Chuẩn bị
Tháng chín, năm Đinh Tỵ (1257), bên ta được tin giặc Mông Cổ, tức giặc Nguyên, sửa soạn kéo sang lấn cướp:
Thái sư Mông Cổ là Thống Súy từ đường Vân Nam qua biên cảnh ta, thanh ngôn là muốn sang Ung143 và Quế144 hội đại binh ở Ngạc145 để đánh nhà Tống.
Vua Trần Thái Tôn (1225-1258) cử Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế, đốc suất các tướng ở tả hữu, đem quân thủy, quân bộ chống giữ biên thùy; tháng chín, năm Đinh Tỵ, 1257 (Toàn thư, quyển 5, tờ 2a); chính nhà vua tự làm tướng, đốc chiến, xông pha tên đạn.
Tháng một, năm ấy (Đinh Tỵ, 1257), Thái sư Mông Cổ Ô Lan Cáp Đạt, (tức Ngột Lương Hợp Giải hoặc Ngột Lương Cáp Thai), sau khi kinh lược xong việc Vân Nam, đóng quân ở phía bắc nước ta để uy hiếp. Hắn sai hai sứ giả đi dụ vua Trần. Khi không thấy sứ giả trở lại, hắn bèn phái bọn Tề Tề và Khắc Đồ mỗi tướng đem một nghìn quân, chia đường vào cướp, đóng trên sông Thao146. Hắn lại sai con là A Châu đi tiếp viện và dò xem tình hình hư thực.
Trận đầu bất lợi
Tháng chạp, năm Đinh Tỵ (1257), đại quân của Thống Súy Mông Cổ đến Tích Nỗ Nguyên147.
Vua Trần thúc quân cưỡi voi nghênh địch.
Bấy giờ con của Thống Súy là A Chuật, 18 tuổi, đem những tay thiện xạ ra bắn vào voi: Voi sợ, lồng bồn trở lại, chà đạp lẫn nhau. Quân ta cả vỡ.
Ngày hôm sau, vua Trần sai phá cái cầu Phù Lỗ, dàn trận ở bên này bờ sông.
Quân Mông Cổ muốn vượt sông, nhưng chưa biết rõ nông sâu thế nào. Chúng bèn đi men sông, bắn lên khoảng không: hễ thấy chỗ nào có tên rơi xuống nước rồi không nổi lên, thì biết chỗ đó là khúc sông nông, liền cho kỵ binh lội sang. Khi ngựa nhảy được lên bờ rồi, chúng tỏa quân như hai cánh chim xòe ra mà đánh. Quân ta thua vỡ. Giặc Nguyên lùa đại binh sang tiếp ứng, giết hàng vạn người, chém một tướng tông thất nhà Trần là Phú Lương hầu (không rõ tên).
Rút xuống mạn sông Tha Mạc
(Hưng Yên)
Sợ cô thế, vua Trần Thái Tôn nghe theo lời khuyên của Lê Phụ Trần148 phải tạm lánh. Ngài bèn lui giữ sông Lô, tức là khúc sông Cái từ Ngã Ba Hạc đến Thăng Long149.
Khi rút lui, nhà vua và Phụ Trần cùng tế ngựa chạy, thì gặp Phạm Cụ Trích150 đem quân đến cứu. Nhưng sau đó, Trích bị giặc giết. Vua Trần Thái và Lê Phụ Trần chạy thoát được đến bến Lãnh Mỹ.
Đang xuống thuyền, thì quân kỵ Mông Cổ rượt đến, bắn loạn xạ xuống thuyền nhà vua. Phụ Trần phải lấy ván thuyền che đỡ, vua Trần Thái mới thoát hiểm.
Thế lực giặc Mông Cổ mạnh lắm. Chúng tiến quân áp bức tận chỗ vua Trần đang đóng ở Đông Bộ Đầu151.
Ngài phải lui quân, giữ sông Tha Mạc152.
Vua Trần đi thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ về chước chống giặc. Thủ Độ thưa: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".
Thăng Long bị đốt phá, tàn sát
Thăng Long bấy giờ là thủ đô của nước Nam. Cung điện, dinh thự đều ở đấy. Từ năm Canh Dần (1230) niên hiệu Kiến Trung thứ sáu đời Trần Thái Tôn, nhà Trần nhân nền cũ nhà Lý, đắp thêm thành Thăng Long. Trong thành lập cung, điện, lầu, gác, lang vũ đông và lang vũ tây; bên tả dựng cung Thánh Từ để Thượng hoàng ngự, bên hữu làm cung Quan Triều để Hoàng đế ở. Bốn cửa ngoài thành có quân Tứ Xương luân phiên canh gác. Chia hai bên tả hữu thành làm sáu mươi mốt phường đặt chức Bình bạc ti153 để coi quản (Cương mục, quyển 6, tờ 9b-10a).
