Để thay lời kết luận cả sách, chương này xin nhắc lại đôi chút kinh nghiệm mà đức Trần Hưng Đạo đã để lại trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ.
Mông Cổ sang lấn cướp, có chuyến đem tới năm mươi vạn quân.
Về bên ta, chuyến nào phải động viên nhiều nhất chỉ đến hơn hai mươi vạn quân là cùng. Nhưng theo lối tổ chức binh bị đương thời, thì “khi hữu sự, hết thảy nhân dân đều là binh lính” (Cương mục, quyển 6, tờ 26b). Chép về mấy chuyến kháng Nguyên, tác giả An Nam chí lược thường dùng những câu như “cả nước đều đón đánh”288 hoặc “suốt nước đều chống giặc”289. Mà Lịch triều hiến chương cũng chép: “Trăm họ đều là quân lính, nên mới phá được giặc to và làm mạnh được thế nước”. (Binh chế chí).
Mông Cổ, trong năm Đinh Hợi (1287), đánh kinh thành Thăng Long, đã dùng đến súng, ngoài những cung nỏ là ngón trội nhất của quân địch.
Còn bên ta, chỉ có thứ tên tẩm thuốc độc là một chiến cụ lợi hại nhất. Thế là, về võ khí, ta cũng kém sút quân địch. Nhưng ta nắm được mấy ưu điểm này:
“Mông Cổ lợi ở trường trận, ta lợi ở đoản binh. Lấy đoản mà chế trường”. (Lời Trần Hưng Đạo).
“Quân giặc hàng năm đi xa muôn dặm, lịu địu những đồ tri trọng, thế tất mệt mỏi. Ta lấy sức thong thả mà chờ đợi đằng nhọc nhằn, trước hãy đánh cho chúng bạt hơi sức đi thì thế nào cũng phá được”. (Lời Trần Nhân Tôn).
Chính đức Trần Hưng Đạo đã nói: “Năm trước, quân Nguyên vào lấn cướp, dân ta chưa biết việc binh, nên mới có kẻ xuống hàng và người lẩn tránh. Nếu chúng lại sang, quân sĩ ta đã quen trận mạc, mà chúng thì nhọc mệt vì phải đi xa, lại chột vì việc Toa Đô, Hằng, Quán đã thua lần trước, không có tinh thần chiến đấu, thì tất thế nào cũng phá được”.
Và ngài đã cầm chắc thắng lợi cuối cùng trong trận kháng Nguyên lần thứ ba, nên mới ung dung nói: “Thế giặc năm nay nhàn!”. Ý nói dễ đánh, không có gì đáng lo ngại.
Đến khi tác chiến, lại khôn khéo áp dụng được những chiến lược và chiến thuật như:
Thỉnh thoảng xin hòa để hòa hoãn tình thế.
Giả cách xin hàng để làm kiêu khí quân giặc.
Bỏ kinh đô Thăng Long, lẩn tránh ở các miền rừng núi để bảo toàn lấy quân chủ lực.
Trước khi rút bỏ kinh đô, chỉ để cung không, điện trống với ít giấy tờ không quan trọng, còn thì dọn đi và tiêu hủy hết cả.
Trong dân gian, tuy không thấy sử chép làm chước “thanh dã”290, nhưng năm Mậu Tý (1288), giặc Mông Cổ, sau khi lương thuyền bị đánh đắm ở cửa Lục291, phải đổ đi các ngả để cướp lương thực, rồi phải rút về vì thiếu ăn, thì đủ biết có lẽ bấy giờ thóc gạo trong dân gian, phần thì giấu đi, phần thì tiêu hủy, nên quân giặc mới khó kiếm lương thực đến thế.
Cố ý làm cho quân địch mỏi mòn, chán chối, “muốn đánh cũng không được đánh”292 để đợi thời cơ thuận tiện, bấy giờ mới kịch liệt phản công.
Quân ta, thường lẩn tránh, không giữ chiến tuyến nhất định, nên chuyến Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra Nghệ An, Thanh Hóa, như vào chỗ đất không người. Kịp lúc phản công, bấy giờ ta mới tập trung lực lượng293, tiên phát chế nhân294 nên Toa Đô mới bị rụng đầu ở Tây Kết.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt | Hoàng Thúc Trâm
Historical FictionTác phẩm: Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt. Tác giả: Hoàng Thúc Trâm. Dành cho những ai muốn tìm hiểu về Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Reup: Wattpad © diecnguyenvichi