermun nhất định không phải là người khôn ngoan. Ông ấy có những cách phân xử người ta mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cậu có biết câu chuyện đứa bé con mà ông ấy định cho chặt ra làm hai không?
- Có, bà góa cũng có nói cho tôi nghe chuyện này
- Đấy! Thế! Chẳng phải là cái chuyện cay đắng nhất trên đời ấy ư? Cậu thử nghĩ xem. Chuyện đó rắc rối như thế, bên này là một người đàn bà, cậu nghe không, thí dụ cậu là một người đàn bà khác; tôi là Sollermun, và cái tờ đô la này là đứa trẻ con. Cả hai bên đều đòi lấy. Vậy tôi làm thế nào. Tôi có nên đi hỏi láng giềng rằng tờ đô la này là của ai không, rồi sẽ giao nó cho người nào có nguyên vẹn cả tờ giấy bạc; tất cả những ai có óc thực tế đều làm như vậy, có phải không? ấy thế mà tôi lại đi xé tờ đô la ra làm đôi và đưa một nửa cho cậu, còn một nửa cho người đàn bà kia. Ấy đấy, ông Sollermun ông ấy làm cái cách như vậy đối với một đứa bé con ấy đấy. Bây giờ tôi thử hỏi cậu: một nửa tờ bạc ấy thì còn dùng làm gì được? Chẳng mua gì được. Thế thì một nửa đứa bé còn làm gì đựơc. Tôi thì cứ cho là có đến một triệu ông vua làm như thế cũng vẫn chẳng đáng một xu.
- Thôi đi, Jim, anh nói sai bét rồi, láo lếu, anh nói sai đến hàng ngàn dặm.
- Ai, tôi ấy à? Xin cậu. Đừng có nói đến chuyện đo lường của cậu với tôi đi. Tôi biết rằng khi tôi trông thấy rõ cái gì là tôi hiểu ý ngay. Và ý nghĩa cái này không thể lẫn sang kia được. Cái chuyện cãi nhau như thế không phải là để giành lấy được một nửa đứa bé, mà là tất cả đứa bé, mà cái người nào tưởng rằng có thể giải quyết việc cãi cọ với nhau bằng cách chia mỗi bên một nửa đứa bé, như vậy là cái người đi mưa mà lại không biết tránh đâu cho khỏi mưa. Thôi, cậu đừng nói chuyện với tôi về Sollermun nữa, cậu Huck ạ, tôi biết rõ cả đằng sau gáy của ông ấy nữa.
- Nhưng tôi bảo là anh nói không đúng chỗ cơ mà!
- Mặc kệ cái sự đo lường ấy của cậu. Cái gì tôi biết là tôi biết. Cậu phải hiểu rằng cái thùng để đong sự thật nó còn đo được sâu hơn nữa. Sai hay đúng thì nó ở ngay cái cách phân xử của ông Sollermun ấy chứ đâu. Cậu thử lấy ví dụ một người có một hay hai đứa con xem, có phải người đó dám hy sinh trẻ con không? Không, chả có như thế. Người đó sẽ biết giá trị của trẻ con như thế nào. Nhưng nếu cậu lấy một người mà hắn có độ năm triệu đứa trẻ trong nhà thì lúc đó lại khác. Hắn sẽ sẵn sàng chặt đôi đứa trẻ như chặt một con mèo. Bởi vì hắn có nhiều mà. Một hay hai đứa trẻ, nhiều hơn hay ít hơn, cái đó có nghĩa lý gì đối với Sollermun đâu?
Tôi chưa bao giờ thấy có một anh da đen nào như Jim vậy. Nếu như hắn có một ý niệm gì trong đầu thì không thế nào bắt hắn bỏ đi được. Hắn là người da đen đã phỉ báng Sollermun nhiều nhất mà bây giờ tôi mới biết là một. Thế là tôi phải nói chuyện các vua chúa khác, bỏ chuyện Sollermun sang một bên. Tôi nói về vua Louis thứ mười sáu ở Pháp đã bị chặt đầu từ lâu rồi, và nói đến cậu con nhỏ của ông ấy, là thái tử, đáng lẽ lại trở lên làm vua, nhưng bị người ta bắt bỏ ngục, và nghe có người nói là cậu ta bị chết trong đó.
- Khổ, tội nghiệp cho cậu bé!
- Nhưng lại có người nói là cậu ta thoát chết và đã đi sang Mỹ.
- Thế thì hay! Nhưng chắc là cậu ấy cũng không có chỗ kiếm ăn nhỉ. Cậu ta định làm gì?- Biết đâu đấy. Trong đám những ông vua ấy có người thì đi làm cảnh sát, có người thì đi dậy học tiếng Pháp.
- ồ, thế người Pháp họ không nói như chúng ta à, cậu Huck?
- Không, Jim ạ, anh mà nghe người ta nói thì anh chả hiểu câu nào đâu, một chữ cũng không hiểu.
- ồ thế thì tôi ngốc thật. Vậy làm thế nào?
- Tôi cũng chả biết. Nhưng nó thế đấy. Tôi có thấy một vài tiếng của họ trong cuốn sách. Thí dụ như có một người đến hỏi anh: "Parlez - vous francais ?" thì anh nghĩ thế nào?
- Tôi chẳng nghĩ thế nào cả. Tôi sẽ đập cho hắn một cái vào đầu, nghĩa là nếu hắn ta không phải người da trắng. Nếu là người da đen thì tôi không cho phép ai gọi tôi thế.
- Im đi, đó không phải là gọi anh đâu. Đó chỉ là hỏi anh có biết nói tiếng Pháp không?
- ừ, thế sao hắn không nói thẳng ra như vậy có được không?
- Chính hắn nói như vậy đấy chứ. Đó là cách nói của người Pháp đấy.
- ồ, thế thì thật là quái gở, kỳ cục. Mà thôi, tôi không thích nghe chuyện ắy nữa. Chẳng có nghĩa lý gì cả.
- Đây này nhé, Jim, tôi hỏi con mèo nó có nói như chúng ta không nào?
- Không, mèo nào nói thế
- à, thế còn con bò?
- Bò cũng không
- Thế con mèo có nói như con bò không? Hay con bò có nói như con mèo không?
- Không
- Vậy thì con nọ nói khác con kia là tự nhiên và đúng, có phải không?
- Cố nhiên rồi
- Và con mèo, con bò nói khác chúng ta có phải cũng là tự nhiên và đúng không?
- ồ, nhất định là như thế rồi
- à, thế thì tại sao người Pháp nói khác chúng ta tại là không đúng và không tự nhiên. Anh thử trả lời tôi xem.
- Thế con mèo có phải là người khác không, cậu Huck?
- Không
- à, thế thì con mèo không thể nói như người được. Thế con bò có phải là người không - con bò có phải là con mèo không?
- Không, chẳng con nào là con mèo cả.
- à, thế thì quái lạ thật, tại sao hắn lại không có thể nói được như người. Cậu thử trả lời tôi xem nào?
Tôi thấy ngồi nói chuyện như vậy chỉ là phí lời vô ích. Tôi không thể nào học nổi cái cách lý sự của người da đen được. Thế là tôi đành ngừng cãi thôi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
AventuraBạn đang đọc truyện Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn của tác giả Mark Twain trên trang đọc truyện online. Ernest Hemingway từng nói: "Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của...