Cung thất nhà vua ở có năm cửa. Cửa giữa có đề chữ: "Đại Hưng chi môn" (大興之門-cửa Đại Hưng). Hai bên có cửa nách tả, gọi là "Tả dịch môn", cửa nách hữu, gọi là "Hữu dịch môn". Chính điện thì có chín gian, đề chữ "Đại an ngự điện" (大安御殿). Cửa chính nam đề chữ " Triều thiên các" (朝天閣)154.
Tập Hiền điện (集賢殿) là nơi màn treo, chướng rủ, trần thiết trang nghiêm, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt lắm mới thết yến sứ giả Trung Quốc ở đó. Khi đi vào điện này, đến cửa Dương Minh (陽明), dù ai sang cả đến đâu cũng phải xuống ngựa. Bằng không, sẽ có quân sĩ Thiên trường, là lính canh giữ cửa ấy, ra cản lại, bắt buộc phải hạ mã (Theo Toàn thư, quyển 5, tờ 40b-41a).
Lan đình (蘭亭) là nơi thân mật, vua Trần dùng để hội họp yến ẩm các vương hầu trong tông thất. Đời Trần Thánh Tôn, trong nhà Lan đình ấy có kê giường liền nhau, trên đặt gối dài, chăn lớn, để nhà vua cùng các anh em bà con trong họ, mỗi khi tan tiệc Lan đình, thường cùng nhau ngủ lại cả đấy (Toàn thư, quyển 5, tờ 31b).
Khi quân ta rút khỏi Thăng Long, giặc Mông Cổ tiến vào kinh thành, tìm thấy hai sứ giả nhà Nguyên bị giam ở ngục. Theo Nguyên sử thì thân thể họ bị trói bằng những mảnh tre đập dập155 bó lẳn cả vào da. Khi cởi trói thì một sứ giả chết (quyển 209, tờ 1a). Giặc Mông Cổ đốt phá tan hoang và "làm cỏ" cả đô thành, nghĩa là chết sạch cả nhân dân ở Thăng Long156.
Sau khi đóng tại Thăng Long chín ngày, quân Mông Cổ khó chịu vì khí hậu oi uất nóng bức, bèn rút lui.
Phản công
Thời cơ phản công đã đến. Vua Trần Thái Tôn bèn cùng Thái tử Hoảng lại tiến binh lên Đông Bộ Đầu đánh giặc: đại thắng.
Khi Mông Cổ chạy về đến trại Quy Hóa157 thì chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người mán, đánh úp, lại cả phá quân giặc (Cương mục, quyển 6 tờ 22b).
Khi hồi loan, thấy kinh đô bị đốt phá sạch sanh, vua Trần cả giận. Nhân bấy giờ lại có hai sứ giả Mông Cổ đến chiêu dụ, ngài bèn sai trói cả lại, rồi cho về.
Trong cuộc kháng chiến Mông Cổ này, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư biết nhân cơ hội, rình kẽ hở, tập kích giặc, được vua Trần khen là có trí lược (Toàn thư, quyển 5, tờ 42a-b). Lê Phụ Trần, một người, một ngựa, xông pha trận giặc, nét mặt vẫn nhơn nhơn như không.
Chú Thích
142. Xem bản đồ số 1 ở cuối sách.
143. Nay là huyện Ung Ninh, tỉnh Quảng Tây.
144. Nay là huyện Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.
145. Nay là tỉnh Hồ Bắc.
146. Khúc sông Cái (nay gọi Hồng Hà) từ mạn Lào Cai xuống Ngã Ba Hạc gọi là sông Thao.
147. Không rõ ở đâu bây giờ.
148. Trong An Nam chí lược chép là Lê Tần. Có lẽ Tần là tên cũ, sau được vua Trần khen thưởng vì có công lớn trong cuộc kháng chiến Mông Cổ lần thứ nhất này, nên Tần được đổi tên là Phụ Trần, lấy nghĩa rằng họ Lê giúp nhà Trần chăng?
149. Sử cũ chép là sông Phú Lương. Thế là nhận nhầm sông Hồng Hà làm sông Phú Lương, tức sông Cầu, ở địa phận huyện Phúc Lương, tỉnh Thái Nguyên.
150. Trong An Nam chí lượcchỗ thì in là "Kỳ Trích", chỗ thì in là "Cụ Trích", vì chữ "kỳ" và chữ "cụ" gần giống nhau.
151. Bến Đông (Đông Tân) sông Cái ở địa phận huyện Thượng Phúc (Hà Đông).
152. Cũng gọi Thiên Mạc, tức là khúc sông Cái bên bãi Màn Trù thuộc tỉnh Hưng Yên.
153. Tức như chức Kinh doãn đời sau.
154. Theo Nguyên sử. quyển 209, tờ 5b.
155. Có lẽ trói bằng thứ thừng bện bằng lạt tre?
156. Cũng theo Nguyên sử.
157. Nay thuộc Hưng Hóa, Phú Thọ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt | Hoàng Thúc Trâm
Historical FictionTác phẩm: Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt. Tác giả: Hoàng Thúc Trâm. Dành cho những ai muốn tìm hiểu về Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Reup: Wattpad © diecnguyenvichi